21/11/2024 | 16:41 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Tư duy và cách làm của Quảng Ninh trong quá trình xây dựng chính quyền hành động, phục vụ, góp phần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính

Nguyễn Hải Vân
Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh
Tư duy và cách làm của Quảng Ninh trong quá trình xây dựng chính quyền hành động, phục vụ, góp phần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính

Chính quyền hành động, phục vụ” những điều người ta thường nhắc đến Quảng Ninh - tỉnh điển hình tiêu biểu về cải cách hành chính (CCHC) trong cả nước khi liên tục dẫn đầu bảng xếp hạng các chỉ số đo lường chất lượng phục vụ hành chính. Quảng Ninh có 6 năm liên tiếp (2017 - 2022) giữ vị trí Quán quân Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), 5 năm dẫn đầu toàn quốc Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), 4 năm xếp vị trí thứ nhất Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), 2 năm dẫn đầu Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Với quan điểm xuyên suốt là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, Quảng Ninh luôn được Trung ương đánh giá là địa phương khởi nguồn của nhiều chủ trương, biện pháp, mô hình và cách làm đổi mới, sáng tạo, đạt được hiệu quả rất thực chất trong thực hiện nhiệm vụ CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt là “điểm sáng” trong công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) thông qua mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công các cấp.

Khởi đầu từ năm 2011, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII; Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày, 8-11-2011, của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành kế hoạch và triển khai đồng bộ 6 nhiệm vụ CCHC, trong đó xác định mục tiêu: đổi mới, cải cách về phương thức làm việc của cơ quan, đơn vị, xây dựng nền hành chính của tỉnh thống nhất, có chế độ công vụ mang tính chuyên nghiệp cao, tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động công vụ; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại tất cả các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, bảo đảm sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt mức 75% vào năm 2015. Trên cơ sở đó, công tác CCHC trong đó nhiệm vụ cải cách TTHC được xác định là nhiệm vụ trọng tâm đã đạt được kết quả khả quan, Quảng Ninh là một trong những tỉnh đầu tiên trên toàn quốc hoàn thành chương trình rà soát, đơn giản hóa TTHC theo Đề án 30 của Chính phủ.

Tuy nhiên, việc giải quyết TTHC cho tổ chức, doanh nghiệp, người dân theo Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg, ngày 22-6-2007, của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương được Quảng Ninh sớm nhận diện những hạn chế như: (1) Bộ phận tiếp nhận TTHC phân tán ở nhiều cơ quan, đơn vị (do mỗi sở, ngành, ủy ban nhân dân cấp huyện đều có bộ phận một cửa riêng), người dân, doanh nghiệp phải trực tiếp đến nhiều nơi để giải quyết TTHC, chưa có mô hình chung, thống nhất về tổ chức của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC ở từng cấp chính quyền, hoặc trong cùng cấp chính quyền cũng tổ chức khác nhau, đặc biệt là ở cấp huyện; (2) Việc tiếp nhận TTHC chỉ thực hiện đơn thuần, cán bộ chỉ tiếp nhận hồ sơ, không hướng dẫn, thẩm định hồ sơ, không có trách nhiệm đến cùng với hồ sơ được tiếp nhận, không có thời hạn trả kết quả..., thậm chí, người dân còn phải “nhờ vả”, “xin cho” mới làm được thủ tục; (3) Không có quy trình chuẩn chung thống nhất các bước trong giải quyết TTHC, không rõ thuộc bộ phận nào, phòng chuyên môn nào hay cá nhân nào xử lý hồ sơ nên không kiểm điểm được trách nhiệm; (4) Nhiệm vụ kiểm soát TTHC chưa hiệu quả, kịp thời, đặc biệt là việc công bố TTHC, đơn giản hóa TTHC của các bộ, ngành Trung ương, việc trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh công bố thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành chậm dẫn đến tổ chức, doanh nghiệp và người dân thiếu thông tin; (5) Chưa có sự theo dõi, đôn đốc, giám sát tổng thể các bước quy trình về hoạt động giải quyết TTHC của các sở, ban, ngành, địa phương dẫn tới thiếu sự công khai, minh bạch, không hiệu quả; các giải pháp đổi mới không được triển khai kịp thời; (6) Cơ sở hạ tầng không được trang bị đồng bộ, việc ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế, thiếu tính hiện đại, chuyên nghiệp.

