21/11/2024 | 16:51 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Phát triển du lịch Quảng Ninh trong xu hướng chuyển đổi kinh tế từ “nâu” sang “xanh”: Thực trạng, những vấn đề đặt ra và những bài học kinh nghiệm

PGS, TS. Phạm Trung Lương* - ThS. Nguyễn Thị Thúy Hằng**
* Viện Du lịch bền vững Việt Nam - **Trường Đại học Thủ Đô Hà Nội
Phát triển du lịch Quảng Ninh trong xu hướng chuyển đổi kinh tế từ “nâu” sang “xanh”: Thực trạng, những vấn đề đặt ra và những bài học kinh nghiệm

Nhận thức về phát triển du lịch trong xu hướng chuyển đổi kinh tế từ “nâu” sang “xanh”

Phát triển kinh tế xanh - lựa chọn tất yếu hướng đến phát triển bền vững

Kinh tế “nâu” dựa trên việc khai thác tài nguyên thiên nhiên nhưng thiếu sự quan tâm đến hiệu quả khai thác và môi trường đã giúp sự tăng trưởng kinh tế đạt được tốc độ cao. Chính vì vậy kinh tế “nâu” là sự lựa chọn của nhiều quốc gia, địa phương trong thời gian dài. Tuy nhiên hậu quả của phát triển kinh tế “nâu” đã gây ra những tổn hại lớn cho môi trường, như ô nhiễm không khí, nguồn nước, đại dương; suy thoái đất; mất rừng, suy giảm đa dạng sinh học; gia tăng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính như CO2, SO2, CH4,... đẩy nhanh tình trạng biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu. Nhận thức được những nguy cơ đối với phát triển bền vững, phát triển kinh tế “xanh” đã trở thành lựa chọn tất yếu của các quốc gia, địa phương nhằm đạt được sự tăng trưởng kinh tế, trong khi vẫn duy trì sự bền vững về môi trường.

Ngay từ những năm 1990, phát triển bền vững nói chung và du lịch bền vững nói riêng đã thu hút được sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới bởi phát triển bền vững sẽ bảo đảm được sự cân bằng giữa các mục tiêu kinh tế, văn hóa - xã hội và môi trường cho một lãnh thổ ở những quy mô khác nhau từ địa phương đến vùng, quốc gia, khu vực và toàn cầu. Cho đến nay, tiếp cận phát triển bền vững luôn là ưu tiên cho mọi phương án phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều quốc gia.

Thuật ngữ “kinh tế xanh” được sử dụng rộng rãi từ năm 2008 trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính và sự cần thiết phát triển “kinh tế xanh”. Thuật ngữ về “kinh tế xanh” lần đầu tiên được sử dụng trong công trình “Sáng kiến ​​kinh tế xanh” của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) vào năm 2008. Trong báo cáo “Hướng tới nền kinh tế xanh: Con đường phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo” công bố năm 2011, khái niệm “kinh tế xanh” của UNEP được chính thức đưa ra, theo đó: “Nền kinh tế xanh giúp cải thiện đời sống và công bằng xã hội, trong khi giảm đáng kể các rủi ro môi trường và khan hiếm nguồn lực sinh thái. Kinh tế xanh có thể được coi là một nền kinh tế có lượng phát thải carbon thấp, sử dụng tài nguyên hiệu quả và và đem lại hiệu quả bao trùm xã hội” (UNEP, 2011). Khái niệm này đã được nhiều tổ chức quốc tế sử dụng rộng rãi cho đến nay. Ý nghĩa cốt lõi của kinh tế xanh là tăng trưởng kinh tế bảo đảm đồng thời hai mục tiêu là bảo vệ môi trường sống trong sạch và bền vững.

Ý nghĩa cốt lõi của kinh tế xanh là tăng trưởng kinh tế (xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng, phát triển năng lượng sạch, đáp ứng nhu cầu việc làm của người dân và thúc đẩy tăng trưởng...), song bảo đảm đồng thời mục tiêu về bảo vệ môi trường sống (sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên, khuyến khích tái tạo, tái sử dụng tài nguyên, hạn chế tác động đến môi trường...) và xã hội (nâng cao chất lượng giáo dục, thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giới và giảm thiểu bất bình đẳng xã hội...). Xu hướng chuyển đổi từ kinh tế nâu sang kinh tế xanh là xu hướng tất yếu bởi bảo đảm cho tăng trưởng kinh tế bền vững và hạn chế tình trạng cạn kiệt nguồn tài nguyên, suy thoái môi trường và tình trạng nóng lên toàn cầu.

