Vai trò của truyền thông chính sách đối với việc quản trị quá trình phát triển phương hướng, giải pháp cho tỉnh Quảng Ninh
PGS, TS. Nguyễn Thị Ngọc HoaHọc viện Báo chí và Tuyên truyền
Tóm tắt: Chủ trương của Đảng ta là phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan truyền thông trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để thực hiện chủ trương của Đảng, phát huy vai trò của truyền thông chính sách đối với việc quản trị quá trình phát triển ở tỉnh Quảng Ninh, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi làm rõ vai trò, phương hướng và giải pháp phát huy vai trò của truyền thông chính sách đối với việc quản trị quá trình phát triển cho tỉnh Quảng Ninh.
Từ khóa: phương hướng; giải pháp; phát huy vai trò; truyền thông chính sách; quản trị quá trình phát triển; tỉnh Quảng Ninh.
Vai trò của truyền thông chính sách đối với việc quản trị quá trình phát triển ở tỉnh Quảng Ninh
Truyền thông chính sách là quá trình liên tục trao đổi thông tin về chính sách của Nhà nước để thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng trong một thời gian nhất định, trên những lĩnh vực cụ thể, nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các chủ thể trong xã hội, góp phần thay đổi nhận thức, tiến tới điều chỉnh hành vi và thái độ phù hợp với nhu cầu phát triển của cá nhân, của nhóm, của cộng đồng và của toàn xã hội.
Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23-11-2022, của Bộ Chính trị, “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Nghị quyết số 14/NQ-CP, ngày 8-2-2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23-11-2022, của Bộ Chính trị “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đặt ra nhiệm vụ cho tỉnh Quảng Ninh: 1- Tăng cường quảng bá các sản phẩm du lịch, xúc tiến đầu tư để thu hút nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch; tập trung ưu tiên đầu tư các khu du lịch quốc gia trong vùng, như: Khu du lịch Hạ Long - Cát Bà; Khu du lịch Vân Đồn; Khu du lịch Trà Cổ. Phát triển tỉnh Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và thế giới. 2- Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi để xây dựng và phát triển khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại mang tầm quốc tế, hàng đầu Đông Nam Á, là cửa ngõ, động lực phát triển của vùng. Xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm triển khai Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc tại Quảng Ninh. 3- Phát triển các trung tâm hành chính tỉnh, thành phố để tăng cường liên kết, hình thành các chuỗi đô thị, đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa, trong đó, chuỗi đô thị tại các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình và Nam Định gắn với phát triển kinh tế biển. 4- Nghiên cứu đầu tư các bến cảng mới tại cảng biển Quảng Ninh theo quy hoạch. Hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng cảng hàng không quốc tế Vân Đồn theo quy mô quy hoạch. 5- Hình thành các khu nông nghiệp hiệu quả cao dựa trên ứng dụng công nghệ cao theo quy hoạch tại tỉnh Quảng Ninh. 6- Thực hiện có hiệu quả Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững di sản văn hóa Việt Nam, Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam. Rà soát, phục dựng, trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị, các di tích lịch sử, di sản văn hóa, các khu văn hóa tín ngưỡng lớn của địa phương. 7- Tăng cường liên kết vùng trong bảo tồn, khai thác sử dụng tài nguyên, đa dạng sinh học của các khu bảo tồn thiên nhiên, khu di sản thiên nhiên cấp quốc gia, như Bái Tử Long, Vịnh Hạ Long. Áp dụng các giải pháp tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học nhằm dựa vào thiên nhiên để phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu; giải quyết các sự cố, phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chủ động thích ứng với tình trạng nước biển dâng. Ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học khu vực tiếp giáp các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, vùng cửa sông Hồng, sông Thái Bình, vùng ngập nước ở Quảng Ninh.