Năm 2013, được sự đồng thuận của các bộ, ngành Trung ương, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị của tỉnh trong đổi mới toàn diện phương thức làm việc, phục vụ người dân, doanh nghiệp, cùng với kinh nghiệm học tập, đúc rút tại một số nước phát triển (Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản...) về hoạt động giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp, Quảng Ninh đã mạnh dạn thành lập Trung tâm Hành chính công tỉnh là đơn vị trực thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 3-2014, đồng thời thành lập 13/13 trung tâm hành chính công cấp huyện theo mô hình trực thuộc văn phòng ủy ban nhân dân cấp huyện và tổ chức hoạt động theo cơ chế, nguyên tắc tương tự như Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, tạo sự thống nhất, đồng bộ, liên thông, minh bạch trong giải quyết TTHC, kết nối liên thông với bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã trong toàn tỉnh. Sau một thời gian ngắn hoạt động, mô hình đã thể hiện tính xu hướng tất yếu và được Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1831/QĐ-TTg, ngày 28-10-2015, chính thức cho phép thí điểm thành lập Trung tâm Hành chính công tỉnh Quảng Ninh trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh để khai thác và phát huy triệt để hiệu quả thực sự của mô hình. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, từ mô hình thí điểm chưa có tiền lệ của Quảng Ninh, sự lan tỏa đến các địa phương, lần đầu tiên Nghị quyết của Trung ương (Nghị quyết 18-NQ/TU Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả) đề ra nhiệm vụ, giải pháp: “rà soát, điều chỉnh, sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của chính quyền địa phương, góp phần đẩy mạnh CCHC, nhất là cải cách TTHC theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp; tổ chức thực hiện có hiệu quả mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công, cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở các cấp”, Chính phủ đã nghiên cứu cơ chế hoạt động mô hình này của Quảng Ninh làm cơ sở ban hành Nghị định số 61/2018/NĐ-CP, ngày 23-4-2018, về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Ngày 31-8-2018, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép tỉnh Quảng Ninh tiếp tục duy trì mô hình Trung tâm Hành chính công trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và đổi tên thành Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh. Đến nay, hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước đã thành lập và đưa vào hoạt động mô hình trung tâm phục vụ hành chính công trong tiếp nhận và giải quyết TTHC theo cách làm của tỉnh Quảng Ninh.

Việc vận hành trung tâm phục vụ hành chính công các cấp tại Quảng Ninh thực sự đã làm thay đổi tư duy, nhận thức, hành động của đội ngũ công chức, viên chức, của các cơ quan hành chính nhà nước, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu các cơ quan hành chính trong phục vụ nhân dân, tạo điều kiện để chính quyền gần dân hơn, phát huy quyền dân chủ, tăng cường sự giám sát của nhân dân đối với hoạt động của cơ quan nhà nước, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Trung tâm phục vụ hành chính công không chỉ là đầu mối tập trung tiếp nhận và giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính địa phương mà còn giải quyết các TTHC của các cơ quan ngành dọc đặt tại địa phương và các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ thiết yếu phục vụ nhân dân. Với mục tiêu người dân, doanh nghiệp chỉ để một nơi duy nhất để được giải quyết các TTHC, được theo dõi quá trình giải quyết hồ sơ, minh bạch các khâu giải quyết và được xin lỗi khi hồ sơ quá hạn giải quyết từ các cơ quan có thẩm quyền; toàn bộ quy trình giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh được xây dựng, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 và thực hiện triệt để quy trình giải quyết thủ tục hành chính theo nguyên tắc “5 bước tại chỗ”“5 bước trên môi trường điện tử”[1] thông qua hệ thống giải quyết TTHC của tỉnh; 100% TTHC được niêm yết, công khai đầy đủ, kịp thời và được số hóa, xử lý trên môi trường điện tử; thời gian giải quyết TTHC giảm 40% - 60% so với quy định của pháp luật; quy trình giải quyết được tái cấu trúc, xây dựng các bước bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ thời gian giải quyết đối với từng TTHC gắn với trách nhiệm của từng bộ phận, từng cán bộ, giúp lãnh đạo các cơ quan, đơn vị điều hành, kiểm soát được toàn bộ quá trình giải quyết công việc; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại trung tâm phục vụ hành chính công các cấp được lựa chọn kỹ lưỡng, là những cán bộ có trách nhiệm, có kinh nghiệm công tác, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng thẩm định hồ sơ và thẩm quyền giải quyết hồ sơ TTHC; tỷ lệ hồ sơ được nộp qua trực tuyến đạt trung bình trên 80%; cung cấp 73,1% dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia; tỷ lệ hồ sơ giải quyết trước và đúng hạn đạt trung bình trên 99,7%; tỷ lệ hồ sơ trả kết quả giải quyết qua dịch vụ bưu chính công ích đạt trung bình trên 50%; thời gian tiếp người dân đến thực hiện TTHC đạt trung bình 13,3 phút/lần giao dịch... Thành quả của sự cầu thị, nỗ lực và đổi mới không ngừng trong việc xây dựng chính quyền liêm chính, hành động, kiến tạo, phục vụ của Quảng Ninh được thể hiện rõ nét, khách quan nhất qua sự ghi nhận của tổ chức, doanh nghiệp và người dân đối với các cấp chính quyền, bộ máy điều hành của tỉnh, tỷ lệ đánh giá mức độ hài lòng luôn đạt trên 99,9%.