Trong nền kinh tế xanh, tài nguyên môi trường là yếu tố quan trọng mang tính chất quyết định đến sự phát triển kinh tế, cải thiện chuỗi giá trị, đem lại sự ổn định và thịnh vượng lâu dài. Bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu được xem là vấn đề then chốt của kinh tế xanh.

Như vậy có thể thấy phát triển kinh tế xanh là lựa chọn tất yếu của nhiều quốc gia và địa phương trong bối cảnh sự suy thoái tài nguyên, môi trường và tác động của biến đổi khí hậu ngày một gia tăng trên phạm vi toàn cầu.

Phát triển du lịch xanh và những nguyên tắc cơ bản

Với tư cách là một ngành kinh tế, phát triển du lịch xanh cũng là lựa chọn của nhiều điểm đến ở quy mô quốc gia và địa phương trong xu hướng chuyển đổi kinh tế từ “nâu” sang “xanh” hướng đến sự phát triển bền vững. Với cách tiếp cận trên, “du lịch xanh là hình thức phát triển du lịch thân thiện với môi trường trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc: Thứ nhất, sử dụng hợp lý và có hiệu quả các nguồn lực tài nguyên thiên nhiên cho nhu cầu phát triển du lịch; Thứ hai, hạn chế tác động từ hoạt động phát triển du lịch đến môi trường tự nhiên; và Thứ ba, ưu tiên phát triển các loại hình/sản phẩm du lịch có trách nhiệm với môi trường trong đó trọng tâm là du lịch sinh thái”.

Phát triển “du lịch xanh” là hướng tiếp cận tích cực đảm bảo cho phát triển du lịch bền vững - một nhánh của phát triển bền vững nói chung lần đầu tiên được đề cập tại Hội nghị của Ủy ban thế giới về Phát triển và Môi trường (hay Ủy ban Brundtlant) năm 1987 và đã được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) cụ thể hoá tại Hội nghị về Môi trường và Phát triển của Liên hợp quốc tại Rio de Janeiro năm 1992. Đây là hướng tiếp cận quan trọng để thực hiện Chương trình hành động phát triển bền vững trong lĩnh vực du lịch với tên gọi “Chương trình nghị sự 21 về Du lịch: Hướng tới phát triển bền vững về môi trường” (Agenda 21 for the Travel & Tourism Industry: Towards Environmentally Sustainable Development, gọi tắt là “Agenda 21 for Tourism”) do Hội đồng Lữ hành Du lịch thế giới (WTTC), Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và Hội đồng Trái đất (Earth Council) phối hợp xây dựng với việc ứng dụng các nguyên tắc của của Phát triển bền vững (Agenda 21) vào du lịch.

Như vậy có thể thấy “du lịch xanh” với trọng tâm là hoạt động bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch và khuyến khích các loại hình du lịch thân thiện với môi trường mà trước hết là du lịch sinh thái, đã được phát triển ngay từ thập kỷ 80 của thế kỷ XX, thời điểm mà cả thế giới bắt đầu quan tâm đến phát triển bền vững. Với trọng tâm được đề cập, yếu tố luôn được coi trọng hàng đầu trong phát triển “Du lịch xanh” là tôn trọng thiên nhiên, hạn chế đến mức tối đa những tác động tiêu cực của du lịch đến môi trường.

Với những ưu tiên trong phát triển của mình, “du lịch xanh” luôn đem lại những trải nghiệm đặc biệt đối với du khách trong mối quan hệ với thiên nhiên và môi trường và là ưu tiên của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam trong chiến lược quốc gia về phát triển du lịch hướng đến tính bền vững, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Theo số liệu điều tra của UNWTO, nếu như vào giữa những thập niên 90 của thế kỷ XX số lượng khách du lịch Tây Âu và Bắc Mỹ quan tâm đến du lịch tự nhiên, đặc biệt là du lịch sinh thái chiếm khoảng 30% thì đến giữa thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, con số đó đã tăng lên gấp đối và có xu hướng ngày một tăng.

Các nguyên tắc cơ bản của hoạt động phát triển “du lịch xanh” như đã đề cập bao gồm các hợp phần:

- Sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên cho nhu cầu phát triển.

Với tư cách là một ngành kinh tế, một trong những đầu vào quan trọng cho sự phát triển du lịch sẽ là năng lượng, nước, vật liệu xây dựng công trình dịch vụ được khai thác từ tự nhiên... Nhu cầu đối với sử dụng năng lượng và nước được xem là rất lớn dựa trên nhu cầu trung bình của khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế cao hơn nhiều so với nhu cầu trung bình của người dân. Chính vì vậy cùng với sự phát triển sẽ là những tác động không nhỏ từ du lịch đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Vai trò của “du lịch xanh” ở đây như một “van điều tiết”để sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả nhất đối với các nguồn lực tài nguyên tự nhiên, đặc biệt là tài nguyên năng lượng, tài nguyên nước cho phát triển du lịch.

