21/11/2024 | 16:40 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Nguồn lực đất đai và ưu điểm địa kinh tế: Yếu tố quan trọng tạo động lực phát triển Quảng Ninh

GS, TSKH. Ðặng Hùng Võ
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
Nguồn lực đất đai và ưu điểm địa kinh tế: Yếu tố quan trọng tạo động lực phát triển Quảng Ninh

Những nhận xét mở đầu từ kinh nghiệm quốc tế và trong nước

Trong giai đoạn vừa qua, rất nhiều vùng kinh tế và quốc gia đã trở thành các vùng công nghiệp mới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông, Đài Loan... Trung Quốc là nước đông dân nhất thế giới đã trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới (sau Mỹ). Tất nhiên, mỗi quốc gia hay vùng kinh tế, tùy theo hoàn cảnh địa lý riêng của mình mà lựa chọn cách phát triển phù hợp. Ví dụ như Trung Quốc dựa vào số lượng dân đông đúc đã lựa chọn cách phát triển dựa trên một thị trường lớn để thu hút đầu tư và thương mại từ nước ngoài. Singapore lại dựa vào ưu điểm địa lý là điểm trung chuyển trên tuyến giao thông Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương. Hàn Quốc và Nhật Bản là những vùng đất nghèo tài nguyên thiên nhiên đã lựa chọn cách phát triển dựa trên xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao và công nghệ cao gắn với nguồn lực đầu tư từ giá trị đất đai, trong đó chủ yếu là giá trị gia tăng của đất do quá trình đầu tư công nghiệp hóa, đô thị hóa tạo ra.

Việt Nam là một quốc gia có xuất phát điểm của quá trình công nghiệp hóa tương tự như Nhật Bản sau Đại chiến thế giới 2 (1945 - 1955) và như Hàn Quốc sau chiến tranh Nam - Bắc (1953 - 1960). Đặc điểm riêng của Việt Nam còn là quốc gia có nền kinh tế chuyển đổi từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường (từ năm 1991). Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm phát triển của Nhật Bản và Hàn Quốc về xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển công nghệ cao để tạo động lực phát triển, tạo dựng nguồn vốn đầu tư từ vốn hóa đất đai, đặc biệt là vốn hóa theo hình thức thu giá trị gia tăng của đất do quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa tạo ra. Bên cạnh đó, phần bờ biển Nam Bộ của Việt Nam cũng có một số lợi thế địa lý trên tuyến hàng hải Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, có thể tạo dựng tuyến giao thông thứ hai sang Ấn Độ Dương (tuyến thứ nhất là qua Singapore). Cuộc cạnh tranh để trở thành nút (Hub) giao thông quốc tế hoàn toàn phụ thuộc vào điểm trung chuyển có tạo được lợi thế cho giao thông hay không.

Bài viết này tập trung chính vào cách phát triển hợp lý cho Quảng Ninh nên gần như không liên quan gì đến tuyến giao thông quốc tế liên đại dương nói trên. Nội dung này sẽ không được đề cập tiếp theo, mà chỉ nói đến tuyến giao thông giữa Việt Nam và Trung Quốc. Vì vậy, nội dung tiếp theo của bài viết là phân tích vị trí địa - kinh tế của Quảng Ninh và cách thức vốn hóa đất đai để tạo nguồn đầu tư từ vốn tiềm ẩn trong đất để phát triển Quảng Ninh.

Kinh nghiệm từ các nền kinh tế có thị trường không lớn đã thành công trong phát triển là dựa vào từ thu giá trị gia tăng của đất do đầu tư mang lại để sử dụng ngay vào đầu tư tiếp tục phát triển, trong đó cần cân nhắc thật kỹ càng để lựa chọn các dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) chỉ khi các dự án FDI này mang lại lợi ích từ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và chuyển giao công nghệ cao, còn lại các dự án khác đều phải đầu tư bằng nguồn vốn trong nước. Mà nguồn vốn trong nước lại chủ yếu từ vốn hóa đất đai, không phải từ ngân sách đầu tư công hay vốn vay hợp tác phát triển chính thức (ODA). Có như vậy, nền kinh tế quốc gia mới đứng được trên đôi chân của chính mình, và lợi dụng được các dự án FDI đóng góp vào phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và công nghệ cao.

