21/11/2024 | 17:15 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Xây dựng kinh tế thể thao thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần bảo đảm tăng trưởng và phát triển bền vững, một số gợi ý với tỉnh Quảng Ninh

TS. Vũ Thái Hồng
Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ thể thao
Xây dựng kinh tế thể thao thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần bảo đảm tăng trưởng và phát triển bền vững, một số gợi ý với tỉnh Quảng Ninh

Thể thao là một trong những ngành có tốc độ phát triển nhanh nhất và sớm được coi là ngành “công nghiệp thể thao”. Cùng với tốc độ phát triển đó, kinh tế thể thao là lĩnh vực phát triển mạnh mẽ, mang lại giá trị kinh tế cao (các quốc gia có nền thể thao phát triển đây là ngành mang lại lợi nhuận khổng lồ).Vị trí kinh tế thể thao trong xã hội: rất nhiều quốc gia sử dụng phương pháp phân loại nền kinh tế quốc dân làm ba nhóm ngành: nông nghiệp; công nghiệp và dịch vụ. Trong đó, kinh tế thể thao thuộc nhóm ngành thứ 3 của nền kinh tế. Một ví dụ minh họa về “kinh tế thể thao”: Tập đoàn Giải trí và Truyền thông toàn cầu Singapore báo cáo về kinh tế thể thao giai đoạn 2005 - 2009, nguồn lợi nhuận thu được từ kinh tế thể thao toàn cầu vào năm 2004 là khoảng 82,8 tỷ USD và đến năm 2009 tương đương 111,1 tỷ USD. Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, kinh tế thể thao cũng phát triển mạnh, lợi nhuận năm 2004 tương đương 12,7 tỷ USD và đến năm 2009 đạt tương đương 17 tỷ USD (đây là khu vực được đánh giá là dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế thể thao, đạt mức tăng trưởng trung bình 9,4%, cao hơn nhiều so với khu vực Bắc Mỹ và châu Âu). Ở Mỹ, việc kinh doanh tài sản thể thao chiếm tỉ trọng hơn 2,4% GDP, ngành kinh doanh thể thao hiện đứng thứ 11/25 ngành kinh doanh hàng đầu của Mỹ; ngành công nghiệp thể thao của Đức tăng trưởng với tốc độ hàng năm 5%... Tương tự như vậy ở Anh, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc...

Nhiều công trình nghiên cứu trước đây cho thấy: các quốc gia đều chung quan điểm, coi sự phát triển kinh tế thể thao và sự phát triển sự nghiệp thể thao là một; chính sự phát triển kinh tế thể thao là phát triển sự nghiệp thể dục thể thao trong nền kinh tế thị trường. Vì vậy, các nước phát triển đã đầu tư mạnh mẽ cho thể thao và tận dụng cơ hội đăng cai các đại hội, các giải thể thao quốc tế lớn để tạo dựng hình ảnh đất nước, phát triển các dịch vụ hàng hóa thể thao, củng cố, cải thiện kết cấu hạ tầng cho thể thao, bản quyền truyền thông, kích cầu du lịch (từ năm 2000, chi tiêu cho thể thao của Nga đã tăng hơn 53% hằng năm), Trung Quốc tăng 20% (đăng cai tổ chức Thế vận hội mùa hè năm 2008), Ấn Độ 17% và Brazil 7%. Sự đầu tư này tăng theo năm do việc đăng cai các sự kiện thể thao lớn.

Ở Việt Nam, kinh tế thể thao là một khái niệm khá mới mẻ khi chưa nhiều trường đại học mở ngành đào tạo và đến nay dự thảo Chiến lược phát triển thể thao đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì soạn thảo trình Thủ tướng phê duyệt, lần đầu tiên đề cập đến kinh tế thể thao. Thực tiễn nhiều năm qua, kinh tế thể thao ở Việt Nam đã có, đã và đang làm, nhưng chưa thực sự trở thành một “ngành kinh tế” một các rõ và bài bản. Và đang là một trong những chủ đề rất được xã hội quan tâm “nóng” hiện nay.

Vậy, kinh tế thể thao là gì? “Kinh tế thể thao theo nghĩa rộng bao gồm các hoạt động kinh tế liên quan trực tiếp đến hoạt động thể dục thể thao (TDTT) như tập luyện, thi đấu..., cũng như gián tiếp phục vụ cho các hoạt động TDTT như: sản xuất, cung cấp các dịch vụ hàng hóa, dịch vụ liên quan đến TDTT (trang thiết bị, truyền thông, marketing, cá cược, chứng khoán...). Theo nghĩa hẹp, kinh tế thể thao chỉ bao gồm các hoạt động kinh tế liên quan trực tiếp đến hoạt động TDTT”.