- Hạn chế tác động của du lịch đến môi trường tự nhiên.

Như đã đề cập, cùng với phát triển du lịch sẽ là một lượng chất thải rất lớn từ các hoạt động dịch vụ ra môi trường. Nếu lượng chất thải này không được xử lý hiệu quả thì sẽ có những tác động không nhỏ từ du lịch đến quá trình suy thoái và ô nhiễm môi trường. Thực tế cho thấy môi trường nước quanh những khu du lịch nghỉ dưỡng ở Việt Nam có dấu hiệu ô nhiễm chất hữu cơ do nước thải trực tiếp từ hoạt động dịch vụ ở những khu du lịch này ra môi trường.

Vai trò của “du lịch xanh” ở đây chính là những hoạt động nhằm hạn chế tác động của chất thải bao gồm: quản lý và xử lý chất thải theo quy định; áp dụng mô hình “3R” (Reduce - Reuse - Recycle).

- Ưu tiên phát triển các loại hình/sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường trong chiến lược phát triển du lịch điểm đến.

Với tư cách là ngành kinh tế, phát triển du lịch luôn hướng đến việc tạo ra nhiều loại hình/sản phẩm du lịch để đáp ứng cao nhất nhu cầu đa dạng của thị trường, qua đó đạt được những mục tiêu về kinh tế. Trong nhiều trường hợp việc quản lý thiếu nguyên tắc đối với phát triển bền vững sẽ dẫn tới việc phát triển những loại hình du lịch có nhiều tác động tiêu cực đến môi trường. Điều này sẽ không là ưu tiên trong phát triển “du lịch xanh”, theo đó “du lịch xanh” sẽ ưu tiên cho việc phát triển các loại hình/sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường, đặc biệt là du lịch sinh thái.

Như vậy có thể thấy nội hàm của “du lịch xanh” là khá rộng bao gồm rất nhiều các hoạt động cụ thể được tích hợp trong các hợp phần cơ bản đã đề cập ở trên. Qua đây có thể thấy vai trò quan trọng của “du lịch xanh” đối với bảo vệ môi trường và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. Đây là yếu tố rất quan trọng để bảo đảm cho phát triển du lịch bền vững nói riêng và phát triển bền vững nói chung cho một lãnh thổ.

Phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh trong xu hướng chuyển đổi kinh tế địa phương từ “nâu” sang “xanh” cũng không phải là ngoại lệ.

Thực trạng phát triển du lịch Quảng Ninh và những vấn đề đặt ra để trở thành ngành kinh tế xanh

Quảng Ninh là một trong những địa phương tiên phong lựa chọn chuyển đổi kinh tế từ “nâu” sang “xanh”. Qua các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, XIV, XV từ việc nhận diện rõ những thách thức và thời cơ, Quảng Ninh đã xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với trọng tâm là du lịch xanh, qua đó góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu chuyển đổi nền kinh tế Quảng Ninh từ “nâu” sang “xanh”. Để hiện thực hóa mục tiêu này Quảng Ninh đã chú trọng phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất du lịch theo hướng đồng bộ, hiện đại với nhiều dự án quan trọng như: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, Cảng tàu quốc tế Tuần Châu, cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cầu Bạch Đằng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, cầu Tình Yêu và mới đây là dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được đưa vào hoạt động. Cho đến nay trên địa bàn tỉnh có gần 2.100 cơ sở lưu trú du lịch với trên 35.800 buồng; gần 200 tàu lưu trú nghỉ đêm với khoảng 2.200 phòng, chiếm 37,4% số lượng tàu du lịch được cấp phép hoạt động trên vịnh Hạ Long. Qua đó, góp phần kéo dài thời gian trải nghiệm, lưu trú, tăng chi tiêu của du khách.

Bên cạnh đó hệ thống sản phẩm du lịch cũng được đa dạng hóa với nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn như: Khu nghỉ dưỡng Vinpearl Hạ Long; Công viên Đại Dương, Quần thể nghỉ dưỡng và sân golf FLC; Khu nghỉ dưỡng Legacy Yên tử, Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp Quang Hanh... Đặc biệt, Quảng Ninh định hướng phát triển trở thành “Điểm đến du lịch 4 mùa” với việc phát triển các sản phẩm du lịch mới như: Festival Áo dài, Yên Tử về miền đất Phật mùa thu - Tưởng nhớ Phật hoàng Trần Nhân Tông, Carnaval mùa đông...

