Quản lý tổng hợp không gian biển vì sự phát triển bền vững tỉnh Quảng Ninh: Lý luận và thực tiễn
PGS, TS. Nguyễn Chu HồiPhó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam
Điểm vượt trội của biển, đảo Quảng Ninh
Vai trò, vị thế của biển đảo
Vùng biển Quảng Ninh[1] là không gian chịu tác động tương tác trực tiếp của các hoạt động từ đất liền và biển, của quá trình nội - ngoại sinh, tự nhiên - nhân sinh (Hình 1). Đây là khu vực có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, nhưng có tính nhạy cảm cao, dễ bị tổn thương do tác động của thiên tai và hoạt động của con người. Vì thế, quản lý bền vững vùng biển này phải tính đến các mối quan hệ tương tác nói trên theo cách tiếp cận mới - quản lý biển theo không gian (gọi tắt là quản lý không gian biển).
Quảng Ninh là tỉnh duy nhất ở Việt Nam có cả biên giới đất liền và biển với Trung Quốc. Trong vùng biển tỉnh Quảng Ninh, các đảo phân bố tập trung với số lượng lớn nhất cả nước (khoảng 2.400 đảo lớn nhỏ) dưới dạng dẫy đảo, cụm đảo với mật độ cao, tạo ra nhiều eo, vụng và các thủy vực biển có chế độ hải văn khác nhau. Theo đó, ưu thế động lực biển thuộc về thủy triều và dòng thủy triều với biên độ triều cao nhất nước ta: ở Móng Cái (hơn 5m) giảm dần xuống tới vịnh Hạ Long còn 4,2m. Cho nên xu thế tương tác ở vùng bờ biển Quảng Ninh nghiêng về phía có lợi cho quá trình biển, nhất là vào mùa khô.
Địa hình tương phản giữa núi và biển, các dãy núi ăn lan ra biển tạo nên tuyến bờ biển khúc khuỷu, bị ngăn cách bởi nhiều mũi nhô đá gốc (Cape), kết nối bờ - biển - đảo thành một thể thống nhất kế thừa nền cấu trúc - kiến tạo địa chất cổ. Các đặc trưng nói trên đã tạo ra tính đa dạng và độc đáo về cảnh quan thiên nhiên, về đa dạng sinh học và kiểu loại hệ sinh thái ven biển, biển, đảo, như: vũng, vịnh, vụng, đảo nhỏ, rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển,...Đây cũng là những nơi khu trú tự nhiên của các loài động, thực vật và thủy sản biển nổi tiếng của tỉnh. Ngoài ra, nền cấu trúc địa chất-kiến tạo đã tạo các rãnh sâu giữa các tuyến đảo hướng song song với bờ biển (từ Móng Cái đến Tiên Yên), ít sa bồi,...là tiền đề phát triển các luồng và cảng biển nước sâu tựa như cảng Vân Đồn xưa.
Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên thuận lợi đã tạo cho vùng biển - ven biển - đảo tỉnh Quảng Ninh có những lợi thế phát triển vượt trội, vị thế chiến lược trọng yếu. Biển, đảo cũng gia tăng tính cạnh tranh và khả năng hội nhập quốc tế sâu rộng của kinh tế biển tỉnh Quảng Ninh, nhất là với khu vực Đông Á, Biển Đông, trực tiếp là Trung Quốc. Cho nên, Quảng Ninh cũng là tỉnh trọng điểm trong thực hiện các chính sách, chiến lược biển của Việt Nam. Định hướng và phân bổ không gian phát triển kinh tế biển cũng được cụ thể hóa trong Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt, ban hành.
Tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế biển
Nhờ thiên nhiên biển đảo độc đáo, nên Quảng Ninh giàu tiềm năng bảo tồn biển với nhiều địa điểm có thể thiết lập thành các khu bảo tồn thiên nhiên có giá trị quốc gia và quốc tế, như: các vùng biển đảo thuộc Đảo Trần, Cô Tô, Ba Mùn; vùng biển đảo vịnh Bái Tử Long, vịnh Hạ Long,... Đặc biệt, khu vực nam vịnh Bái Tử Long, vịnh Hạ Long mở rộng xuống khu vực Cát Bà - Long Châu (thành phố Hải Phòng) là nơi phân bố của quần thể đảo đá vôi độc đáo, quy mô lớn, chứa đựng các giá trị ngoại hạng toàn cầu cần được bảo vệ, bảo tồn.
