Tiếp tục thúc đẩy tư duy và hành động đột phá trong tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường của tỉnh Quảng Ninh
TS. Nguyễn Thị Hà - TS. Nguyễn Thị Hoa***Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh -**TS, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường là một trong những mối quan hệ lớn được Đảng ta nhận thức và yêu cầu giải quyết; là nội dung trọng tâm thể hiện sự phát triển bền vững phù hợp với xu thế của thời đại, đồng thời thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa. Quảng Ninh là một tỉnh có tiềm năng và thế mạnh để phát triển toàn diện về kinh tế, đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu phát triển về văn hóa, xã hội và môi trường, giải quyết hài hòa mối quan hệ này sẽ góp phần đưa tỉnh trở thành địa phương “kiểu mẫu, văn minh, hiện đại”. Điều đó đòi hỏi tỉnh Quảng Ninh cần có tư duy và hành động đột phá về tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường.
Quán triệt và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn coi trọng gắn kết phát triển kinh tế với xây dựng văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường. Đây là yêu cầu tất yếu của việc xây dựng mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đòi hỏi phát triển toàn diện, bền vững, khi trên thực tế, để đạt được mục tiêu về tăng trưởng kinh tế, các địa phương và các quốc gia đã phải đánh đổi những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống, đạo đức xã hội, ô nhiễm môi trường và đã định hình những vấn đề mang tính toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, Đảng ta luôn khẳng định: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng và phát triển hài hòa với kinh tế, chính trị, xã hội; bảo đảm yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế; thích ứng với xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các công nghệ mới, hiện đại và biến đổi kinh tế - xã hội, con người do tác động của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng...”[1]; “Triển khai đồng bộ, toàn diện các mục tiêu kinh tế, tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường, trên cơ sở đó, đổi mới phân bổ nguồn lực hợp lý để nâng cao hiệu quả phát triển xã hội. Xây dựng và thực hiện đồng bộ thể chế, chính sách phát triển xã hội, quản lý phát triển xã hội bền vững, hài hòa”[2],“Thực hiện những giải pháp đột phá nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực xã hội và các tệ nạn xã hội”[3]. Những quan điểm, chủ trương chung của Đảng chính là căn cứ lý luận cơ bản cho việc thực hiện những sự đột phá trong tư duy và hành động của mỗi địa phương.
Tư duy và hành động đột phá trong tăng trưởng kinh tế gắn và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường của tỉnh Quảng Ninh
Là tỉnh có những tiềm năng và đặc điểm của một “Việt Nam thu nhỏ”, trong chiến lược phát triển, Quảng Ninh luôn xác đinh bảo đảm hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, văn hóa, môi trường là nội dung xuyên suốt, nhất là hơn 1 thập kỷ vừa qua, bảo đảm mục tiêu lâu dài là phát triển nhanh và bền vững với đặc trưng: “Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Nhân dân hạnh phúc”.
Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015-2020 khẳng định: Phấn đấu xây dựng Quảng Ninh trở thành “một trong những cực tăng trưởng kinh tế của miền Bắc với hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, giảm nghèo bền vững... bảo vệ và cải thiện rõ rệt môi trường sinh thái; gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa...; bảo tồn và phát huy bền vững các giá trị của Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và các khu danh thắng, di tích lịch sử” với định hướng lớn đầu tiên là “tăng trưởng kinh tế bảo đảm chỉ tiêu đề ra trên nền tảng phát triển bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, quốc phòng - an ninh vững chắc”[4]. Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 thể hiện rõ sự kết hợp đó: Mục tiêu “xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc” gắn với quan điểm “lấy phát triển con người, bảo đảm và cải thiện dân sinh làm mục đích...; phát triển kinh tế xạnh...làm định hướng...; lấy phát triển văn hóa, xây dựng văn minh sinh thái, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường làm trọng điểm”; “chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột (thiên nhiên, con người, văn hóa)”[5].
Thú nhất, đột phá trong tư duy và hành động về gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa.
