Phát huy nguồn lực di sản văn hóa trong phát triển bền vững tỉnh Quảng Ninh
Nguyễn Mạnh HàGiám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Ninh
Tổng quan
Quảng Ninh nằm ở vùng Đông Bắc của Tổ quốc, nơi có vị trí đặc biệt quan trọng, nơi sở hữu hệ thống di sản văn hóa đa dạng, phong phú, nơi bảo lưu với giá trị nổi bật toàn cầu của di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long; nơi đức vua Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông tu hành và hóa phật, nơi phát tích của thiền phái Trúc Lâm, với 637 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trong đó có 6 khu di tích quốc gia đặc biệt, 59 di tích xếp hạng cấp quốcgia, 97 di tích xếp hạng cấp tỉnh; 362 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê, có 7 di sản văn hóa phi vật thể nằm trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, sở hữu 13 bảo vật quốc. Con người Quảng Ninh cũng sở hữu nhiều bản tính tốt đẹp tạo nên sức hấp dẫn với bạn bè, du khách trong và ngoài nước. Sở hữu những nguồn vốn quý giá như vậy, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn đẩy mạnh xã hội hóa, vận động sự ủng hộ của các tổ chức cá nhân, huy động mọi nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, đồng thời thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi nhanh phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bám sát định hướng tại Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg, ngày 11-2-2023.
Phát huy nguồn lực di sản văn hóa trong phát triển bền vững tỉnh Quảng Ninh
Xác định mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp; là trung tâm du lịch chất lượng cao của khu vực, một trong những cực tăng trưởng kinh tế của miền Bắc với hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, giảm nghèo bền vững; gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa, sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; bảo tồn và phát huy bền vững các giá trị của Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và các khu danh thắng, di tích lịch sử. Để di sản văn hóa nói riêng thực sự là nguồn tài nguyên, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết hài hòa yêu cầu bảo tồn, gìn giữ di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống văn hóa, tỉnh thần, hưởng thụ văn hóa của nhân dân, thích ứng với xu thế phát triển của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Công tác quản lý di sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những kết quả tích cực trên tất cả các mặt: quản lý di sản văn hóa phi vật thể, quản lý di sản văn hóa vật thể. Hệ thống di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh được bảo tồn và phát huy giá trị, một số công trình xuống cấp được tiến hành bảo quản, đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu sử dụng, phù hợp với quy hoạch chung của địa phương, phù hợp với định hướng của tỉnh về phát triển du lịch, dịch vụ. Các di sản văn hóa phi vật thể tiếp tục được nghiên cứu, bảo tồn, trong đó tôn vinh vai trò, công lao của các nghệ nhân nắm giữ di sản, phát huy giá trị tốt đẹp của di sản trong đời sống đương đại.
Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung triển khai các nội dung công việc để phát huy giá trị di tích, di sản, cụ thể:
(1) Phát huy giá trị di sản văn hóa thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học và lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích các cấp, di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia để vừa khẳng định giá trị quý báu của các di sản, làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, đồng thời cũng là cơ sở để triển khai quảng bá, phát huy giá trị, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, khẳng định thương hiệu của tỉnh Quảng Ninh.; nghiên cứu để thực hiện các đề án về di sản. Quan tâm đến đội ngũ nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa:
Định kỳ 5 năm 1 lần, tỉnh Quảng Ninh tiến hành rà soát các di tích không đủ tiêu chí xếp hạng để đưa ra ngoài Danh mục di tích, đồng thời bổ sung đối với những di tích có đủ tiêu chí để đưa vào Danh mục. Trong 5 năm (2018 - 2022), đã chỉ đạo tổ chức nghiên cứu lập hồ sơ khoa học và đã được xếp hạng 25 di tích, trong đó: Thủ tướng Chính xếp hạng 2 di tích quốc gia gia đặc biệt: Di tích lịch sử đền Cửa Ông - Cặp Tiên (thành phố Cẩm Phả và huyện Vân Đồn), Di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô, huyện Cô Tô; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng 7 di tích cấp quốc gia; Chủ tịch UBND tỉnh xếp hạng 16 di tích cấp tỉnh. Năm 2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng 1 di tích cấp quốc gia; Chủ tịch UBND tỉnh xếp hạng 10 di tích cấp tỉnh. Hiện nay, tỉnh phối hợp với tỉnh Hải Dương và Bắc Giang triển khai lập hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương) đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Hồ sơ khoa học di tích lịch sử Thương cảng Vân Đồn (huyện Vân Đồn) và hồ sơ di tích đình Trà Cổ (thành phố Móng Cái) đang được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt.