Một trong những mô hình công nghiệp hóa - đô thị hóa hợp lý, có hiệu quả mà thế giới đã đặt ra là sự phát triển phải tạo ra các chuỗi giá trị dưới dạng một hệ sinh thái cộng sinh bao gồm cả kinh tế nông nghiệp, kinh tế công nghiệp và kinh tế dịch vụ trong dạng thức kinh tế tuần hoàn, tức là chất thải của công đoạn kinh tế này sẽ là đầu vào của công đoạn kinh tế khác để sao cho chất thải ra môi trường là ít nhất và chi phí logistic là thấp nhất. Hiện hành, Nghị định số 35/2022/NĐ-CP, ngày 28-5-2022, quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế của Chính phủ đã có ưu đãi khá lớn cho mô hình phát triển các khu liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ. Đây là các quy định rất kịp thời, dựa trên tiếp thu kinh nghiệm quốc tế về phát triển các hệ sinh thái cộng sinh dạng kinh tế tuần hoàn cho chuỗi giá trị kinh tế - đô thị hỗn hợp.

Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia, trong đó có 2 hiệp định kiểu mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA), đang hình thành các khu thương mại tự do ven biển cũng là điều đáng lưu tâm cho Quảng Ninh để tạo cơ sở tham gia vào các FTA. Khi ta đã ký kết các FTA có nghĩa là ta đã mở thị trường với các ưu đãi thuế quan cho các quốc gia khác, nếu ta không lợi dụng được các thị trường có ưu đãi của các đối tác khác, nước ta sẽ bị thiệt hại.

Vấn đề còn lại ở Quảng Ninh là lựa chọn dạng kinh tế nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ nào kết hợp với các cấu trúc khu dân cư đô thị, nông thôn sao cho tạo được mạch vòng kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, Quảng Ninh cần cân nhắc xem hàng hóa nào của Quảng Ninh có thể tham gia vào xuất khẩu cho các đối tác trong các FTA mà Việt Nam đã ký kết.

Về tạo nguồn vốn đầu tư trong nước từ vốn hóa đất đai có lấy ví dụ từ vốn hóa đất đai tại Đà Nẵng để xây dựng lại thành phố này mà không cần dùng đồng vốn ngân sách hay vốn vay nào, chỉ lấy vốn thu từ đất để đầu tư phát triển, khi thành phố phát triển lại làm cho giá trị đất đai tăng lên cao hơn. Thành phố Đà Nẵng đã làm 2 việc: một là, chuyển trung tâm thành phố ra địa điểm mới - bãi biển Mỹ Khê mà trước đó là đất quốc phòng và các làng chài nghèo ven biển; hai là, xây dựng lại thành phố cũ với những đường phố rộng lớn hơn. Cả 2 việc này đều làm cho giá trị đất đai tăng lên rất cao. Chính quyền thành phố thu hồi đất đang sử dụng, tái định cư dân sang chỗ khác để thành phố thu lại toàn bộ giá trị đất đai đã tăng cao. Đây là điểm chưa được vì lợi ích từ giá trị gia tăng của đất đai phải được chia sẻ giữa nhà nước, nhà đầu tư dự án và những người đang sử dụng đất. Điều cần làm là phải giải quyết tái định cư tại chỗ hoặc người dân đang sinh sống được hưởng lợi ích từ một bất động sản kinh doanh, dịch vụ nào đó. Đây là nội dung về sửa đổi pháp luật đất đai, cũng không đề cập sâu hơn trong bài viết này.

Nội dung chính của bài viết là phân tích địa - kinh tế của Quảng Ninh và đề xuất những lựa chọn phù hợp cho phát triển và khả năng tạo, rồi thu giá trị gia tăng của đất đai được tạo ra trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa tại Quảng Ninh.