Du lịch Quảng Ninh cũng hướng đến việc phát triển hợp lý tổ chức lãnh thổ du lịch nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch đa dạng và phong phú, theo đó hình thành các trung tâm du lịch trọng điểm: Hạ Long, Vân Đồn, Móng Cái; tập trung phát triển vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long với Cô Tô tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch biển đảo đặc sắc, cao cấp; phát triển khu vực Uông Bí, Đông Triều, Quảng Yên trở thành trung tâm du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh - sinh thái có sức hấp dẫn cao; khu vực Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà kết nối với thành phố Móng Cái phát triển du lịch sinh thái khám phá, trải nghiệm gắn với cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc...

Để phát triển du lịch nhanh, bền vững hướng đến trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Quảng Ninh tiếp tục phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế khác biệt của tài nguyên du lịch, đặc biệt là Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long gắn với phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí dựa trên nền tảng công nghiệp sáng tạo.

Với những nỗ lực trên, tốc độ tăng trưởng về khách du lịch đến Quảng Ninh giai đoạn 2016-2019 đạt gần 15%/năm. Năm 2019, tổng khách du lịch đến Quảng Ninh đã đạt trên 14 triệu lượt, trong đó khách du lịch quốc tế đạt 5,7 triệu lượt. Đặc biệt tính hiệu quả của du lịch Quảng Ninh cũng tăng, theo đó thời gian lưu trú của du khách đã tăng từ 2,08 ngày lên 2,74 ngày; mức chi tiêu trung bình tăng từ 1.930.000 đồng/lượt khách lên 2.180.000 đồng/lượt khách. Tổng thu du lịch Quảng Ninh năm 2019 đạt 29.487 tỷ đồng, bằng 125% so với năm 2018, đóng góp vào GRDP của tỉnh gần 9,0%.

Sau thời gian khó khăn do đại dịch COVID-19, du lịch Quảng Ninh đang có sự phục hồi mạnh mẽ. Trong 6 tháng đầu năm 2023 tỉnh đã đón 8,86 triệu lượt khách, bằng 161% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 16.660 tỷ đồng, bằng 156% cùng kỳ năm 2022, thuộc top 3/9 địa phương trên cả nước đạt doanh thu du lịch từ 10.000 tỷ đồng trở lên, chỉ xếp sau Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Những kết quả phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh thời gian qua là đáng ghi nhận. Mục tiêu đến năm 2030, du lịch Quảng Ninh phát triển thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và bền vững, khẳng định vai trò là một trong những điểm đến hàng đầu của cả nước, trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế; phấn đấu đón được ít nhất 25,5-26,0 triệu lượt khách du lịch, trong đó có ít nhất 8,6-9,0 triệu lượt khách du lịch quốc tế; đóng góp trên 10% vào GRDP của tỉnh.

Trong quá trình phát triển “thần tốc” của du lịch Quảng Ninh thời gian qua, bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, việc thực hiện mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế xanh trong xu hướng chuyển nền kinh tế Quảng Ninh từ “nâu” sang “xanh” đã bộc lộ những vấn đề cần đặt ra gồm:

Thứ nhất, nhận thức về vai trò của du lịch xanh còn chưa đúng “tầm”, cho dù Quảng Ninh là tỉnh đi đầu trong chuyển đổi kinh tế từ “nâu” sang “xanh”. Điều này thể hiện rõ khi Quảng Ninh mới chú trọng việc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng du lịch, đặc biệt là tăng trưởng về lượng khách. Hệ quả là gây áp lực không nhỏ đến hạ tầng xã hội, đến tài nguyên và môi trường. Mục tiêu hiệu quả trong phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học chưa có được sự quan tâm thỏa đáng, thậm chí bỏ qua các cơ hội hỗ trợ từ quốc tế. Ngay từ năm 2012, du lịch Quảng Ninh đã được Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ phát triển “nhãn Cánh buồm xanh” áp dụng cho hoạt động tàu du lịch trên vịnh Hạ Long. Đây được xem là “nhãn sinh thái” đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam trong lĩnh vực du lịch nói chung và du lịch đường thủy nói riêng. Tuy nhiên cho đến nay việc áp dụng “nhãn Cánh buồm xanh” đầu tiên này chưa được triển khai trong thực tế tại Quảng Ninh, đặc biệt là tại vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên thế giới.