Quảng Ninh là nơi hội tụ, giao thoa, thống nhất trong đa dạng của nền văn minh sông Hồng, sở hữu đa dạng các chủ thể văn hóa với cộng đồng 22 dân tộc anh em. Đồng thời, Tỉnh còn có kho tàng di sản văn hóa vô giá gồm 613 di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng, trong đó có 5 di tích quốc gia đặc biệt, 01 Di sản thiên nhiên thế giới (vịnh Hạ Long), 52 di tích cấp quốc gia, 82 di tích cấp tỉnh, 473 di tích đã được kiểm kê, phân loại cùng 361 di sản văn hóa phi vật thể được chia làm 7 loại hình (tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, lễ hội truyền thống, nghề thủ công, tri thức dân gian)[6].
Trên cơ sở quan điểm, chủ trương của Đảng, từ tiềm năng, thế mạnh, đặc thù địa phương, Quảng Ninh đã có sự đột phá trong nhận thức và những biện pháp cụ thể đối với việc bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế gắn với việc bảo tồn và phát triển văn hóa của địa phương. Tỉnh xác định: “vận dụng cơ chế thị trường để chuyển hóa các tài nguyên văn hóa thành nguồn lực văn hóa, “vốn hóa” các giá trị văn hóa địa phương để hình thành nên các sản phẩm văn hóa đa dạng, độc đáo phục vụ du lịch - dịch vụ, bảo đảm sinh kế, tăng thu nhập cho hàng vạn lao động...”, và phát triển “công nghiệp văn hóa”. Với quan điểm văn hóa, con người là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là nguồn lực, là sức mạnh nội sinh cho sự phát triển, Tỉnh ủy đã ra Nghị quyết số 11-NQ/TU, “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” ngày càng được triển khai hiệu quả, không ngừng thấm sâu vào đời sống xã hội. Đặc biệt là Nghị quyết 11-NQ/TU xác định những đặc trưng của con người Quảng Ninh hiện đai là “Năng động - Sáng tạo - Hào sảng - Lành mạnh - Văn minh - Thân thiện”. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định: “Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh” là một trong ba khâu đột phá chiến lược, thông qua đó dành nhiều nguồn lực, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để tập trung thực hiện hiệu quả, thành công khâu đột phá này.
Theo đó, Quảng Ninh tiếp tục quan tâm dành nguồn lực đầu tư và ban hành các cơ chế, chính sách cho bảo tồn, phát triển văn hóa, nhất là vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa. Cùng với đó, tỉnh xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, đưa văn hóa trở thành một thị trường tiềm năng, hướng tới “xuất khẩu văn hóa”, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững.
Theo đó, Quảng Ninh tiếp tục quan tâm dành nguồn lực đầu tư và ban hành các cơ chế, chính sách cho bảo tồn, phát triển văn hóa, nhất là vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa. Cùng với đó, tỉnh xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, đưa văn hóa trở thành một thị trường tiềm năng, hướng tới “xuất khẩu văn hóa”, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững.
Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa và mở rộng hội nhập quốc tế, công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm: Việc khai thác và phát huy các nguồn lực văn hóa, con người hiệu quả chưa cao. Văn hóa chưa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội. Việc truyền dạy cho thế hệ trẻ tiếp nối, giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống chưa được quan tâm đúng mức... Môi trường văn hóa có mặt bị đe dọa do ảnh hưởng bởi hội nhập thiếu chọn lọc; một số giá trị truyền thống bị mai một. Hệ giá trị nhân cách với các chuẩn mực về đạo đức, lối sống, con người Quảng Ninh trong thời kỳ mới chưa được hình thành rõ nét[7].
Thứ hai, đột phá trong tư duy và hành động về gắn tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Gắn tăng trưởng kinh tế nhanh đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo cũng là một trong những đột phá trong tư duy, tầm nhìn và khát vọng phát triển của tỉnh Quảng Ninh thời gian qua. Trên quan điểm, mỗi người dân tỉnh Quảng Ninh đều được hưởng thành quả tăng trưởng, không để ai bị bỏ lại phía sau, 5 năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành 19 chính sách riêng về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và ưu tiên bố trí nguồn lực lớn cho các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách, yếu thế; từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng, miền. Tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành đưa điện lưới quốc gia đến 100% các thôn, bản vùng cao, biên giới và các đảo có người dân sinh sống. Bên cạnh đó, mở rộng cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Diện mạo thành thị và nông thôn của tỉnh được thay đổi rõ rệt, nhất là tại các khu vực đặc biệt khó khăn, nông thôn, miền núi, biên giới, biển, đảo. GRDP bình quân đầu người của tỉnh năm 2020 đạt trên 6.700 USD, gấp hơn 2 lần bình quân chung cả nước. Toàn tỉnh có 85% số trường đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ bác sĩ/vạn dân đạt 14,8; tỷ lệ giường bệnh/vạn dân đạt 54,6; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%, đều cao hơn bình quân chung cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều giảm từ 4,56% năm 2015 xuống chỉ còn 0,36% năm 2020. Đó cũng chính là thể hiện việc hướng đến các tiêu chí của “hạnh phúc con người” mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nêu lên, làm cho người dân được hưởng phúc lợi xã hội, hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần[8].