Chỉ khi đặt vị trí của kinh tế thể thao đúng nghĩa là một bộ phận của nền kinh tế quốc dân, là một lĩnh vực kinh doanh giống như mọi ngành kinh doanh trên thị trường; cung cấp hàng hóa, dịch vụ TDTT cho nhu cầu xã hội để thu hoặc không thu lợi nhuận. Trong nền kinh tế thị trường, kinh tế thể thao hiện hữu với tư cách là một ngành công nghiệp được gọi là công nghiệp thể thao thì kinh tế thể thao phát triển mạnh mẽ và bài bản.

Tôi xin lấy một số ví dụ trong Diễn đàn Kinh tế thể thao, để minh họa cho sự phát triển kinh tế thể thao hiện ở nước ta: Đặng Hà Việt - Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT (nay là Cục TDTT) - chỉ rõ: “hoạt động TDTT không đơn thuần đem lại sức khỏe cho người tham gia tập luyện và mang lại những ý nghĩa xã hội khác, mà còn tạo ra các giá trị kinh tế, đóng góp vào tăng trưởng GDP. Hiện nay, TDTT ở nhiều quốc gia là một trong những ngành có tốc độ phát triển nhanh nhất, được ví như ngành công nghiệp thể thao”. Ông Nguyễn Nam Nhân - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Vướng mắc chung của cả nước trong việc phát triển kinh tế thể thao cũng chính là bài toán đau đầu với thể thao thành phố mang tên Bác. Kinh tế thể thao TP. HCM đang cần sự “cởi trói” về cơ chế chính sách để phát triển. Đó là những chính sách ưu tiên cho việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thể thao để tạo điều kiện tốt nhất cho các hoạt động thể thao phát triển, từ đó có thêm nguồn thu. “Thành phố cũng cần có chính sách thuế linh hoạt đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thể thao, để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh và thu hút đầu tư vào lĩnh vực này, từ đó mới kích thích kinh tế thể thao phát triển” và TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương: “nút thắt lớn nhất khiến kinh tế thể thao Việt Nam chưa thể bứt phá là do hệ thống văn bản pháp quy, cơ chế, chế độ, chính sách khuyến khích xã hội hóa chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ, nhiều quy định không còn phù hợp, chậm được bổ sung, sửa đổi, chưa tạo được hành lang pháp lý vững chắc cho việc triển khai chủ trương xã hội hóa dịch vụ công trong lĩnh vực thể thao. Các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư của xã hội cho phát triển khu vực ngoài công lập, chưa đủ mạnh để có thể huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển dịch vụ công. Một số hoạt động kinh doanh thể thao hấp dẫn, có khả năng mang lại hiệu quả kinh doanh cao (theo thực tế ở nhiều nước) còn chưa có hành lang pháp lý cho phát triển hoặc đã có nhưng khó thực hiện”.

Như chúng ta đã biết, Quảng Ninh là vùng kinh tế trọng điểm, có vị trí địa kinh tế, chính trị đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển của đất nước và được khẳng định là một trong các tỉnh có động lực phát triển kinh tế - xã hội cao trong vùng kinh tế trọng điểm của Bắc Bộ và cả nước. Quảng Ninh là “mắt xích” trong khu vực hợp tác “hai hành lang, một vành đai” kinh tế Việt - Trung; nằm trong Vịnh Bắc Bộ và giáp Trung Quốc, Quảng Ninh là cửa ngõ hướng ra biển Đông, các nước ASEAN, khu vực Đông Bắc Á, khu vực Bắc Lào. Quảng Ninh là một trong ba cực tăng trưởng trong vùng tam giác kinh tế động lực phía Bắc nước ta. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh đạt mức 2 con số với tỷ lệ ước tăng 10,28% (đứng thứ 4 trong vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 13/63 tỉnh, thành phố trong cả nước);  7 năm liên tiếp (2016 - 2022) tỉnh Quảng Ninh đạt mức tăng trưởng 2 con số, kết quả này được đánh giá là một kỳ tích trong giai đoạn đổi mới mà tỉnh Quảng Ninh đã quyết liệt thực hiện.

Hội tụ những yếu tố tự nhiên, yếu tố xã hội và định hướng phát triển kinh tế - xã hội trên, đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để TDTT đột phá phát triển và đủ cơ sở để định hướng, xây dựng kinh tế thể thao thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần bảo đảm tăng trưởng và phát triển bền vững trong giai đoạn tới.