Thứ hai, phát triển du lịch chưa dựa trên những nguyên tắc cơ bản của du lịch xanh, theo đó nhiều dự án trọng điểm về hạ tầng du lịch còn chưa chú trọng đến bảo tồn các giá trị cảnh quan, sinh thái như dự án lấp biển mở rộng không gian thành phố Hạ Long, phát triển đảo Tuần Châu,... hay phát triển những sản phẩm du lịch hang động ở Hạ Long... Cho đến nay, du lịch Quảng Ninh chưa có bộ tiêu chí về “du lịch xanh” phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

Thứ ba, thiếu các chính sách khuyến khích phát triển các sản phẩm du lịch xanh, đặc biệt là du lịch sinh thái (đích thực); chính sách khuyến khích tiết kiệm năng lượng, nước trong hoạt động du lịch; tái sử dụng chất thải từ du lịch; chính sách hạn chế tác động của du lịch đến cảnh quan, môi trường như quản lý hoạt động du lịch dựa trên “sức chứa” của điểm đến, hạn chế sản phẩm nhựa sử dụng một lần trong hoạt động du lịch...

Thứ tư, thiếu nguồn nhân lực du lịch “xanh”, từ người quản lý đến nhân viên và thậm chí những người lao động gián tiếp trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên có hiểu biết về du lịch xanh, qua đó có ý thức hành động trên vị trí công việc của mình đóng góp cho nỗ lực phát triển du lịch xanh tại Quảng Ninh.

Những vấn đề đặt ra trên đây đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế xanh trong xu hướng chuyển đổi kinh tế từ “nâu” sang “xanh” tại Quảng Ninh.

Kinh nghiệm phát triển du lịch xanh và và bài học cho Quảng Ninh

Kinh nghiệm quốc tế

Kinh nghiệm của Singapore

Là một quốc đảo nhỏ, tài nguyên hạn chế, nhưng Singapore đã phát huy triệt để tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý và nguồn lực con người để có những bước phát triển vượt bậc. Theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) (2020), diện tích quốc đảo chỉ có 710km2, với trên 60 hòn đảo nhưng có đến 5,8 triệu người đang sinh sống, làm việc ở đây, trong đó có gần 2 triệu người nước ngoài. Theo Tổng cục Du lịch Singapore (STB), quốc đảo này chạm mốc 19 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2019, tăng nhẹ so với năm 2018 (18,5 triệu lượt khách quốc tế) và tăng 6,2% so với năm 2017. Và đây cũng là mức tăng cao nhất trong những năm gần đây. Hằng năm, doanh thu từ du lịch đóng góp cho nền kinh tế của quốc đảo này chiếm từ 3% - 5% GDP, đạt trên 27 tỷ đô la Singapore năm 2018 và gần 28 tỷ đô la Singapore năm 2019.

Trong những thành công của Singapore thời gian qua, phải kể đến sự thành công của chính sách phát triển du lịch, đặc biệt là phát triển du lịch xanh. Singapore tiêu biểu cho khuynh hướng tạo ra du lịch xanh. Đây không phải là một quốc gia giàu tài nguyên, nhưng họ tạo ra màu xanh cho mình bằng cách trồng cây xanh khắp nơi, thậm chí trồng cả cây xanh nhân tạo. Vườn cây Garden By the Bay của Singapore đã tạo được các “siêu cây” cao từ 22 - 50m, có khả năng tổng hợp năng lượng mặt trời, nhận nước mưa, lọc không khí và có hệ thống quang điện để chuyển ánh sáng mặt trời thành năng lượng điện. Vườn cây này ngay khi được khai trương đã có hàng triệu lượt khách tham quan mỗi năm.

Có được kết quả này là do Chính phủ Singapore đã chú trọng việc xây dựng chiến lược và các kế hoạch phát triển du lịch phù hợp cho từng giai đoạn hướng đến sự phát triển du lịch bền vững với trọng tâm là bảo vệ môi trường. Từ năm 1965 đến nay, Singapore đã hoạch định chiến lược, xây dựng 6 kế hoạch phát triển du lịch khác nhau, đó là: Kế hoạch Du lịch Singapore (năm 1968), Kế hoạch Phát triển du lịch (năm 1986), Kế hoạch Phát triển chiến lược (năm 1993), Du lịch 21 (năm 1996), Du lịch 2015, Địa giới du lịch 2025. Hằng năm, Singapore chi hàng trăm triệu đô la Singapore để tổ chức các sự kiện du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch trong đó chú trọng ưu tiên các sản phẩm du lịch xanh thân thiện với môi trường cũng như phát triển nguồn nhân lực du lịch. Từ năm 2015, Singapore đã chi hàng tỷ đô la Singapore cho Quỹ Phát triển du lịch, đặc biệt là cho phát triển du lịch xanh. Chính sách phát triển này giúp ngành du lịch Singapore đạt được những kết quả mà bất cứ quốc gia nào trong khu vực và trên thế giới đều mong muốn.