Vịnh Hạ Long đã được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới về giá trị cảnh quan (1994), giá trị địa chất - địa mạo (2000), được vinh danh là Vịnh đẹp của Câu lạc bộ Vịnh đẹp thế giới và được bầu chọn là một trong 7 Kỳ quan Thiên nhiên mới của thế giới (2012). Năm 2017, vùng biển quần thể đảo đá vôi Hạ Long - Cát Bà (bao gồm các đảo đá vôi trong vịnh Bái Tử Long và quần đảo Long Châu - Hải Phòng) được đưa vào danh sách 34 “Vùng biển quan trọng về Sinh học và Sinh thái học (EBSA)” theo tiêu chí của Công ước quốc tế về Đa dạng sinh học (CBD) và cũng vùng biển này Chính phủ đã làm hồ sơ để trình Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) công nhận là “Vùng biển đặc biệt nhạy cảm về môi trường (PSSA)” theo Công ước MARPOL[2]. Đặc biệt, năm 2023, quần thể đảo đá vôi Vịnh Hạ Long - Cát Bà độc đáo này đã được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới. Một di sản thiên nhiên thế giới thuộc về hai chủ thể quản lý hành chính - tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng, chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Bên cạnh đó, vịnh Bái Tử Long ở phía bắc cũng được công nhận là Vườn Quốc gia, Vườn ASEAN, v.v..
Vị thế, tiềm năng và các lợi thế nói trên đem lại cơ hội để Quảng Ninh trở thành tỉnh đi đầu cả nước về phát triển kinh tế bảo tồn (Conservation-based economy). Đồng thời cung cấp luận cứ cho tỉnh Quảng Ninh xác lập một “Khuôn khổ phát triển toàn diện” (CDF - Comprehensive Development Framework) cho vùng ven biển - biển - đảo. Theo đó, phát triển du lịch, dịch vụ và thương mại dựa vào các giá trị bảo tồn, công nghiệp giải trí, chuyển đổi xanh và kinh tế biển xanh (ví dụ: thủy sản thân thiện, nghề cá giải trí, du lịch lặn, một số dịch vụ ít phát thải khác,...) là một trục phát triển chính, phù hợp với chiến lược quốc gia và xu thế toàn cầu. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển cũng được tỉnh Quảng Ninh xem là một trong những khâu đột phá đến năm 2030, tạo nền tảng vững chắc để tỉnh phát triển nhảy vọt, toàn diện sau năm 2030 và xa hơn nữa.
Phát triển đa ngành và vấn đề môi trường - tài nguyên
Phát triển đa ngành
Phân tích trên cho thấy, vùng biển Quảng Ninh là một thực thể tự nhiên hoàn chỉnh, “thống nhất trong đa dạng”; hình thành, phát triển và tiến hóa trên nền cấu trúc địa chất - kiến tạo phân dị cả theo chiều ngang và dọc bờ biển. Điều này chi phối việc hình thành các khu biển (đơn vị không gian) khác nhau về bản chất tự nhiên, tiềm năng tài nguyên thiên nhiên và thế mạnh phát triển đòi hỏi phải có giải pháp phát triển phù hợp. Về bản chất, đó là những hệ tài nguyên chia sẻ (Shared resources system) và đa dụng (Multi-use) - là tiền đề cho phát triển đa ngành, đa lĩnh vực và có tiềm năng bảo tồn cao. Các dạng tài nguyên biển riêng biệt trong các hệ tài nguyên biển này phân bố theo không gian ba chiều (trên bề mặt, trong khối nước biển, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển), có tính liên kết (Connectivity) trong môi trường biển xuyên biên giới (Transboundary), ô nhiễm không rõ nguồn (Non-point source). Cho nên, khi đưa vào khai thác, sử dụng một khu vực biển cụ thể thì cần phải xem xét, cân nhắc ba thuộc tính cơ bản: tính trội, tính đa dụng, tính liên kết để tối ưu hóa hiệu quả sử dụng và hài hòa lợi ích của các bên liên quan.