Công tác rà soát, củng cố, xây dựng hồ sơ bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đã được tỉnh đặc biệt quan tâm thực hiện. Giai đoạn 2018 - 2022, có 3 di sản phi vật thể là lễ hội đình Trà Cổ - Móng Cái, lễ hội đình Quan Lạn - Vân Đồn, lễ hội Bạch Đằng - Quảng Yên được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; có Di sản then của người Tày là một trong số 11 tỉnh có then Tày, Nùng, Thái Việt Nam được UNESCO ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đã tổng kiểm kê, phân loại được toàn bộ 362 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó: loại hình tiếng nói, chữ viết là 7 di sản; loại hình ngữ văn dân gian là 14 di sản; loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian là 25 di sản; loại hình tập quán xã hội là 165 di sản; loại hình lễ hội truyền thống là 75 di sản; loại hình nghề thủ công truyền thống là 26 di sản; loại hình tri thức dân gian là 50 di sản. Đồng thời lập hồ sơ xếp loại; đến nay, tỉnh Quảng Ninh có 7 di sản văn hóa phi vật thể nằm trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Công tác tôn vinh công lao của các nghệ nhân đóng góp trong việc bảo tồn, truyền dạy, phát huy di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh được quan tâm, khích lệ. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh Quảng Ninh có 2 nghệ nhân nhân dân và 36 nghệ nhân ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Đề án “Quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Các lễ hội văn hóa, lịch sử truyền thống được các địa phương huy động các nguồn lực tổ chức hiệu quả, một số lễ hội mới được xây dựng thành sản phẩm văn hóa thường niên như Lễ hội khai xuân Yên Tử, Carnaval, Lễ hội hoa anh đào - mai vàng Yên Tử, lễ hội hoa sở, lễ hội trà hoa vàng,... vừa bảo tồn được di sản văn hóa, vừa tạo thành sản phẩm văn hóa riêng có. Nhiều lễ hội đã được phục dựng thành công, bài bản, đúng bản sắc truyền thống của dân tộc (Lễ hội văn hóa thể thao dân tộc Dao, Tày, Sán Chỉ, Sán Dìu... Các lễ hội truyền thống diễn ra trên địa bàn tỉnh đều thực hiện theo đúng quy định hiện hành, phù hợp với phong tục tập quán của người dân địa phương; bảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh trật tự và bảo đảm công tác vệ sinh môi trường... Các lễ hội trên địa bàn tỉnh đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ của người dân tại địa phương và du khách đến tham quan chiêm bái.
(2) phát huy giá trị di sản thông qua cáC hoạt động đầu tư, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa: trong 5 năm qua (2018 - 2022), 70% số di tích được xếp hạng các cấp đã được tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp với tổng kinh phí trên 1.884 tỷ đồng từ nguồn lực nhà nước (hơn 194 tỷ đồng) và nguồn xã hội hóa (hơn 1.694 tỷ)[1]. Triển khai 3 quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, gồm: Đề án mở rộng và phát triển Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng, Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều; huy động nguồn lực triển khai các quy hoạch, dự án, báo cáo kinh tế kỹ thuật, báo cáo tu sửa cấp thiết bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích[2]. Đặc biệt, các di sản, di tích đã trở thành những điểm du lịch trong hệ thống tuyến, điểm du lịch của nhiều địa phương[3]. Chính vì vậy, tỉnh Quảng Ninh đã giữ được những di tích kiến trúc nghệ thuật rất quan trọng như đình Trà Cổ, đình Phong Cốc, đình Quan Lạn và cũng đã có nhiều di sản trở thành địa chỉ văn hóa để nhân dân, du khách hằng năm đến tham quan, chiêm bái như khu di tích và danh thắng Yên Tử. Đền Cửa Ông, chùa Ba Vàng, Khu di tích nhà Trần. Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Bạch Đằng đã được đưa vào nghị quyết của Hội đồng nhân dân để triển khai thực hiện. Các cấp, các ngành liên quan đang nỗ lực tham mưu để thực hiện nội dung này.