Kinh nghiệm của Thái Lan

Thái Lan là một trong những “cường quốc” du lịch ở khu vực và luôn đứng đầu về lượng khách du lịch quốc tế. Năm 2019, Thái Lan đón trên 39 triệu lượt khách du lịch quốc tế và là quốc gia có sự phục hồi nhanh nhất về du lịch sau Đại dịch COVID-19. Trong năm 2023, Thái Lan dự kiến đón trên 30 triệu lượt khách quốc tế với tổng thu nhập trên 41 tỷ USD.

Để đạt được sự tăng trưởng nhanh về du lịch, bên cạnh việc chú trọng phát triển hệ thống chính sách, hạ tầng du lịch, Thái Lan còn là một trong những quốc gia dẫn đầu trong khu vực về những ý tưởng phát triển du lịch xanh nhằm đón đầu xu hướng “cầu” du lịch. Tháng 5-2012, Thái Lan được trao giải thưởng của Tổ chức Du lịch Lữ hành châu Á - Thái Bình Dương (PATA) cho chiến dịch “7 Green Tourism”, đó là: Tâm xanh - Vận chuyển xanh - Điểm đến xanh - Cộng đồng xanh - Hoạt động xanh - Dịch vụ xanh - Phương pháp tiếp cận xanh vượt trội. Trong chiến dịch này, Ủy ban Du lịch Thái Lan nâng cao nhận thức, hiểu biết về du lịch xanh cho tất cả các thành phần tham gia du lịch, từ các hãng lữ hành, khách sạn, nhà hàng, các điểm vui chơi đến khách du lịch.

Từ năm 2017, Thái Lan xây dựng Kế hoạch phát triển du lịch lần 2 trong giai đoạn 2017 - 2021 nhằm thúc đẩy cạnh tranh du lịch Thái Lan, trong đó luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến phát triển du lịch xanh hướng đến phát triển bền vững. Kế hoạch phát triển du lịch lần 2 trong giai đoạn 2017 - 2021 bao gồm 5 chiến lược nhằm thúc đẩy chất lượng du lịch, đó là: (1) Khuyến khích phát triển các điểm du lịch, sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường và bảo đảm tính toàn vẹn. Chiến lược tập trung vào việc cải thiện các thành phần cốt lõi của du lịch hướng đến tiêu chuẩn quốc tế và sở hữu các giá trị độc đáo, khác biệt; (2) Phát triển, cải thiện hỗ trợ cơ sở hạ tầng và tiện nghi mà không gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng, môi trường địa phương. Chiến lược hướng đến các tiện ích về giao thông, cơ sở vật chất và tiện nghi cho khách du lịch, an toàn và an ninh cho du khách; (3) Thúc đẩy phát triển tiềm năng nguồn nhân lực và nâng cao nhận thức du lịch xanh cho người dân Thái Lan. Các nỗ lực phát triển nguồn nhân lực bảo đảm sự hợp tác của các bên liên quan cho phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và khơi dậy lòng hiếu khách của Thái Lan thông qua ý thức của cộng đồng địa phương; (4) Tạo sự cân bằng giữa các nhóm mục tiêu du lịch thông qua tiếp thị. Chiến lược tập trung vào cải thiện thương hiệu du lịch Thái Lan trở thành điểm đến chất lượng. Điều này giúp cho du lịch Thái Lan phát triển cân bằng và chất lượng; (5) Tổ chức hợp tác và hội nhập giữa các khu vực công và khu vực tư nhân trong phát triển và quản lý du lịch, bao gồm hợp tác quốc tế.

Đặc biệt, Chính phủ Thái Lan quan tâm và ủng hộ các sáng kiến phát triển du lịch cân bằng với mục tiêu bảo tồn. Việc Thái Lan quyết định đóng cửa vịnh Maya - điểm đến du lịch nổi tiếng thuộc Vườn quốc gia Hat Noppharat Thara-Mu Ko Phi Phi của Thái Lan, mỗi ngày thu hút trên 5.000 lượt khách, tạo ra thu nhập gần 500 triệu USD/năm trong gần 4 năm để phục hồi môi trường sinh thái và đa dạng sinh học, xác định “sức chứa” điểm đến để quản lý lượng khách phù hợp, được xem là một ví dụ điển hình về nỗ lực của Thái Lan phát triển du lịch xanh, hướng đến phát triển bền vững.

Kinh nghiệm trong nước

Kinh nghiệm của Quảng Nam

Quảng Nam là địa phương có lợi thế về du lịch di sản và du lịch biển đảo. Trong những năm qua, Quảng Nam là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển du lịch ở khu vực miền Trung với tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2016 - 2019 là 15,2%/năm. Nhận thức được vai trò của du lịch xanh trong chiến lược phát triển bền vững điểm đến du lịch, chính quyền và hệ thống chính trị Quảng Nam đã vào cuộc, thống nhất chọn phát triển du lịch xanh là hướng phát triển chiến lược của du lịch Quảng Nam. Chính vì vậy chủ đề Năm du lịch quốc gia 2022 tổ chức tại Quảng Nam được chọn là “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”.