Như nói trên, vùng biển Quảng Ninh có tiềm năng lớn cho phát triển đa ngành, nhưng các hệ tài nguyên biển ở đây lại nằm sát một dải đất ven biển tập trung sôi động các hoạt động phát triển của các ngành. Bởi thế, các hệ tài nguyên biển chịu sức ép rất lớn từ các tác động nguồn đất liền (Land-based) khiến cho thải lượng rất lớn chất gây ô nhiễm tiềm năng đổ ra biển nếu không được xử lý triệt để. Bên cạnh đó, những mâu thuẫn lợi ích (Benefit conflict) và xung đột không gian (Spatial use conflict) trong quá trình khai thác, sử dụng tài nguyên trong cùng một khu vực biển đang gia tăng. Gần đây, môi trường các vịnh ven bờ như vịnh Hạ long, Bái Tử Long tiếp tục bị “đầu độc”, chất lượng môi trường diễn biến theo chiều hướng xấu; đa dạng sinh học và các cảnh quan biển bị đe doạ, suy giảm diện tích; các hệ sinh thái nền tảng, nhất là rạn san hô bị thu hẹp diện tích, bị suy thoái, đôi nơi nghiêm trọng do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Tình trạng nói trên đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới cùng với các giải pháp quản lý toàn diện, tổng thể, đồng bộ dựa trên cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý biển - ven biển - đảo Quảng Ninh. Đó chính là phương thức quản lý không gian biển (Marine spatial management) thông qua cách tiếp cận tổng hợp (Integrated approach) và công cụ phân vùng chức năng biển - ven biển (Function zoning) dựa vào hệ sinh thái (Ecosystem-based) nhằm giảm thiểu mâu thuẫn, xung đột và tạo cơ hội phục hồi môi trường biển, các hệ sinh thái biển - ven biển đã bị suy thoái.
Về nguyên tắc, quản lý tổng hợp không thay thế quản lý ngành, mà đóng vai trò kết nối, điều chỉnh hành vi phát triển của các ngành trong khai thác, sử dụng cùng một vùng biển. Nghĩa là, trong khai thác, sử dụng biển cần phải chấp nhận phát triển đa ngành, cùng với tăng cường kiểm soát một cách hiệu quả các hoạt động phát triển. Quản lý không gian biển theo cách tiếp cận tổng hợp hay quản lý tổng hợp không gian biển đòi hỏi phải thực thi hiệu quả cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng, liên cơ quan, liên vấn đề và từ nguồn (Source) ra biển (Sea). Bên cạnh đó, các giá trị bảo tồn đa dạng sinh học biển cần được sử dụng bền vững trên cơ sở bảo tồn các vốn sinh thái, vốn văn hóa, vốn con người từ cộng đồng địa phương và doanh nghiệp - những người sống và hưởng dụng các lợi ích từ việc bảo tồn và phục hồi biển, đảo mang lại.
Một số vấn đề môi trường - tài nguyên biển
Tiềm năng phát triển đa ngành và việc tập trung quy mô lớn các hoạt động phát triển ở vùng ven biển và biển đã làm nảy sinh các vấn đề môi trường, tài nguyên, mâu thuẫn lợi ích, xung đột không gian,...Tỉnh Quảng Ninh đang và sẽ phải đối diện với không ít thách thức về môi trường, tài nguyên và phát triển, biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đô thị hóa nhanh ở vùng ven biển và trên một số đảo/quần đảo đang trở thành xu thế “tất yếu”, nhất là việc xây dựng, mở rộng các thành phố ven biển, bao gồm thành phố Hạ Long như là một trung tâm “đầu não”, “hạt nhân” về chính trị - hành chính, kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh, một mắt xích quan trọng trong “tam giác kinh tế và du lịch” Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Và, theo cách tiếp cận nói trên, thì tầm nhìn phát triển và tính bền vững của thành phố Hạ Long có ảnh hưởng quyết định đến không chỉ chính thành phố Hạ Long mà còn đến tương lai của di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Cát Bà và phụ cận. Cần nhấn mạnh rằng, vụng Cửa Lục (Cửa Lục embayment) là vùng đệm về mặt “thủy động lực”, có chức năng giữ cho vịnh Hạ Long bền vững, nên sử dụng thiếu bền vững vụng này có nguy cơ “vô hiệu hóa” chức năng, giá trị di sản của vịnh biển này.