Để thực hiện tốt Chương trình hành động của Chính phủ (Nghị quyết số 14/NQ-CP, ngày 8-2-2023); Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23-11-2022, của Bộ Chính trị và Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Với thời cơ và thách thức trên, ngành văn hóa - thể thao tỉnh cần đặt ra câu hỏi: cần làm thế nào, làm cách nào để xây dựng kinh tế thể thao thành một ngành kinh tế và trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh? Đây là lời giải khó và cần sự quyết tâm cao của ngành và cả hệ thống chính trị.

Về hiện trạng hoạt động TDTT Quảng Ninh và phát triển kinh tế thể thao của tỉnh

Trong phạm vi tham luận (không đi sâu các lĩnh vực khác), chỉ đề cập một số hiện trạng, nội dung hoạt động TDTT,... như một là trong những yếu tố cấu thành ngành kinh tế thể thao.

Về hiện trạng hoạt động TDTT

Ngành TDTT Quảng Ninh là một trong số ít các tỉnh thành trong cả nước sớm xây dựng Quy hoạch phát triển TDTT đến năm 2010 định hướng đến năm 2020 và điều chỉnh quy hoạch TDTT trong tổng thể văn hóa, thể thao và du lịch năm 2013,... đây là cách làm bài bản. Hiện nay TDTT Quảng Ninh nằm trong top 10 của cả nước và nằm trong Top đầu của các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.

- Về TDTT quần chúng: số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 36,5%, số gia đình thể thao đạt 20,5%...; số trường phổ thông tổ chức hoạt động TDTT ngoại khóa 2 lần/tuần đạt > 75%; có gần 2.000 CLB thể thao; 177/177 xã, phường, thị trấn xây dựng các điểm tập luyện TDTT... Đây là tỷ lệ đạt cao so với cả nước và là yếu tố thúc đẩy sản xuất - tiêu dùng thể thao.

- Tổ chức, đăng cai các giải thể thao, lễ hội: hằng năm, Sở phối hợp với Cục Thể dục thể thao tổ chức trung bình từ 8 - 14 giải thể thao thành tích cao và quần chúng như: bơi - lặn, bắn cung, muay, xe đạp, yoga, lân - sư - rồng, roiler sport, golf, bóng đá... Ngoài ra, mỗi năm tổ chức từ 20 - 25 giải thể thao cấp tỉnh, 350 - 400 giải thể thao cấp huyện, ngành và hàng nghìn giải thể thao cấp xã trên địa bàn toàn tỉnh; hàng chục giải thể thao các ngành, doanh nghiệp cũng như phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức các sự kiện: golf, lặn biển, nhảy dù, leo núi... Đặc biệt, Quảng Ninh đã đăng cai tổ chức thành công 2 đại hội lớn: ĐH TT toàn quốc (với khoảng 10.000 cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên, phục vụ đoàn, trọng tài tham dự và hơn 200.000 khách mời, cổ động viên, du khách đến Quảng Ninh) và 7/40 môn SEA Games 31 (đã đón 1.400 người thuộc các đoàn thể thao Đông Nam Á và hàng trăm lượt quan chức nước ngoài, chưa tính khách du lịch đến Quảng Ninh). Hằng năm, tổ chức gần 100 lễ hội (lễ hội truyền thống; lễ hội văn hóa, ngành nghề) cấp tỉnh, cấp quốc gia và một số sự kiện quốc tế gắn với hoạt động thể thao.

Qua đó cho thấy, Quảng Ninh đã và đang phát huy các thế mạnh sẵn có để đưa các sự kiện thể thao thành động lực quảng bá mạnh mẽ hình ảnh, môi trường đầu tư và con người Quảng Ninh đến bạn bè trong nước, quốc tế; tăng sản xuất - tiêu dùng thể thao, khai thác các thiết chế thể thao, kích cầu du lịch, dịch vụ và hình thành, phát triển các loại hình dịnh vụ của tỉnh (du lịch thể thao với nhiều loại hình: du lịch gofl, du lịch thể thao biển, du lịch leo núi...).

- Cơ sở hạ tầng (thiết chế TDTT) trong đầu tư công và ngoài công lập: được đầu tư rất lớn, đồng bộ, nhiều công trình đáp ứng tốt cho các hoạt động thể thao quốc tế; đầu tư ngoài công lập, nhiều công trình thể thao lớn như: Sân sân Golf Tuần Châu, FLC, sân quần vợt, bóng chuyền, sân bóng đá mi ni, cầu lông, bóng bàn, bể bơi thông minh, phòng tập gym... Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050, đối với ngành VHTT&DL có nhiều dự án đầu tư hạ tầng cơ sở và các loại hình dịch vụ. Ví dụ, sẽ khởi công 5 sân golf ngay trong 3 năm tới, mục tiêu trở thành trung tâm du lịch golf của phía Bắc và quy hoạch 22 sân golf, theo Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng phê duyệt... Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để phát triển KTTT.