Việc quản trị quá trình phát triển ở tỉnh Quảng Ninh để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 30-NQ/TW, của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 14/NQ-CP, của Chính phủ rất cần phải phát huy vai trò của truyền thông chính sách, vì truyền thông chính sách có ảnh hưởng rất lớn đến mọi vấn đề của xã hội. Truyền thông chính sách tác động đến nhận thức của công chúng, từ nhận thức sẽ tác động đến hành động và ứng xử của công chúng. Khi mà một ứng xử của công chúng được lặp đi lặp lại sẽ thành nền nếp, tập quán cuối cùng trở thành những chuẩn mực của xã hội. Nhờ truyền thông chính sách mà những vấn đề này được xã hội chấp nhận và lan truyền nhanh trong công chúng. Truyền thông chính sách đóng vai trò rất quan trọng trong các hoạt động chính trị và thúc đẩy cho xã hội trở nên công bằng, dân chủ hơn. Truyền thông chính sách là kênh giúp Nhà nước và tỉnh Quảng Ninh có khả năng xây dựng hình ảnh của mình để không bị “hòa tan” trong quá trình toàn cầu hóa.
Truyền thông chính sách góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân, phát huy quyền, vai trò và trí tuệ của xã hội trong nhận diện các vấn đề chính sách và cân nhắc các giải pháp chính sách... Truyền thông chính sách góp phần định hướng dư luận. Chủ trương, chính sách chỉ hiệu quả khi nó được xã hội chấp thuận và khả thi trên thực tiễn để tạo ra các kết quả như trông đợi. Truyền thông chính sách cung cấp thông tin giúp chủ thể chính sách tự rà soát các phương pháp, công cụ, cách tiếp cận và cách hành xử của mình đối với các vấn đề xã hội; nhờ đó, hỗ trợ quá trình cải cách thủ tục hành chính, đổi mới bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ. Đặc biệt, để giám sát thực hiện, phát hiện vấn đề, bất cập, lợi dụng thẩm quyền,... đưa Nhà nước, Chính phủ hay chính quyền tỉnh Quảng Ninh đến gần công chúng hơn, tạo dựng và duy trì sự tin cậy của xã hội đối với Nhà nước và chính quyền tỉnh Quảng Ninh.
Phương hướng và giải pháp phát huy vai trò của truyền thông chính sách đối với việc quản trị quá trình phát triển cho tỉnh Quảng Ninh
Để phát huy vai trò của truyền thông chính sách đối với việc quản trị quá trình phát triển, trong thời gian tới, Quảng Ninh cần thực hiện quyết liệt và đồng bộ các phương hướng và giải pháp cụ thể sau đây:
Một là, quán triệt và vận dụng quan điểm Đại hội XIII của Đảng về chủ trương xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Thực hiện tốt quy hoạch, phát triển hệ thống báo chí, truyền thông. Sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa. Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên Internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân và cơ quan truyền thông, báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao hiệu quả phát hiện và xử lý tham nhũng, lãng phí. Thực hiện nghiêm Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27-9-2019, của Bộ Chính trị “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, đó là đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số quốc gia. Phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, triển khai băng thông rộng chất lượng cao trên phạm vi toàn quốc. Phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia; phát triển nguồn nhân lực; phát triển các ngành và công nghệ ưu tiên. Chủ động hội nhập quốc tế và thúc đẩy chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23-11-2022, của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 14/NQ-CP, ngày 8-2-2023, của Chính phủ với quy mô sâu rộng, bằng nhiều hình thức, phương thức truyền thông đa dạng, phong phú, hấp dẫn và phù hợp với từng đối tượng, tạo nhận thức sâu sắc về cơ hội, thuận lợi, thách thức, cũng như tiềm năng, lợi thế của tỉnh Quảng Ninh để tạo đột phá phát triển.