Để triển khai chủ đề này, làm nền tảng cho phát triển du lịch xanh, Quảng Nam đã ban hành Bộ tiêu chí du lịch xanh với 6 bộ tiêu chí áp dụng cho phát triển: khách sạn xanh (9 tiêu chí), du lịch homestay xanh (10 tiêu chí), khu du lịch nghỉ dưỡng xanh (10 tiêu chí), doanh nghiệp lữ hành xanh (5 tiêu chí), điểm du lịch xanh dựa vào cộng đồng (9 tiêu chí) và điểm tham quan du lịch xanh (11 tiêu chí).

Trước đó, tháng 8-2021, UBND tỉnh Quảng Nam cũng ban hành “Kế hoạch phát triển du lịch xanh tỉnh Quảng Nam đến năm 2025” với mục tiêu phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh phù hợp với nhu cầu thị trường khách du lịch. Đây được xem là yếu tố quan trọng để thu hút phân khúc thị trường khách có mức chi tiêu cao, thời gian lưu trú dài ngày, có ý thức, hành động văn minh thân thiện với môi trường.

Các mục tiêu cụ thể của Kế hoạch phát triển du lịch xanh đến năm 2025 là góp phần thu hút 12 triệu lượt khách, thu nhập từ du lịch đạt 26 nghìn tỷ đồng, tạo 23 nghìn việc làm trong lĩnh vực du lịch; hằng năm, xây dựng ít nhất 1 - 2 mô hình du lịch theo Bộ tiêu chí du lịch xanh; đến năm 2025 xây dựng 10 - 20 mô hình du lịch xanh; 100% đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch được đào tạo, bồi dưỡng, tiếp cận với kiến thức về du lịch xanh, bền vững; 50% doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch được tập huấn, hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam. 

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình du lịch xanh, tiêu biểu như: du lịch không túi nilon Cù Lao Chàm, du lịch sinh thái rừng dừa Cẩm Thanh, du lịch làng rau Trà Quế,... đã không còn xa lạ với du khách khi đến với Quảng Nam.

Kinh nghiệm của Lào Cai

Là địa phương có tiềm năng du lịch đa dạng và phong phú, đặc biệt về cảnh quan, môi trường và văn hóa đặc sắc của 25 dân tộc, thời gian qua du lịch Lào Cai đã có những bước phát triển đáng ghi nhận với những đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế của địa phương, góp phần chyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho cộng đồng, đặc biệt ở Sa Pa và Bát Xát. Trong giai đoạn 2000 - 2019, du lịch Lào Cai tăng trưởng với tốc độ trung bình là 18,27%/năm, trong đó giai đoạn 2010 - 2019 là 22%/năm. Năm 2019, Lào Cai đã đón trên 5,1 triệu lượt khách (trong đó có trên 806.000 lượt khách quốc tế), thu nhập du lịch đạt trên 19.203 tỷ đồng, tăng 1,7 lần năm 2015.

Cho dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, kết quả phát triển du lịch Lào Cai thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thiếu bền vững. Hậu quả của phát triển du lịch “nóng”, nhất là ở Sa Pa mà thiếu quan tâm đến bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, môi trường và các giá trị văn hóa đã ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh điểm đến. Nếu như giai đoạn trước 2016, Sa Pa nói riêng và Lào Cai nói chung luôn là sự lựa chọn của nhiều khách du lịch quốc tế thì trong những năm sau đó, Sa Pa - Lào Cai không còn là ưu tiên lựa chọn của khách du lịch bởi sự xuống cấp về cảnh quan thiên nhiên và sự suy thoái về các giá trị văn hóa dân tộc.