- Nguồn nhân lực: khối văn hóa, thể thao cấp tỉnh: 346 người. Trong đó: thạc sĩ 7; đại học 199, cao đẳng10, trung cấp 54, chưa qua đào tạo 76; khối văn hóa, thể thao cấp huyện 206 người. Trong đó: đại học 111, cao đẳng13, trung cấp 67, chưa qua đào tạo 15. Cho thấy: nguồn nhân lực dồi dào, chủ yếu làm công tác chuyên môn, xong nguồn nhân lực chất lượng cao ít đặc biệt nguồn nhân lực về KTTT chưa có. Đây cũng là hạn chế khi triển khai phát triển KTTT.

- Số môn thể thao thể thao thành tích cao: hiện Quảng Ninh đang đào tạo 18 môn thể thao: pencaksilat, taekwondo, bóng chuyền nữ trong nhà, điền kinh, bóng rổ nữ, cầu mây, cầu lông, võ cổ truyền, wushu, đua thuyền, bóng đá, bơi lội... Ta thấy thể thao Quảng Ninh nhiều môn có thành tích tốt, một số môn đạt trình độ quốc tế, nhưng chưa có các môn chuyên nghiệp (trừ bóng đá); chưa tạo hiệu ứng tốt cho việc thúc đẩy KTTT phát triển.

Hiện trạng hoạt động kinh tế thể thao của tỉnh

- Khai thác nguồn thu từ tổ chức sự kiện thể thao: kinh phí tổ chức các sự kiện chủ yếu từ ngân sách nhà nước cấp. Tổng doanh thu tổ chức sự kiện thể thao từ 2011 - 2020 đạt 17.670 triệu đồng chiếm tỷ trọng 0,01% trên tổng doanh thu từ hoạt động kinh tế thể thao (trong đó nguồn thu chủ yếu từ bán vé tổ chức các giải bóng đá quốc gia).

- Hoạt động kinh tế truyền thông, quảng cáo, tài trợ, khai thác bản quyền về TDTT (loại hình, sản phẩm quảng cáo, tài trợ, việc khai thác thương hiệu, bản quyền trong lĩnh vực thể thao; ước tính doanh thu từ hoạt động quảng cáo, tài trợ, khai thác bản quyền về TDTT): ngoài kinh phí ngân sách nhà nước cấp để tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, hàng năm, các hoạt động TDTT được các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tài trợ bằng tiền và hiện hỗ trợ kinh phí thưởng kinh phí trang trí, khánh tiết... cho các giải mà địa phương đăng cai với tổng kinh phí khoảng 40%. Đây là lĩnh vực rất quan trọng và nguồn thu lớn trong hoạt động KTTT, nhưng Quảng Ninh không phát huy và khai thác triệt để.

- Hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thể thao: trên địa bàn tỉnh có 830 công ty, doanh nghiệp, hộ cá thể kinh doanh hoạt động TDTT (30 đơn vị sản xuất mặt hàng TDTT, 300 đơn vị kinh doanh dụng cụ TDTT và 500 đơn vị kinh doanh hoạt động dịch vụ TDTT được cấp phép hoạt động trong các các lĩnh vực: bơi, bóng đá, cầu lông, bóng bàn, cờ vua, gym, yoga, CLB billards, bóng rổ, golf, quần vợt, võ thuật cổ truyền, taekwondo, dance sport...). Doanh thu trung bình từ 400 - 500 triệu đồng/năm, trong đó thu từ phí cấp phép hoạt động: 100 triệu đồng/năm; thu từ hoạt động đào tạo, huấn luyện: 300 triệu đồng/năm; thu khác: từ 50 - 100 triệu/năm. Đóng góp cho ngân sách tỉnh trung bình hơn 100 triệu/năm.

- Khai thác nguồn thu từ các cơ sở thể thao công lập trên địa bàn: đối với cấp tỉnh: cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở này chủ yếu phục vụ cho việc tập luyện của các VĐV, do đó nguồn thu chủ yếu thu từ lệ phí của các CLB đến tập luyện tại nhà thi đấu của trường TDTT. Hàng năm trung bình thu khoảng hơn 700 triệu đồng, đóng góp cho ngân sách nhà nước gần 70 triệu đồng/năm. Đối với các cơ sở thể thao công lập cấp huyện: chủ yếu phục vụ các sự kiện thể thao cấp huyện, thu từ các cơ sở này do các CLB, đơn vị, cá nhân đến tập luyện và thi đấu chi trả, cũng chỉ đủ để chi kinh phí tiền điện, nước, vệ sinh.