Những năm gần đây, các hoạt động du lịch, dịch vụ của tỉnh Quảng Ninh phát triển với tốc độ khá nhanh, và cũng là một trong những thế mạnh của tỉnh, chủ yếu tập trung ở khu vực vịnh Hạ Long, một phần vịnh Bái Tử Long và Móng Cái. Kinh tế du lịch ngày càng chứng tỏ lợi thế gắn với bảo tồn các giá trị vốn có của vùng biển và là tín hiệu ban đầu về chuyển đổi xanh - một cách sử dụng các nguồn lực “không trần”. Ví dụ, doanh thu và nộp ngân sách từ hoạt động du lịch chỉ từ các giá trị bảo tồn của vịnh Hạ Long khá cao, thậm chí cao hơn một số lĩnh vực kinh tế biển - ven biển khác trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, ngành “công nghiệp không khói” này ngày càng gây sức ép đến môi trường biển-ven biển và nguồn sinh kế của người dân địa phương.
Lượng nước thải sinh hoạt và lượng rác thải phát sinh ngày càng gia tăng, trong khi mức độ xử lý còn khiêm tốn, hoặc không qua xử lý vẫn đổ trực tiếp ra biển. Bên cạnh đó, số lượng khách du lịch tăng hàng năm cũng phát sinh lượng chất thải gấp khoảng 5 lần so với lượng phát thải trong sinh hoạt của người dân địa phương ven biển. Các hoạt động trên biển ở vùng biển Quảng Ninh với số lượng lớn tàu, thuyền hoạt động, chủ yếu là tàu hàng hải, tàu cá và tàu du lịch đã kéo theo sự gia tăng rất đáng kể lượng nước thải, rác thải phát sinh. Trong khi, mức độ tiếp nhận chất thải từ các tàu để xử lý trên bờ còn nhiều bất cập và khó kiểm soát, ngay cả ở vịnh Hạ Long - nơi có Ban Quản lý chuyên trách tại chỗ. Bên cạnh đó, lượng phát thải khí độc hại, dầu thải và nguy cơ sự cố đắm tàu, tràn dầu cũng gia tăng. Số lượng du khách đông đảo, tập trung tại một số điểm du lịch và các hang động điển hình tại vùng lõi khu Di sản Thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long cũng gây ra tác động tiêu cực tới các giá trị thẩm mỹ, địa chất, sinh học của vịnh. Các nhà hàng ven biển, nhà hàng nổi, nuôi cá lồng bè trên các vịnh ven bờ làm phát sinh chất thải (chất thải lỏng, chất thải rắn, bao gồm rác thải nhựa) đã gây ô nhiễm đáng kể môi trường biển và làm xấu cảnh quan do rác thải nhựa, phao xốp trôi lênh bềnh, v.v..Cùng với du lịch, các ngành kinh tế khác trên địa bàn tỉnh cũng phát triển mạnh, thậm chí có lịch sử phát triển dài như: ngành khai khoáng (than, đá vôi, cát sỏi và khoáng sản khác), thủy sản, cảng-hàng hải, nhất là phát triển các khu công nghiệp ven biển. Không ít các hoạt động như vậy đang tạo ra một “vành đai nâu” ngay sát ven biển, ven các vịnh đẹp và vùng biển phía ngoài. Trong một thời gian dài đến nay, nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường biển-ven biển-đảo ở Quảng Ninh thường là các hoạt động khai thác than; lấn biển xây dựng đô thị, hạ tầng; đổ thải và nhận chìm vật chất ra biển; nuôi trồng thủy sản ven biển và trên biển; hoạt động tàu thuyền du lịch, dịch vụ, đánh bắt thủy sản; chất thải công nghiệp và rác thải sinh hoạt. Các nguồn tác động đến môi trường biển chính là: từ đất liền, từ biển, từ không khí và từ đáy biển do xáo trộn.