Hai là, đầu tư nâng cấp, xây dựng mới cơ sở hạ tầng viễn thông, hạ tầng số hiện đại, an toàn, trong đó ưu tiên tập trung đầu tư hạ tầng viễn thông băng rộng, điện toán đám mây, internet vạn vật (IoT),... đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của tỉnh Quảng Ninh; triển khai thực hiện Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, truyền hình cáp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tổ chức triển khai thực hiện các chỉ tiêu được giao, các nhiệm vụ, giải pháp tại Kế hoạch số 82/KH-UBND, ngày 22-3-2023, của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh về việc “Thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023 lĩnh vực Thông tin và Truyền thông”, trong đó xác định cụ thể mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp, tiến độ từng tháng. Giao kế hoạch rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu được giao. Các doanh nghiệp Viễn thông đẩy mạnh đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng băng thông rộng di động chất lượng cao (4G/5G), băng thông rộng cố định tốc độ cao (Gb/s, Tb/s) trên phạm vi toàn tỉnh, tăng cường phát triển thuê bao Internet băng thông rộng cố định mặt đất sử dụng công nghệ FTTH/xPON tới hộ gia đình; thực hiện lộ trình dừng công nghệ di động cũ (2G/3G); Đẩy mạnh triển khai các nền tảng, giải pháp số phục vụ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh. Kịp thời báo cáo khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện chỉ tiêu, đề xuất giải pháp, phương án thực hiện bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ (qua Sở Thông tin và Truyền thông) để báo cáo, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, tháo gỡ.
Ba là, tiếp tục triển khai và cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 5-2-2022, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh về Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 12-NQ/TU, ngày 28-11-2022, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023; Nghị quyết số 128/NQ-HĐND, ngày 9-12-2022, của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Chủ đề công tác năm 2023 của tỉnh “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống Nhân dân”; Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, ngày 6-1-2023, của Chính phủ, Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 28-11-2022 của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 128/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Kế hoạch số 07/KH-UBND, ngày 13-1-2023, của Ủy ban nhân dân tỉnh về Kịch bản tăng trưởng (GRDP) năm 2023 tỉnh Quảng Ninh.
Bốn là, hoàn thành các chỉ tiêu theo Quyết định số 3636/QĐ-UBND, ngày
12-12-2022, của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 lĩnh vực Thông tin và Truyền thông. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với các TTHC đủ điều kiện đạt: 100%. Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP đạt: 12%. Thanh toán điện tử (Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử) đạt: 50%. Thuê bao điện thoại cố định hữu tuyến: 300 thuê bao. Thuê bao điện thoại di động trả sau: 32.000 thuê bao. Thuê bao điện thoại di động trả trước: 180.000 thuê bao. Thuê bao Internet cáp quang: 35.000 thuê bao. Doanh thu: 3.100 tỷ đồng. Phát hành báo in của tỉnh: 1.800.000 tờ, cuốn. In, xuất bản phẩm của tỉnh: 17.000.000 tờ, cuốn. Tiếp tục triển khai nhiệm vụ bổ sung Khu Công nghệ thông tin tập trung tại phường Tuần Châu, thành phố Hạ Long vào Quy hoạch Khu Công nghệ thông tin tập trung quốc gia. Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông để đẩy nhanh tiến độ thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt bổ sung Khu Công nghệ thông tin tập trung tỉnh vào quy hoạch quốc gia, vì hiện nay tỉnh đã trình Bộ Thông tin và Truyền thông hồ sơ bổ sung Khu Công nghệ thông tin tập trung tỉnh vào quy hoạch quốc gia. Triển khai các chương trình chăm sóc khách hàng, có chính sách giá cước ưu đãi nhằm mục tiêu giảm hủy thuê bao, giữ doanh thu, đặc biệt là khách hàng lâu năm. Tăng cường nắm thông tin, tiếp cận các doanh nghiệp mới thành lập để tư vấn sử dụng điện thoại cố định có dây để làm số hotline, số điện thoại liên hệ của Công ty.
