Vững vàng những “điểm tựa” bản làng Bài cuối: Từ quê cũ đến bản mới - “cuộc cách mạng vì dân”



Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, 2 lần ông Tân nhắc đến cụm từ “cuộc cánh mạng”. Cụm từ thân thuộc đến nỗi mỗi khi ông nhắc đến, chúng tôi như cảm giác được bầu nhiệt huyết trong lồng lực bé nhỏ của ông.
Lần thứ nhất, khi đứng trước ngôi nhà sàn khiêm tốn của gia đình ông ở cuối bản Bình Yên, chúng tôi hỏi vui: “đã kinh qua các chức vụ phó chủ tịch, bí thư đảng ủy, chủ tịch hội đồng nhân dân xã mà ngôi nhà khiêm tốn, chưa đầy 50m2”.
Ông Tân ngước nhìn ngôi nhà lợp ngói và fibro xi măng, bảo: “làm cách mạng thì phải kiên trì chứ”. Lần thứ hai, khi nhớ lại những ngày đầu gian khó, vận động, truyên truyền, giải thích để cùng tập thể cán bộ “đưa” được cả xã rời quê hương, bản quán về khu tái định cư cách xa hơn 200 cây số, ông bảo: “đó là một cuộc cách mạng”.
Quê cũ của ông là bản Cành Sọt, xã Hữu Dương, huyện Tương Dương. Quê mới của ông ở bản Bình Yên, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương. Cả 2 quê đều là rừng núi vùng biên, chỉ cách biên giới Việt Nam - Lào vài cây số đường chim bay.
Năm 2009, xã Hữu Dương nằm trên thượng nguồn sông Nậm Nơn, miền Tây Nghệ An có 6 bản thì cả 6 bản nhường chỗ cho lòng hồ Thuỷ điện Bản Vẽ (dung tích hồ chứa trên 1,8 tỷ mét khối nước). Khi đó, là phó chủ tịch ủy ban nhân dân xã nên ông Tân tình nguyện di dời trước.
Gia đình ông dời nhà trong cảnh hàng trăm gia đình không muốn rời quê cũ. Người trẻ khóc, cụ già cũng khóc bởi mỗi lối mòn, ngọn núi, dòng suối, mái nhà sàn của người Thái là quê cha, đất tổ của họ. Bây giờ di dời biết nơi ở mới như thế nào, bao công việc gây dựng lại đang chờ phía trước…
Ông Tân nhớ lại: “biết là rất khó. Khó đến mức xã đã ba lần, bảy lượt lập đoàn công tác đi từng nhà, đến từng bản giải thích đủ điều, phân tích trước sau và khuyên bà con cứ tin tưởng vào Đảng, Nhà nước. Đến nơi ở mới sẽ bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Nơi ở cũ, dân bản chỉ biết tỉa lúa trên rẫy dốc để có cơm xôi, bắt con cá dưới khe, bẫy con thú trong rừng. Nơi ở mới, sẽ khai hoang làm ruộng nước để có cơm tẻ; có đất rừng trồng keo, đất vườn trồng cây ăn quả; có chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà để tăng thêm thu nhập kinh tế gia đình”.
Chúng tôi gợi lại một số chính kiến về sự khó khăn sau tái định cư hồi đó, ông Tân lộ vẻ suy tư: “phải mất 1 năm tròn, xã chúng tôi mới từng bước ổn định lập nghiệp nơi vùng đất mới. Riêng những rắc rối sau tái định cư là do một số người dân quay về lòng hồ đánh bắt cá để tăng nguồn thu nhập, nhưng họ không lường hết được bao hệ luỵ lích kích phía sau, như con cái mất học. Một người quay về ảnh hưởng đến hàng trăm hộ gia đình đã rời quê. Xã lại cử cán bộ và tôi đích thân lên vận động bà con cũng ba lần, bảy lượt mới ổn”.