Nhận thức được tầm quan trọng của du lịch bền vững với trọng tâm là phát triển du lịch xanh, rút kinh nghiệm từ những hạn chế trong phát triển du lịch Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã phối hợp với các chuyên gia trong nước và quốc tế xây dựng “Chiến lược phát triển du lịch Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” với mục tiêu phát triển Lào Cai trở thành điểm đến xanh hàng đầu ở vùng núi phía Bắc với các sản phẩm du lịch xanh hấp dẫn về nghỉ dưỡng, thể thao mạo hiểm, và trải nghiệm văn hóa dân tộc. Phấn đấu đến năm 2030, hình ảnh Sa Pa sẽ được phục hồi và đạt danh hiệu “Điểm đến du lịch xanh” theo tiêu chí của ASEAN với trọng tâm là tôn trọng, bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị cảnh quan thiên nhiên và văn hóa, thực hiện các hoạt động quản lý, kinh doanh và tiêu dùng du lịch xanh, tiêu thụ ít năng lượng, phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo. Đồng thời, tạo việc làm, cải thiện sinh kế cho cộng đồng, góp phần xây dựng nền kinh tế xanh và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Cùng với sự vào cuộc của chính quyền, các doanh nghiệp du lịch cũng tích cực hưởng ứng để thực hiện Chiến lược phát triển du lịch với trọng tâm là du lịch xanh. Công ty TNHH Cáp treo Việt Nam là một trong những doanh nghiệp tiêu biểu tiên phong theo hướng phát triển du lịch xanh dựa trên việc khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên một cách bền vững, xây dựng hệ thống xử lý nước thải, thu gom chất thải trong khu du lịch, sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng và sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch nhằm hạn chế chất thải từ hoạt động du lịch ra môi trường; đào tạo cho đội ngũ lao động những kiến thức về bảo vệ môi trường, phát triển du lịch xanh, bền vững. Hằng năm, công ty trích một phần doanh thu để thực hiện các hoạt động trồng rừng và phát triển tài nguyên rừng.

Sự đồng hành của các doanh nghiệp du lịch là yếu tố đặc biệt quan trọng để Lào Cai thực hiện thành công mục tiêu chiến lược trở thành điểm đến du lịch xanh hàng đầu ở vùng núi phía Bắc.

Bài học cho phát triển du lịch xanh tại Quảng Ninh

Dựa trên việc phân tích những kinh nghiệm quốc tế và trong nước về phát triển du lịch xanh trên đây cho phép rút ra một số kinh nghiệm cho phát triển du lịch Quảng Ninh trong xu hướng chuyển từ “nâu” sang “xanh” gồm:

Thứ nhất, cần coi trọng việc nâng cao nhận thức xã hội, đặc biệt nhận thức của các bên tham gia phát triển du lịch, nhất là các nhà quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng về ý nghĩa quan trọng của phát triển du lịch xanh. Đây là yếu tố mang tính nền tảng để có thể phát triển du lịch xanh một cách bền vững. Cần phải từ bỏ tư duy “ăn sổi” với tầm nhìn nhắn hạn đối với phát triển du lịch, đặc biệt trong bối cảnh mới. Cần bảo tồn những giá trị tự nhiên và văn hóa mà dựa trên đó du lịch tồn tại, phát triển để đem lại những đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội. Nói một cách khác là cần phải “nuôi dưỡng nguồn thu”, không vì mục tiêu kinh tế ngắn hạn mà đánh đổi sự phát triển bền vững, lâu dài của du lịch.

Thứ hai, muốn phát triển du lịch xanh bền vững, cần phải có quyết tâm và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cần có Chiến lược phát triển du lịch xanh với tầm nhìn từ 10 năm trở lên để bảo đảm việc thực hiện có kết quả và đúng hướng các mục tiêu đề ra. Việc thực hiện mục tiêu chiến lược cần cụ thể hóa bằng các kế hoạch cho từng giai đoạn phát triển với hệ thống các tiêu chí đánh giá cần đạt.

Dựa trên các định hướng chiến lược về phát triển du lịch xanh, bên cạnh các chính sách chung của quốc gia cần có các chính sách phù hợp với đặc điểm địa phương để bảo đảm điều kiện thuận nhất thực hiện các nguyên tắc của phát triển du lịch xanh.

Thứ ba, cần chú trọng việc xây dựng hệ thống các “nhãn sinh thái” để khuyến khích phát triển và quảng bá các sản phẩm du lịch xanh, thương hiệu du lịch xanh (điểm đến hoặc doanh nghiệp), qua đó tạo hình ảnh du lịch địa phương có trách nhiệm và thân thiện với môi trường.

Thứ tư, cần khuyến khích và tiến tới quy định quản lý có nguyên tắc đối với phát triển du lịch địa phương dựa trên “sức chứa” của điểm đến. Đây là yếu tố rất quan trọng để bảo đảm việc khai thác có hiệu quả các giá trị tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học cho phát triển bền vững.

Thứ năm, phát triển du lịch xanh theo hướng bền vững của điểm đến không thể thiếu sự đồng hành của các doanh nghiệp và sự tham gia của cộng đồng. Chính vì vậy cần có sự hướng dẫn, chia sẻ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi nhất từ phía các nhà quản lý để các doanh nghiệp du lịch và cộng đồng địa phương có thể tham gia tích cực vào phát triển du lịch theo hướng xanh và bền vững./.

30 December 2023
30 December 2023
CÁC BÀI HỘI THẢO