Nhận diện đúng tình hình, những cơ hội và thách thức, đồng thời khẳng định vẫn còn nhiều dư địa để cải cách, phục vụ người dân, doanh nghiệp được tốt hơn, Quảng Ninh thể hiện rõ quan điểm và quyết tâm tiếp tục nâng cao chất lượng CCHC; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hướng đến xây dựng chính quyền kiến tạo, liêm chính, phục vụ. Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã tiếp tục xác định CCHC là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược của tỉnh. Lần đầu tiên và cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước đưa 4 chỉ số (Par Index, PCI, SIPAS, PAPI) vào văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh, trở thành Nghị quyết của Đảng với phương châm “Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo cho sự phục vụ”. Để cụ thể hóa, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 9-4-2021, về đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 5-2-2022, về thực hiện chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết đã thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Quảng Ninh về “xây dựng một hình ảnh địa phương đi đầu về đổi mới, sáng tạo, xây dựng văn hóa cam kết và đồng hành của chính quyền địa phương với người dân và doanh nghiệp”, hướng đến xây dựng một chính quyền liêm chính, phục vụ, do nhân dân, vì nhân dân, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng nền hành chính ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, năng động, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; góp phần hoàn thành mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, “Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc”.

Minh chứng rõ nét cho điều này, quyết tâm thực hiện các hoạt động chuyển đổi số theo chỉ đạo của Chính Phủ, Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo, linh hoạt và đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết TTHC thông qua mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công các cấp theo Quyết định số 468/QĐ-TTg, ngày 27-3-2021 và Nghị định số 107/2021/NĐ-CP, ngày 6-12-2021, của Chính phủ và đã xác định trung tâm phục vụ hành chính công các cấp là trung tâm chuyển đổi số trong giải quyết TTHC. Nhiều kết quả nổi bật quan trọng đạt được như:

Một là, triển khai số hóa 100% hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đủ điều kiện ở cả 3 cấp chính quyền (sớm hơn so với chỉ đạo của Trung ương), đặc biệt là rà soát, tái cấu trúc quy trình TTHC, giải quyết TTHC theo “quy trình 5 bước trên môi trường điện tử” gắn với áp dụng chữ ký số tại tất cả các bước thực hiện, dần hình thành dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”. Trong 9 tháng đầu năm 2023, thực hiện số hóa trên cả phần mềm chuyên ngành và hệ thống một cửa điện tử đạt kết quả theo đúng lộ trình đề ra (số hóa hồ sơ đầu vào chỉ tính trên hệ thống Một cửa điện tử cấp tỉnh đã đạt 72,4%, cấp huyện đạt 96,4%; Cấp xã đạt 95,7%). Các kết quả giải quyết hồ sơ TTHC đã được lưu vào kho dữ liệu của người dân trên Cổng dịch vụ công của tỉnh; tỷ lệ tái sử dụng giấy tờ số hóa tính trên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt trung bình 88,6% (cấp tỉnh 82,8%, cấp huyện 87,91%, cấp xã 95%). Bên cạnh đó, tỉnh còn xây dựng các biểu mẫu điện tử e-form (lý lịch tư pháp, đăng ký kinh doanh, giấy phép lái xe...); đăng ký Ban Cơ yếu Chính phủ cấp bổ sung hơn 1.900 chứng thư số cho tổ chức và hơn 11.700 chứng thư số cho cán bộ, công chức, viên chức trên toàn tỉnh; từ tháng 4-2023 thực hiện cấp miễn phí 9.921 chữ ký số công cộng (đạt 99,2% mục tiêu đề ra) cho người dân để thực hiện nộp hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến (VNPT 4.586 thuê bao, Viettel 5.335 thuê bao); từ tháng 7-2023, thực hiện thu 100% phí, lệ phí giải quyết TTHC không dùng tiền mặt tại trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện; chú trọng công tác đào tạo, tập huấn cho hơn 3.500 cán bộ, công chức, viên chức các kỹ năng về chuyển đổi số trong giải quyết TTHC; tuyên truyền, tập huấn cho hơn 150 doanh nghiệp về thực hiện TTHC qua dịch vụ công trực tuyến và chuyển đổi số; hơn 1.100 cán bộ các cấp trong thực hiện các TTHC liên thông...

Hai là, hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh được liên thông kết nối theo mô hình tập trung, đồng bộ 3 cấp chính quyền, kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia và 11 hệ thống giải quyết TTHC khác của các bộ, ngành (Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Hệ thống cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến và Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp; Hệ thống phục vụ dịch vụ công của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam...). Riêng đối với việc kết nối với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư (Bộ Công an), Quảng Ninh là tỉnh thứ 3 (sau Hà Nội, Thái Nguyên) kết nối thành công với hệ thống Chính quyền điện tử ở cả 3 cấp; triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định số 104/2022/NĐ-CP, ngày 21-12-2022, của Chính phủ về 7 phương thức khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thay thế sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy trong giải quyết TTHC, không yêu cầu khai báo lại các thông tin đã có trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Cùng với đó, Quảng Ninh cũng là địa phương đầu tiên trong toàn quốc gửi, nhận được văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số liên thông 4 cấp (từ cấp xã lên Văn phòng Chính phủ; từ xã của tỉnh Quảng Ninh đến một xã bất kỳ của một địa phương khác nếu xã đã kết nối lên trục liên thông quốc gia); là địa phương đầu tiên của miền Bắc có số lượng các cơ quan triển khai ISO điện tử nhiều nhất trong cả nước với 227 cơ quan hành chính nhà nước và đã được tích hợp chung vào hệ thống chính quyền điện tử của tỉnh, bảo đảm 100% số hồ sơ công việc “không giấy tờ”, được trao đổi, xử lý trên môi trường mạng gắn với sử dụng chữ ký số, tạo điều kiện thuận lợi cho từng cán bộ, từng phòng chuyên môn giải quyết công việc thông suốt, kịp thời, hiệu quả, giúp lãnh đạo các đơn vị, địa phương điều hành, kiểm soát được toàn bộ quá trình giải quyết TTHC.