Đặc điểm địa kinh tế của Quảng Ninh

Từ thời Pháp thuộc, Quảng Ninh đã thể hiện là một tỉnh có tiềm năng về khai thác khoáng sản, cụ thể là trữ lượng than đá khá lớn và chất lượng cao. Bên cạnh đó, Quảng Ninh chứa đựng tiềm năng du lịch rất lớn từ vùng biển với Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long có tiếng trên thế giới. Vùng núi Yên Tử là vùng du lịch tâm linh có tiềm năng lớn khi có thể quảng bá dòng Thiền tông Trúc Lâm Yên Tử mang sắc thái đặc thù Phật giáo Việt Nam.

Thời gian gần đây, điện ảnh Mỹ đã quan tâm tới Vịnh Hạ Long như một phim trường có tiềm năng với việc đặt vấn đề quay một phim trong loạt phim điệp viên 007 (nhưng không thành) và việc đã thực hiện một phần quay phim Kong - Skull Island. Điều này có nghĩa là một đảo phù hợp nào đó ở Quảng Ninh có thể hợp tác với Hollywood của Mỹ để xây dựng cơ sở trở thành một phim trường quốc tế.

Ngày nay, có thể chia Quảng Ninh thành 4 phần với đặc điểm địa lý khá riêng biệt:

1. Vùng công nghiệp bao gồm toàn bộ vùng Tây Nam, khu vực bằng phẳng và khu vực khai thác các mỏ than;

2. Vùng núi bao gồm vùng giáp các tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn và giáp Trung Quốc, đây là vùng có thể phát triển du lịch tâm linh, du lịch sinh thái miền núi và vùng có thể phát triển kinh tế cửa khẩu;

3. Vùng ven biển chạy suốt từ cửa sông Đá Bạch - sông Cấm dọc ven bờ biển cho tới Móng Cái, có lợi thế phát triển chuỗi đô thị biển, kinh tế biển;

4. Vùng biển đảo trên Vịnh Bắc Bộ, bao gồm các đảo ven biển có thể phát triển các dạng kinh tế biển như nông nghiệp biển, công nghiệp năng lượng tái tạo biển, du lịch vui chơi giải trí biển, giao thông hàng hải.

Nhìn rộng hơn về quan hệ kinh tế quốc tế, Quảng Ninh có lợi thế thuộc Vịnh Bắc Bộ, ranh giới biển đã được hoạch định, không có rủi ro tranh chấp. Việc sử dụng, khai thác biển, đảo hoàn toàn chủ động. Quảng Ninh có thể xây dựng các tuyến hàng hải với các khu vực có mật độ kinh tế cao của Trung Quốc như Hải Nam (toàn bộ đảo là khu thương mại tự do của Trung Quốc), Quảng Châu, Thâm Quyến, Ma Cao, Hồng Kông. Các khu du lịch biển của Việt Nam cũng đón lượng khách du lịch lớn từ Trung Quốc và cả các khách du lịch từ châu Âu, châu Mỹ thông qua đường bay tới Sân bay quốc tế Vân Đồn.

Phát triển các khu công nghiệp, đô thị và khả năng thu giá trị gia tăng của đất

Một trong những điều chúng ta cần quan tâm là khả năng tạo giá trị gia tăng của đất tại những vị trí được phát triển thành các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu du lịch, khu đô thị và khả năng thu hút đầu tư từ các nơi khác đến. Nguồn lực đầu tư làm cho giá trị đất đai tăng thêm trước hết là các khu du lịch, khu đô thị ở Quảng Ninh có thu hút được sự quan tâm đầu tư của các nhà đầu tư từ nơi khác đến không.