(3) Phát huy giá trị di sản thông qua các hoạt động, quảng bá, xúc tiến du lịch văn hóa: hiện khoảng 120 di tích, di sản của Quảng Ninh đã nằm trong các tour, tuyến du lịch cố định của Quảng Ninh, trong đó có những di tích được các đơn vị lữ hành lựa chọn để thiết kế nhiều sản phẩm riêng, trọn gói để đưa vào khai thác. Hằng năm, các di tích văn hóa ở Quảng Ninh thu hút khoảng 4 - 5 triệu lượt khách du lịch, danh lam thắng cảnh thu hút 7 - 8 triệu lượt, 9 tháng đầu năm 2023, số lượt người đến với di tích, lễ hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt mốc 8,5 triệu lượt người, đóng góp tích cực cho ngành du lịch của tỉnh;
Về cơ bản, hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được thông qua Trung tâm xúc tiến du lịch Quảng Ninh; Trung tâm truyền thông tỉnh, các trung tâm truyền thông của các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan báo chí, truyền thông. Các hoạt động quảng bá, xúc tiến đã được các cơn quan, đơn vị thực hiện bằng nhiều cách thức, cụ thể: tổ chức thực hiện tuyên truyền, quảng bá điểm đến Hạ Long, QuảngNinh trên website: halongtourism.com.vn và trang fanpage; hợp tác với doanh nghiệp xây dựng video quảng bá du lịch Hạ Long - Quảng Ninh, triển khai giới thiệu trên các chuyến bay của Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines); phối hợp với VTV, và thực hiện một số chương trình quay quảng bá về du lịch tại Quảng Ninh; tham gia các lễ hội, sự kiện của tỉnh và quốc gia như: Ngày hội du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, chương trình “khám phá Hạ Long”; Carnaval Hạ Long, Carnaval mùa đông; lễ hội Yên Tử (Uông Bí); lễ hội hoa sở (Bình Liêu); lễ hội trà hoa vàng (Ba Chẽ), lễ hội Tiên Công (Quảng Yên), Tuần văn hóa, thể thao các dân tộc tỉnh Quảng Ninh (Tiên Yên); tổ chức các hội nghị, chương trình nghệ thuật, xúc tiến du lịch nhằm thúc đẩy liên kết xúc tiến tại nước ngoài như ở Vương quốc Anh; hội chợ Hanatour 2019 ở Hàn Quốc; Nhật Bản; Trung Quốc; tham gia đối tác Chương trình Clipper Race là cuộc đua thuyền buồm dài nhất thế giới có truyền thống 20 năm mùa giải 2019... Nhìn chung, trong giai đoạn này, công tác xúc tiến đã được tỉnh đặc biệt quan tâm, đầu tư để đạt hiệu quả cao trong quá trình triển khai với nhiều kết quả khả quan. Du lịch Quảng Ninh đã được định vị khá chắc chắn trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.
Kết quả: theo phương thức phát triển chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, tập trung vào dịch vụ, du lịch đã tạo công ăn việc làm, tạo doanh thu cho người dân, đóng góp tăng trưởng GRDP của tỉnh Quảng Ninh: Giai đoạn 2011 - 2019, lao động ngành du lịch Quảng Ninh tăng trưởng cao. Tính từ thời điển năm 2011 ngành du lịch Quảng Ninh có 62.500 lao động, trong đó, có 25.000 lao động trực tiếp. Đến năm 2019, ngành du lịch Quảng Ninh đã có 150.000 lao động, trong đó có 60.000 lao động trực tiếp, tốc độ tăng trưởng bình quân về lao động du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2011 - 2020 đạt 11,6%; số ngày khách lưu trú từ hơn 1 ngày năm 2011 đến gần 3 ngày trong năm 2021; chi tiêu bình quân của khách năm 2011 từ 1, 897 triệu đồng/khách quốc tế đến năm 2020 đã tăng lên là 2,874triệu đồng/khách; giai đoạn 2011 - 2019, tăng trưởng GRDP du lịch của Quảng Ninh ở mức cao. Năm 2011, GRDP du lịch ước đạt chỉ khoảng 5.725 tỷ đồng, đến năm 2019 đạt khoảng 20.642 tỷ đồng, gấp 3,6 lần, so với năm 2011.