Quản lý tổng hợp không gian biển vì sự phát triển bền vững
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh luôn là một trong những tỉnh đi đầu trong tăng trưởng và chuyển đổi xanh trong lĩnh vực kinh tế biển. Nhiều hoạt động đã được triển khai, nhiều thành tựu liên quan đã đạt được, đặc biệt là về tăng trưởng kinh tế của tỉnh, trong đó có kinh tế biển. Phân bổ không gian biển, ven biển cho các ngành/lĩnh vực của kinh tế biển Quảng Ninh đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt, cần cụ thể hóa, hiện thực hóa. Đặc biệt, khi mà quy hoạch không gian biển quốc gia đến 2030 chỉ thực hiện ở cấp độ toàn quốc và tiến độ đang bị chậm, thì Quảng Ninh nên chủ động tiến hành phân vùng chức năng biển dựa vào hệ sinh thái để triển khai quy hoạch tỉnh đến 2030 đã được duyệt.
Đến này, hệ thống thu gom chất thải rắn, bao gồm rác thải nhựa khu vực ven biển, nhất là ven vịnh Hạ Long được thực hiện bằng cách thu gom hỗn hợp thủ công, chưa phân loại triệt để, chưa tái sử dụng, tái chế. Bên cạnh đó, vấn đề ô nhiễm biển Quảng Ninh nguồn đất liền đã được Chương trình Hành động toàn cầu về Đánh giá ô nhiễm biển từ nguồn đất liền (UNEP GPA) cảnh báo, thì tỉnh cần tăng cường kiểm soát phát triển gắn với kiểm soát nguồn gây ô nhiễm biển trên đất liền. Hoạt động này cần được lồng ghép vào Chương trình thực hiện 17 Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) đến năm 2030, trong đó có SDG-14 về biển và SDG-6 về lưu vực sông.
Để quản lý bền vững không gian vịnh Hạ Long, tỉnh cần lưu ý sử dụng hợp lý và phục hồi vụng Cửa Lục đang bị thu hẹp và nông hóa, thậm chí có thể thay đổi chức năng sử dụng không gian biển này. Theo đó, cần bảo tồn khu vực đỉnh vụng Cửa Lục để duy trì chức năng tiêu giảm sa bồi, tăng bảo vệ các công trình ven biển và vịnh Hạ Long, bảo vệ sinh cảnh cho các loài sinh vật biển nước lợ. Cửa Lục cũng nằm trong hành lang sinh thái ven biển đề xuất trong quy hoạch môi trường, có vai trò quan trọng hỗ trợ và liên kết với hành lang sinh thái biển của tỉnh.
Tiếp tục hoàn thiện mô hình thể chế quản lý tổng hợp Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long - Cát Bà. Do thuộc về hai chủ thể hành chính khác nhau - tỉnh Quảng Ninh và Tp Hải Phòng, cho nên thiết chế tổ chức quản lý Di sản thiên nhiên thế giới mới này vừa riêng cho từng địa phương nhưng phải có cơ chế phối hợp quản lý giữa hai địa phương, nhất là phần không gian ranh giới giữa vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) và quần đảo Cát Bà (TP. Hải Phòng). Ngoài ra, cần xem xét, điều chỉnh ranh giới “vùng đệm - Buffer zone) cho khu di sản thiên nhiên thế giới mới này.
Không gian bảo tồn biển Cô Tô - Đảo Trần nằm gần sát Trung Quốc, có vị trí địa lý quan trọng cả từ góc nhìn phát triển và an ninh biển đảo, đặc biệt nơi đây lại co tiềm năng bảo tồn cao. Vì thế, việc bảo tồn và khai thác các giá trị từ bảo tồn ở đây sẽ đóng góp cho phát triển bền vững biển đảo về cả ba phương diện: kinh tế, văn hóa - xã hội và môi trường. Ngoài ra, cần thúc đẩy bảo tồn không gian khu vực biển đảo Ba Mùn và vịnh Bái Tử Long.
Trên cơ sở xác định, nhận diện các vấn đề cụ thể của từng không gian bảo tồn biển nói trên, tỉnh sẽ xem xét điều chỉnh các hoạt động phát triển cụ thể. Đồng thời, dựa trên sơ đồ phân vùng chức năng biển dựa vào hệ sinh thái để bảo đảm các hoạt động phát triển kinh tế biển hài hòa với bảo tồn, bảo vệ môi trường biển, hướng tới phát triển kinh tế biển xanh, bền vững./.
[1](1) Bao gồm vùng biển ven bờ và các đảo (gọi tắt là vùng ven bờ), trong phạm vi 6 hải lý theo quy định của pháp luật.
[2](2) Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm biển từ tàu hàng hải.