Cho đến nay, Quảng Ninh mới thu hút được đầu tư hạ tầng từ Sun Group vào con đường ven biển từ Hải Phòng tới Hạ Long, rồi từ Hạ Long tới Vân Đồn và từ Vân Đồn tới Móng Cái. Sun Group, Vingroup và một số nhà đầu tư khác tiếp tục đầu tư các bất động sản du lịch và nhà ở tại thành phố Hạ Long và Vân Đồn. Giá đất tại Hạ Long có tăng cao hơn nhưng chưa tạo được sức hút đầu tư mạnh mẽ hơn từ các nhà đầu tư thứ cấp. Điều này cho thấy tiềm năng là có, sức hút cũng đã có, nhưng chưa thực sự mạnh, nhất là từ sau đại dịch COVID-19 và tình trạng thị trường bất động sản đang rơi vào tình trạng khó khăn. Điều này cho thấy nguyên nhân của sức hút đầu tư tới Quảng Ninh chưa cao là do tình trạng yếu kém của thị trường bất động sản hiện nay. Khi thị trường bất động sản được phục hồi, chắc chắn sức hút đầu tư tới Hạ Long, Vân Đồn và Móng Cái cũng sẽ được phục hồi.

Cho tương lai gần, Quảng Ninh cần tính tới một quy hoạch đô thị hóa ở phạm vi tổng thể hơn và tính tới khả năng thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài. Rất tiếc là hiện nay các nhà đầu tư bất động sản ở Trung Quốc cũng đang rơi vào khủng hoảng, kinh tế thế giới cũng đang ở trạng thái bấp bênh vì xung đột vũ trang ở nhiều nơi.

Việc cần làm lúc này là Quảng Ninh phải xem xét quy hoạch hệ thống các khu đô thị, khu du lịch, khu công nghiệp, khu dịch vụ ngoài con đường hạ tầng ven biển đã hình thành. Các khu vực cần ưu tiên xem xét là các đảo lớn ngoài khơi xa có khả năng tạo thành các khu du lịch ở nhiều cấp hạng khác nhau gắn với các loại hình kinh tế biển. Tiếp theo là xem xét chuỗi đô thị dọc biên giới với Trung Quốc gắn với các khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái - Đông Hưng. Tiếp theo nữa là các đô thị miền núi gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm vùng núi. Cuối cùng là các đô thị gắn với các khu công nghiệp khai thác than.

Khi hình thành các khu công nghiệp, khu dịch vụ, khu đô thị, cần phải tính toán ngay biện pháp xử lý việc hình thành các cơ chế thu giá trị gia tăng của đất như thế nào trong quá trình phát triển đô thị. Ở nhiều nước, người ta sử dụng cơ chế thu thuế, phí gắn với định giá đất để xác định giá trị bất động sản tăng thêm. Cách này không phù hợp với Việt Nam vì có tính được giá trị bất động sản tăng thêm nhưng người có bất động sản cũng không có thu nhập để nộp. Ngay thu bằng thuế thu nhập khi chuyển nhượng bất động sản cũng sẽ khó khăn, vì người dân vẫn không tự nguyện ghi giá chuyển nhượng thực lên hợp đồng. Việc thu giá trị gia tăng của đất ở Việt Nam chỉ có thể giải quyết bằng cơ chế định giá đất trong quá trình đô thị hóa gắn với chia sẻ lợi ích từ giá trị gia tăng của đất.

Một vài kết luận

Đặt vấn đề tư duy đột phá phát triển Quảng Ninh lúc này cũng có những khó khăn nhất định, vì thị trường bất động sản đang gặp nhiều ách tắc do pháp luật gây ra và kinh tế thế giới đang gặp những trở ngại lớn. Các quốc gia và nền kinh tế đã đạt được những bước phát triển mạnh vào top 10 đến 20 trên thế giới đã ra bước đi khá rõ ràng. Đối với các nước dân số lớn, sức mạnh của thị trường lớn đã giúp họ vượt lên; đối với các nước dân số nhỏ, họ phải dựa vào các đặc điểm địa kinh tế của mình mà tìm ra điểm mạnh, nhưng đều phải dựa vào nguồn vốn từ đất để đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và công nghệ cao nhằm tạo ra hàng hóa đặc biệt của mình làm ra sức mạnh trên thị trường. Việt Nam nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng cũng không thể nằm ngoài quy luật phát triển này./.

29 December 2023
29 December 2023
CÁC BÀI HỘI THẢO