Di sản văn hóa là nguồn lực để phát triển bền vững của các quốc gia, một dân tộc. Công tác bảo tồn một di sản không giống như xây một ngôi nhà, làm một con đường, mà bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản là một công việc phức tạp, đòi hỏi đa ngành, đa lĩnh vực và chuyên môn sâu và chịu sự chi phối của rất nhiều các quy định liên quan của pháp luật; công việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cũng không phải là của riêng ngành văn hóa mà của cả cộng đồng dân cư có di sản, muốn sản phẩm tốt thì cộng đồng và các cấp chính quyền phải bảo tồn tốt, bảo tồn những cái thật sự là văn hóa truyền thống của người dân, mang đậm bản sắc vùng miền, tộc người. Tỉnh Quảng Ninh thời gian qua đã phát huy nguồn lực di sản văn hóa để góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội địa phương. Thời gian tới, với sự góp sức của các cấp, các ngành và của nhân dân, nguồn lực di sản sẽ được nghiên cứu, khai thác và sử dụng hiệu quả hơn nữa, đóng góp vào sự phát triển bền vững của Quảng Ninh nói riêng và của đất nước./.
[1](1) Thành phố Móng Cái: chùa Nam Thọ trên 12 tỷ đồng; chùa Xuân Lan trên 25 tỷ đồng. (2) Thị xã Đông Triều: chùa Nhuệ Hổ trên 46 tỷ đồng; chùa Hoàng Xá trên 9 tỷ đồng; cụm di tích đình, chùa Quế Lạt trên 18 tỷ đồng; chùa Kim Sen gần 20 tỷ. (3) Thị xã Quảng Yên: chùa Giữa Đồng 131 tỷ; chùa Rui trên 35 tỷ; chùa Quỳnh Biểu trên 5 tỷ. (4) Huyện Hoành Bồ (cũ): chùa Trới trên 27 tỷ. (5) Thành phố Hạ Long: đình, chùa Tiêu Dao gần 60 tỷ đồng...
[2](2) Cụ thể: (i1) Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều được triển khai một số dự án lớn như chùa Hồ Thiên 64 tỷ, chùa Trung Tiết 79,2 tỷ, chùa Quỳnh Lâm 79 tỷ đồng; các dự án đã thi công: dự án tu bổ di tích Thái Miếu; dự án tu bổ chùa Quỳnh Lâm, chùa Trung Tiết đã khánh thành công trình; hàng loạt dự án đang trong quá trình triển khai công tác chuẩn bị đầu tư: di tích Ngải Sơn Lăng, Phụ Sơn Lăng, lăng Tư Phúc, chùa - quán Ngọc Thanh và Hy Lăng, chùa Ngọa Vân, am Mộc Cảo... Dự án tuyến cáp treo và khu di tích chùa Ngọa Vân - chùa Hồ Thiên với số kinh phí 885,809 tỷ đồng cũng được triển khai. (i2) Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử tiếp tục triển khai dự án đầu tư khu trung tâm lễ hội và dịch vụ bến xe Giải Oan giai đoạn 2 hạng mục Tuệ Tĩnh đường, thực hiện hoàn thành Dự án nâng công suất cáp treo giai đoạn 2 với kinh phí là 560 tỷ đồng; thực hiện cải tạo, chỉnh trang khu vực tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông và địa điểm di tích An Kỳ Sinh với kinh phí là 5,070 tỷ đồng và chuẩn bị thực hiện các dự án thành phần của Đề án mở rộng và phát triển Khu di tích và danh thắng Yên Tử. (i3) Khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng đã triển khai thi công các hạng mục thuộc dự án: Bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng, giai đoạn 1.
[3](3) Như: di tích lịch sử nhà Trần (thị xã Đông Triều), khu di tích - danh thắng Yên Tử, chùa Ba Vàng (thành phố Uông Bí), khu di tích Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên), chùa Lôi Âm và chùa Long Tiên (thành phố Hạ Long), đền Cửa Ông (thành phố Cẩm Phả), chùa Cái Bầu (huyện Vân Đồn)...