- Các hoạt động kinh tế thể thao khác (đào tạo, chuyển nhượng vận động viên, huấn luyện viên chuyên nghiệp; đào tạo nhân viên, hướng dẫn viên thể thao; hoạt dộng du lịch thể thao...): các hoạt động gần như không thu hoặc thu bù chi; chỉ 2 môn bóng chuyền, bóng đá hàng năm có tiến hành chuyển nhượng vận động viên có trình độ, đẳng cấp. Kinh phí chuyển nhượng VĐV trung bình khoảng 10 tỷ đồng/năm.

- Công tác quản lý, khai thác, sử dụng các công trình thể thao: hiện nay, các công trình thể thao quản lý tốt, được khai thác và sử dụng đúng mục đích, thực hiện theo đúng quy định của Luật Quản lý và sử dụng tài sản công. Tuy nhiên, chuyển đổi mô hình, đổi mới phương thức hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực thể dục thể thao nhằm phát huy hiệu qua hoạt động, tạo nguồn thu đóng góp cho ngân sách gặp nhiều khó khăn do cơ chế chính sách không cho phép thực hiện.

- Kết quả thu ngân sách từ những hoạt động kinh tế thể thao: tổng doanh thu từ hoạt động kinh tế thể thao của tỉnh Quảng Ninh từ năm 2011 - 2020 đạt 3.425.770 triệu đồng, tỷ trọng đóng góp vào NSNN địa phương là 1%. Trong đó: Thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ, thể thao 2.887.049 triệu; Thu từ hoạt động quảng cáo, tài trợ, khai thác bản quyền về TDTT 324.900 triệu; Thu từ hoạt động kinh tế truyền thông trong lĩnh vực thể thao 530 triệu đồng; thu từ tổ chức sự kiện thể thao 17.670 triệu; thu của các cơ sở thể thao 783 triệu đồng; thu từ đào tạo, chuyển nhượng vận động viên 204.838 triệu. Nguồn kinh phí trong và ngoài ngân sách cho lĩnh vực thể dục thể thao nhìn chung được tăng dần qua các năm.

Một số gợi ý đối với sự phát triển KTTT của tỉnh

Qua phân tích trên, Quảng Ninh có đầy đủ tiềm năng và lợi thể hơn rất nhiều tỉnh thành trong cả nước để phát triển kinh tế thể thao và có thể xây dựng KTTT thành một ngành kinh tế và trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Để xây dựng KTTT trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Xin được có một số gợi ý sau:

Thứ nhất: cần tháo gỡ, xây dựng cơ chế chính sách đặc thù và đề xuất với cấp có thẩm quyền thí điểm đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) để tạo được hành lang pháp lý vững chắc cho việc triển khai chủ trương xây dựng ngành KTTT, huy động tối đa các nguồn lực xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước kinh doanh, đầu tư và khai thác tối đa các thiết chế thể thao. Ví dụ như: các chính sách khuyến khích xã hội hóa, liên doanh liên kết, đầu tư phát triển khu vực dịch vụ công và ngoài công lập, chính sách ưu tiên cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thể thao, chính sách thuế,..

Thứ hai: ngành văn hóa, thể thao chủ trì, phối hợp với các ngành trong tỉnh xây dựng ngay Đề án “Xây dựng và phát triển kinh tế thể thao trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững”.

Thứ ba: trên cơ sở các môn thể thao thế mạnh hiện có của tỉnh, cần sớm quy hoạch các cơ sở hạ tầng cho một số môn thể thao và phát triển: các sân golf, đua mô tô, xe máy địa hình, các môn thể thao mạo hiểm, thể thao biển (dù lượn, lặn biển, leo núi, xe đạp địa hình), thể thao điện tử (e-sport), kickboxing, muay Thái, thuyền buồm... - những môn gắn với phát triển du lịch và KTTT. Đồng thời thí điểm xổ số thể thao, cá cược thể thao, thành lập Trung tâm Du lịch - Thể thao tầm quốc gia, hướng đến tầm quốc tế.

Thứ tư: cần sớm đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực KTTT: quản lý, quản trị và vận hành.../.

30 December 2023
30 December 2023
CÁC BÀI HỘI THẢO