Tuy nhiên, Quảng Ninh chưa có nhiều đột phá trong phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng có xu hướng gia tăng. Thu nhập và đời sống của người dân nông thôn còn thấp so với mặt bằng chung toàn tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi còn cao so với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thứ ba, đột phá trong tư duy và hành động về gắn tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường.
Nhất quán với quan điểm không đánh đổi môi trường thiên nhiên lấy tăng trưởng nóng, thiếu bền vững, tỉnh đã triển khai hàng loạt giải pháp ngắn hạn cũng như dài hơi, để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cao, tăng trưởng xanh. Theo đó, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết 236/NQ-HĐND, ngày 12-12-2015, về những chủ trương, giải pháp tăng cường công tác bảo vệ môi trường tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, qua đó ban hành Bộ quy chuẩn địa phương phù hợp với điều kiện, đối tượng trên địa bàn tỉnh; Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết về bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2018 - 2022. Trên cơ sở đó, hằng năm, tỉnh chi không dưới 3% tổng chi ngân sách địa phương cho sự nghiệp môi trường; tăng cường chỉ đạo các đơn vị khai thác than có hoạt động trên địa bàn bảo đảm kinh phí cho bảo vệ môi trường; hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ và đẩy nhanh tiến độ di chuyển hàng trăm cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch đô thị; kiên quyết từ chối đầu tư những dự án có công nghệ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, từng bước đổi mới, cải tiến công nghệ đối với những nhà máy hiện có để giảm phát thải, cải thiện môi trường... Hiện nay, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng giảm công nghiệp khai thác, công nghiệp nặng tiêu tốn nhiều tài nguyên thiên nhiên hữu hạn sang công nghiệp chế tạo, chế biến, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch. Tuy nhiên, “công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản còn nhiều thách thức. Hiệu quả thu gom, xử lý rác thải và nước thải sinh hoạt tại các đô thị chưa đạt yêu cầu”[9].
Một số đề xuất góp phần thúc đẩy tư duy và hành động đột phá trong tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển văn hóa, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường
Thúc đẩy tư duy và hành động đột phá trong phát triển tỉnh Quảng Ninh nói chung, trong vấn đề tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển văn hóa, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường nói riêng có nhiều điều kiện thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức.
Về thuận lợi: Đảng và Nhà nước ta luôn đòi hỏi các địa phương, ngành phải có tư duy và hành động đột phá, sáng tạo trong việc vận dụng những nguyên tắc chung vào điều kiện cụ thể của mỗi địa phương, mỗi ngành, lĩnh vực cụ thể để phát huy tính tích cực, chủ động của các chủ thể; những thành tựu của các nước trên thế giới, cũng như kinh nghiệm của một số địa phương khác; những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập quốc tế ngày càng toàn diện và sâu sắc; kinh nghiệm, trí tuệ và sự quyết tâm đột phá của đội ngũ lãnh đạo, cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, sẻ chia, đoàn kết của toàn thể các tầng lớp nhân dân...
Về khó khăn: Đột phá thường mang tính tiên phong, khác biệt, nên không tránh khỏi những rủi ro; cơ chế để bảo đảm cho tư duy và hành động đột phá chưa rõ ràng, cụ thể; nhận thức của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý và nhân dân về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường nhằm bảo đảm phát triển bền vững, toàn diện vẫn còn hạn chế; năng lực để hình thành tư duy và hành động đột phá của một bộ phận cán bộ lãnh đạo quản lý chưa thực sự được phát huy.