Ba là, tăng cường các hoạt động hỗ trợ giải quyết TTHC như: bộ phận tư vấn, giải đáp thắc mắc, bộ phận hỗ trợ (qua Quầy tổng hợp, qua tổng đài hành chính công 1900558826, đường dây nóng, qua Cổng dịch vụ công của tỉnh, Cổng Zalo, qua trang fanpage trên mạng xã hội của Trung tâm) để giúp tổ chức, doanh nghiệp, người dân chủ động kê khai, chuẩn bị hồ sơ TTHC; hỗ trợ tạo lập tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tài khoản trên ứng dụng VneID; thí điểm giao chuyển giao cho bưu điện thực hiện một số TTHC thuộc 8 lĩnh vực thuộc thẩm quyền cấp huyện trên địa bàn thành phố Hạ Long; thí điểm phần mềm trợ lý ảo trong giải quyết TTHC; quy định danh mục TTHC chỉ tiếp nhận qua dịch vụ công trực tuyến; giảm phí, lệ phí thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; cung cấp nền tảng thanh toán trực tuyến Cổng dịch vụ công quốc gia; bố trí bộ phận hỗ trợ người yếu thế, người gia, trẻ em; phối hợp với các nhà mạng (viettel, mobifone, vinaphone) hỗ trợ người dân chuyển đổi thuê bao chính chủ tại trụ sở trung tâm, cung cấp miễn phí chữ ký số cá nhân và cài đặt ứng dụng mobile money để đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến...

Cuối cùng, công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên, liên tục ở cả 3 cấp; hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh được kết nối với Hệ thống giám sát, đánh giá tự động của Văn phòng Chính phủ triển khai theo Quyết định số 766/QĐ-TTg, cung cấp tự động trạng thái xử lý hồ sơ giải quyết hồ sơ TTHC của toàn tỉnh để thực hiện đôn đốc, giám sát việc tiếp nhận, giải quyết TTHC đúng tiến độ, chất lượng; kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hồ sơ quá hạn giải quyết, hồ sơ yêu cầu bổ sung, văn bản xin lỗi về hồ sơ quá hạn giải quyết; xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; nghiêm túc thực hiện việc công khai danh sách cá nhân, đơn vị, địa phương chậm muộn trong giải quyết TTHC trên cổng thông tin điện tử của sở, ngành, địa phương và Cổng dịch vụ công của tỉnh và đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp của tỉnh Quảng Ninh. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ làm việc tại Trung tâm luôn chấp hành nghiêm kỷ luật kỷ cương, nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong thực thi công vụ; tỷ lệ đánh giá sự hài lòng của người dân ở cả 3 cấp tiếp tục được duy trì đánh giá cao. Quảng Ninh đã triển khai ứng dụng nền tảng khảo sát, thu thập ý kiến người dân theo Hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Quyết định số 186/QĐ-BTTTT, ngày 11-2-2022, về việc phê duyệt chương trình thúc đẩy và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Đồng thời, tỉnh đang nghiên cứu xây dựng phần mềm khảo sát sự hài lòng của người dân đối với cán bộ, triển khai dùng chung cho trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã trên toàn tỉnh.

Năm 2022, tỉnh Quảng Ninh vinh dự đón nhận những thành tựu nổi bật khi lần thứ 2 (2020 và 2022) chinh phục vị trí dẫn đầu cả nước cả 4 chỉ số CCHC (PCI, PAPI, PAR Index và SIPAS). Thành công này có được không hề dễ dàng. Bởi hiện nay tất cả các địa phương trong cả nước đều tập trung lớn cho mục tiêu hiện đại hóa nền hành chính, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, coi đây là động lực, “nguồn vốn” quan trọng để đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong rất nhiều cuộc họp quan trọng của tỉnh, đồng chí Nguyễn Xuân Ký - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh - đã nhấn mạnh quan điểm: trong thực hiện nhiệm vụ CCHC, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, Quảng Ninh không chỉ “cạnh tranh” với các địa phương khác, mà còn phải “vượt lên chính mình”, bằng quyết tâm lớn, tinh thần đổi mới sáng tạo, đổi mới không ngừng, lấy người dân làm trung tâm, tạo sự chuyển động nhanh trong phát triển 3 trụ cột “hạ tầng, thể chế, nguồn nhân lực”. Từ quan điểm này, Quảng Ninh thường xuyên “soi lại chính mình”, kịp thời nhận ra những tồn tại để khắc phục, xây dựng những giải pháp mới, quyết liệt, để tiếp tục chuyển biến trong công tác CCHC, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ và tác động đến hầu hết các quốc gia trên thế giới, việc nâng cao chất lượng, đổi mới hoạt động của trung tâm phục vụ hành chính công các cấp, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp là xu hướng mang tính thời đại và phù hợp với chủ trương của Chính phủ vì một nền hành chính phục vụ chuyên nghiệp, hiệu quả, lấy người dân làm trung tâm của chuyển đổi, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả hoạt động. Thời gian tới, Quảng Ninh cần tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng CCHC, trọng tâm là cải cách TTHC thông qua đổi mới hoạt động của trung tâm phục vụ hành chính công các cấp, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã:

Trước tiên là, tiếp tục bám sát vào các chỉ đạo của Trung ương để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các nội dung liên quan đến CCHC, chuyển đổi số trong giải quyết TTHC; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện bảo đảm bám sát mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ.