Năm là, phát triển hạ tầng viễn thông băng thông rộng di động chất lượng cao (giảm tỷ lệ trạm 2G hiện từ 21,8% xuống 8%, trạm 3G hiện từ 38,5% xuống 18,5%; tăng tỷ lệ trạm 4G hiện từ 39,6% lên 59 %, tăng tỷ lệ trạm 5G hiện tại là 0,02% lên 25% sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thành việc quy hoạch và đấu thầu tần số dành cho mạng 5G) theo hướng xây dựng mô hình mẫu về hạ tầng số đáp ứng phục vụ sản xuất thông minh tại 1 khu công nghiệp, khu kinh tế có thể đáp ứng điều kiện sản xuất thông minh,... phục vụ thu hút đầu tư. Sở Thông tin và Truyền thông: 1- Phối hợp với các địa phương nắm bắt nhu cầu đề xuất về địa điểm xây dựng trạm; phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế để xác định về nhu cầu, định hướng phát triển của Khu công nghiệp có thể đáp ứng điều kiện sản xuất thông minh. 2- Chỉ đạo và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc phát triển hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh, đặc biệt các vùng sâu, vùng xa, khu đô thị mới. Nâng cao chất lượng dịch vụ, băng thông theo chỉ tiêu đề ra; 3- Chỉ đạo doanh nghiệp viễn thông tăng cường phối hợp, chia sẻ, sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động để tăng hiệu quả đầu tư, sử dụng hiệu quả tài nguyên viễn thông. Hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông trong việc sử dụng hạ tầng kĩ thuật liên ngành (cột điện lực, tuyến cống bể giao thông, tuyến cống bể ngầm của các địa phương khi chỉnh trang đô thị...).
Sáu là, Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng Kế hoạch phát triển hạ tầng số tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030 trình UBND tỉnh ban hành (các chỉ tiêu bảo đảm cho việc thực hiện Đề án Chuyển đổi số toàn diện của tỉnh Quảng Ninh xoay quanh 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số). Xây dựng hạ tầng dịch vụ Internet băng thông rộng được cung cấp đến 100% các hộ gia đình, trong đó hạ tầng mạng cáp quang cung cấp đến 88% hộ gia đình; nâng tỷ lệ người sử dụng dịch vụ di động có smartphone lên mức từ 95% trở lên. Đề nghị các doanh nghiệp viễn thông cung cấp kế hoạch phát triển. Xây dựng dự thảo Kế hoạch, xin ý kiến các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan, trình UBND tỉnh ban hành. Phát triển hạ tầng viễn thông phục vụ kết nối mạng Io). Rà soát, tổng hợp các vị trí, khu vực, các Khu kinh tế có phát sinh các điểm lõm internet băng rộng; đề nghị các doanh nghiệp viễn thông tiến hành triển khai phủ lõm; chỉ đạo và hỗ trợ doanh nghiệp viễn thông trong việc phát triển hạ tầng viễn thông nâng cao chất lượng dịch vụ, băng thông theo chỉ tiêu đề ra. Hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông trong việc sử dụng hạ tầng kỹ thuật liên ngành (cột điện lực, tuyến cống bể giao thông, tuyến cống bể ngầm của các địa phương khi chỉnh trang đô thị...).
Bảy là, các doanh nghiệp viễn thông xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông bảo đảm quy định; khẩn trương tập trung triển khai các trạm thu phát sóng di động (trạm BTS) đã được phê duyệt vị trí, bảo đảm điều kiện xây dựng; chú trọng đầu tư lắp đặt các trạm BTS phục vụ cho việc ứng dụng công nghệ mới (công nghệ 4G và 5G); tăng cường dùng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động để tiết kiệm nguồn lực, tăng hiệu quả đầu tư. Tăng cường hoạt động bán hàng, nâng cao chất lượng sản phẩm - dịch vụ, cụ thể là chất lượng mạng, đường truyền, tích hợp công nghệ vào các dịch vụ gia tăng của nhà mạng, đa dạng hóa danh mục sản phẩm - dịch vụ, hướng đến mở rộng thị trường hoạt động, phục vụ nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Cung cấp kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông của doanh nghiệp giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030 gửi Sở Thông tin và Truyền thông. Rà soát, tập trung triển khai hạ tầng tại các khu vực lõm chưa có hạ tầng Internet cáp quang tại các khu dân cư, khu đô thị mới, khu công nghiệp, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn. Nâng cao chất lượng dịch vụ Internet để thu hút khách hàng mới và giữ chân khách hàng đã và đang sử dụng dịch vụ. Có các giải pháp cung cấp có chất lượng các dịch vụ, sát với thị trường, đối tượng sử dụng. Nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường chăm sóc khách hàng, đổi mới hoạt động bán hàng để tăng doanh thu hoàn thành chỉ tiêu giao tại Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội lĩnh vực ngành Thông tin và Truyền thông năm 2023. Thực hiện theo kế hoạch sản xuất, kinh doanh của đơn vị đã đề ra năm 2023, phấn đấu hoàn thành mục tiêu cao nhất.