Để thúc đẩy hơn nữa tư duy và hành động đột phá trong việc giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế - xã hội - văn hóa của tỉnh Quảng Ninh hiện nay, có thể tham khảo một số đề xuất:
Một là, tư duy và hành động đột phá cần phải bảo đảm những nguyên tắc: Có căn cứ lý luận và pháp lý khoa học, phù hợp và cơ sở thực tiễn. Căn cứ lý luận, pháp lý cơ bản trước hết là quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về những nội dung liên quan. Cơ sở thực tiễn là thực trạng và bài học kinh nghiệm trong thực hiện tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển văn hóa, tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường của một số quốc gia trên thế giới, của các địa phương trong nước và chính thực tiễn phát triển của Quảng Ninh, những tiềm năng, thế mạnh, giá trị riêng biệt, nổi trội của tỉnh mà trong đó có cả những yếu tố của “thiên tạo” và những yếu tố ‘nhân tạo”; những yếu tố thuộc về cốt cách, con người Quảng Ninh. Cần phải nhận diện và chuyển hóa các nguồn lực tiềm năng, nguồn lực hiện hữu sẵn có thành động lực cho quá trình phát triển.
Nhận diện rõ những khó khăn, thách thức khi giải quyết mối quan hệ này hiện nay, học hỏi những cách giải quyết hiệu quả của một số địa phương, hoặc một số quốc gia có đặc điểm tương đồng để hóa giải. Thậm chí biến thách thức thành thời cơ trong quá trình phát triển. Có thể tham khảo mô hình phát triển du lịch di sản văn hóa của Trung Quốc; kinh nghiệm áp dụng kinh tế tuần hoàn, gắn tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường của Singapore, Thụy Điển... Đối với các địa phương ở trong nước, có thể tham khảo về những đột phá trong tư duy và hành động của thành phố Hồ Chí Minh với mục tiêu “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng cuộc sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”; Xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh “văn minh, hiện đại”; đặc biệt là chủ trương đột phá trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với đề án Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế giai đoạn 2020 - 2035...
Hai là, cần xác định những nội dung trọng điểm, đặc thù để thực hiện tư duy và hành động đột phá. Cụ thể: Giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa: Cần nhấn mạnh hơn sự quan tâm tới phát triển văn hóa, không chỉ về mặt lý luận, mà còn trong vận dụng vào thực tiễn, bởi văn hóa đến nay vẫn chưa thực sự được quan tâm và đầu tư tương xứng với vị trí quan trọng của nó. Đặc biệt cần lưu ý đến một số nội dung như: (i) Đột phá trong phát triển du lịch bền vững: Bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa (khi phát triển công nghiệp văn hóa, nhất là văn hóa tâm linh; khi khai thác hiệu quả kinh tế), các công trình di sản đều có những giá trị lịch sử, giáo dục, văn hóa đặc trưng; số hóa trong bảo tồn di sản, phát triển du lịch; (ii) Định hình và phổ quát hệ giá trị của con người Quảng Ninh thời đại mới: Vừa mang những giá trị cốt lõi truyền thống (đất mỏ), vừa kết hợp những giá trị mới của vùng đất du lịch biển và những di sản; (iii) Phát triển du lịch an toàn, bền vững cho di sản. Giữa tăng trưởng kinh tế với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội: (i) Giải quyết việc làm cho công nhân ngành mỏ (trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nguồn tài nguyên có hạn), cho người lao động khu vực dịch vụ, lao động phi chính thức; đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường: Ô nhiễm môi trường từ khai thác than, từ khai thác du lịch biển; ứng dụng khoa học - công nghệ trong bảo vệ môi trường.../.
[1](1) Chính phủ: Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.
[2](2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 147-148.
[3](3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 143.
[4](4) Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh: Nghị quyết Đại hội Đại biểu tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015 - 2020.
[5](5) Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh: Nghị quyết Đại hội Đại biểu tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2021 - 2025.
[6](6) Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh: Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2022, ban hành ngày 29-3-2019.
[7](7) Tỉnh ủy Quảng Ninh: Nghị quyết số 11-NQ/TU, “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”.
[8](8) https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/thuc-tien-kinh-nghiem1/-/2018/823972/tinh-quang-ninh---do....
[9](9) Đảng Bộ tỉnh Quảng Ninh: Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XV, nhiệm kỳ 2021 - 2025.