Hai là, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, thực chất, sâu rộng trong tiếp nhận và giải quyết TTHC; chú trọng nâng cao chất lượng hướng dẫn người dân, tổ chức đối với các TTHC nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực như đất đai, cấp phép kinh doanh, xây dựng, chấp nhận chủ trương đầu tư...; tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân, doanh nghiệp thực hiện giải quyết TTHC qua dịch vụ công trực tuyến để bảo đảm sử dụng tối đa các tiện ích của chính quyền số; bảo đảm 100% số hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC được số hóa và giải quyết theo quy trình “5 bước trên môi trường điện tử”; 100% phí, lệ phí thủ tục hành chính được thanh toán không dùng tiền mặt; tỷ lệ đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, người dân qua các kênh đánh giá luôn đạt trên 99,9%...

Ba là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp theo hướng sâu sát, cụ thể, “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ thời gian hoàn thành và rõ hiệu quả”, “một việc, một đầu mối xuyên suốt”. Nâng cao ý thức trách nhiệm, kỷ luật kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Khai thác hiệu quả Hệ thống đánh giá Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, nhất là kiểm tra, giám sát đột xuất việc thực hiện công tác CCHC tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, duy trì hiệu quả việc khảo sát lấy ý kiến đánh giá của tổ chức, cá nhân trong việc giải quyết TTHC nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.

Bốn là, rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định để đổi mới cơ chế tự chủ về tài chính tại các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; phân định rõ nguồn thu, nhiệm vụ chi của các cấp ngân sách theo hướng tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách tỉnh, đồng thời nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, khuyến khích và thúc đẩy sáng tạo của chính quyền địa phương; bảo vệ người đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách trách nhiệm vì lợi ích chung. Tiếp tục đẩy mạnh hình thức đối tác công - tư để huy động được sức mạnh tổng hợp của các khối doanh nghiệp với nhau, của doanh nghiệp với nhà nước để đầu tư vào những công trình đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn.

Năm là, tiếp tục nâng cao chất lượng các hoạt động hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp, người dân trong giao dịch TTHC, nâng cao hiệu quả của các tổ công nghệ số cộng đồng để kịp thời hướng dẫn, phổ cập kỹ năng số cho người dân thực hiện chuyển đổi số, thực hiện giải quyết TTHC theo hình thức trực tuyến nhằm phát huy sự tham gia đóng góp tích cực của người dân vào tiến trình chuyển đổi số, góp phần đẩy mạnh CCHC.

Như chia sẻ của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh: “cải cách hành chính chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc. Việc đổi mới tư duy, quyết liệt, đột phá trong hành động đưa Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ, bền vững”. Từng mốc thành công của Quảng Ninh ngày càng củng cố thêm niềm tin của tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Điều này góp phần đưa Quảng Ninh không chỉ là địa bàn phát triển kinh tế - xã hội nhanh, mạnh, bền vững, mà tiếp tục nâng cao chỉ số hạnh phúc của nhân dân, là nơi “sản sinh lợi nhuận và nhiều giá trị lâu dài” cho nhà đầu tư, doanh nghiệp./.


[1](1) Quy trình “5 bước tại chỗ” (Tiếp nhận, Thẩm định, Phê duyệt, Đóng dấu, Trả kết quả); quy trình “5 bước trên môi trường điện tử” (Tiếp nhận, Thẩm định, Phê duyệt, Ký số, Trả kết quả hoàn toàn trên môi trường điện tử).

29 December 2023
29 December 2023
CÁC BÀI HỘI THẢO