Tám là, Trung tâm Truyền thông tỉnh bám sát chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh để tổ chức tuyên truyền trọng tâm, trọng điểm; đồng thời quảng bá hình ảnh, thương hiệu của tỉnh thông qua các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội nổi bật của tỉnh, của đất nước gắn với các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh, tạo sự đồng thuận trong nhân dân và xã hội. Tăng cường truyền thông chủ động; phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tạo ra những sản phẩm báo chí chất lượng, hấp dẫn, định hướng nhân dân và dư luận xã hội. Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền theo hướng chuyên sâu vào các vấn đề thời sự, tăng cường các tuyến bài mang tính chuyên luận và bình luận; tổ chức thực hiện các chiến dịch truyền thông, đổi mới toàn diện ấn phẩm truyền thông truyền thống, nâng cao chất lượng và sức mạnh cạnh tranh thông tin trên các sản phẩm báo chí.
Chín là, các cơ sở in và phát hành trên địa bàn tỉnh bảo đảm các xuất bản phẩm về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ, văn học, nghệ thuật,... được in, xuất bản bảo đảm các quy định của pháp luật; tuyên truyền đầy đủ, toàn diện về các sự kiện, các vấn đề theo chủ trương, định hướng của tỉnh, của đơn vị, địa phương và nhu cầu thông tin của nhóm độc giả chuyên biệt. Đổi mới nội dung, hình thức thể hiện trên các xuất bản phẩm, góp phần tạo sự đồng thuận, định hướng dư luận, đồng thời lan tỏa mạnh mẽ những thành tựu nổi bật của tỉnh, của đơn vị, địa phương. Các cơ sở in, cơ sở phát hành thực hiện nghiêm túc việc xin cấp Giấy phép hoạt động in/Giấy xác nhận đăng ký hoạt động cơ sở in/ Giấy xác nhận cơ sở hoạt động phát hành và chỉ thực hiện việc in, xuất bản phẩm sau khi được cơ quan quản lý nhà nước cấp Giấy phép hoạt động In/ Giấy xác nhận hoạt động cơ sở phát hành xuất bản phẩm.
Mười là, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc bàn giao mặt bằng, thủ tục xây dựng trong triển khai lắp đặt hạ tầng viễn thông trên địa bàn. Thông báo Kế hoạch chỉnh trang hạ tầng đô thị có liên quan đến hạ tầng dùng chung (Điện, nước, viễn thông, hạ ngầm...) theo quy định trước khi triển khai tới các doanh nghiệp Viễn thông, chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp viễn thông trong triển khai thực hiện và gửi thông báo Kế hoạch cho Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng chỉ đạo các doanh nghiệp Viễn thông nhằm bảo đảm việc chia sẻ, sử dụng hạ tầng liên ngành dùng chung, hạn chế việc mất thông tin liên lạc và thiệt hại khi địa phương triển khai. Đối với dịch vụ công trực tuyến toàn trình, khi công bố thủ tục hành chính mới hoặc sửa đổi thủ tục hành chính phải xác định luôn là cung cấp dịch vụ công toàn trình hay một phần để người dân, doanh nghiệp, tổ chức biết thực hiện. Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt theo Kế hoạch số 97/KH-UBND, ngày 25-3-2022, của Ủy ban nhân dân tỉnh về “Triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022 - 2025” bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu được giao. Triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về chỉ tiêu “Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP” theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Trên đây là vai trò, phương hướng và giải pháp phát huy vai trò của truyền thông chính sách đối với việc quản trị quá trình phát triển cho tỉnh Quảng Ninh. Xin trân trọng giới thiệu./.