Hướng chúng tôi về những đường thôn, ngõ xóm của bản Bình Yên, ông Tân cho hay, bây giờ dân bản biết cấy lúa ruộng nước để có cơm tẻ chứ hồi ở bản cũ, dân một đời ăn cơm xôi, không biết cơm tẻ là gì. Trước đây, dân không ra đến thị trấn Hoà Bình của huyện, giờ thanh niên đi làm công nhân xí nghiệp trong Nam, ngoài Bắc. Người ở bản biết làm vườn, đào ao thả cá, trồng cây chè công nghiệp và trồng keo bán cho nhà máy sản xuất giấy.
Hôm chúng tôi đến, bản Bình Yên vừa dứt cơn mưa rừng xối xả. Ông Tân đang chở những bì cám từ ngoài trung tâm xã về vỗ béo trâu, bò. Trời hửng nắng vừa đúng dịp ông vào đồi hướng dẫn kỹ thuật trồng keo cho dân bản.
Ông Tân có 2ha đất rừng sản xuất được chia theo tiêu chuẩn tái định cư. Ông thuê thêm 2ha để trồng keo. Ông bảo, xã đang nghèo bởi 1.000 hộ dân nhưng chỉ có 80ha ruộng lúa nước sau khai hoang. Bản Bình Yên của ông chỉ có 8ha/136 hộ gia đình.
“Vì bản nghèo nên khi gia đình được chia ruộng lúa nước, tôi bàn với vợ, nhà mình có 2 con đã tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định rồi, không khó khăn bằng nhà khác nên không nhận ruộng mà nhường cho dân bản. Mình thuê thêm 2ha đất rừng sản xuất để trồng keo”, ông Tân nhớ lại.
Theo ông Tân, trồng keo là hướng phát triển kinh tế nông - lâm kết hợp ở vùng ven biên giới. Cùng với thu nhập từ mô hình vườn - ao - chuồng, dân bản vừa có lúa, rau quả, trâu bò. Nghĩa là vừa có ăn vừa có bán. Để hướng gây dựng này hiệu quả, ông Tân lại tiếp tục “lên diễn đàn” ở trong nhà văn hoá bản và ở ngay trên ruộng lúa hoặc đồi trồng keo.
Ông bảo, sau khi hết nhiệm kỳ, rời vị trí bí thư đảng uỷ xã và chủ tịch hội đồng nhân dân xã, năm 2021 ông nghỉ hưu. Nghỉ hưu nhưng vẫn được bầu làm tổ trưởng tổ tư vấn Mặt trận Tổ quốc xã. Ông sẵn lòng tham gia để không phụ lòng bà con và chính quyền địa phương tôn vinh ông là già làng uy tín.
Đây là mối lương duyên để ông hướng dẫn bà con áp dụng kỹ thuật làm chuồng trại chăn nuôi; trồng cỏ voi, tạo nguồn thức ăn chính cho trâu bò; hái lá môn, thái cây chuối rừng nấu cám nuôi heo rồi trồng keo, “cắt” keo bán cho thương lái.
Ông nêu một trải nghiệm: “cán bộ khuyến nông về tập huấn bằng diễn đàn. Từ diễn đàn này, tôi tiếp tục đăng đàn và “cầm tay chỉ việc”. Nói với bà con xong, tôi làm trước. Đã nói thì phải làm. Làm cho dân bản tận mắt thấy thì họ mới tin và làm theo”.
Đi qua những vùng đồi tro than vừa đốt thực bì đã được dân bản đào hố chuẩn bị trồng keo, ông Tân nói về việc huyện và xã đã chọn bản Bình Yên để xây dựng bản nông thôn mới: “xã Thanh Sơn có 7 bản. Năm ngoái, bản Thanh Tiến ra quân xây dựng bản nông thôn mới nhưng xem chừng đang lắm khó khăn. Bình Yên là bản thứ hai phát động xây dựng bản nông thôn mới hôm 27-3, nhưng khó khăn cũng nhiều lắm đấy. Bắt đầu từ việc nắn sửa bờ rào, nạo vét kênh mương, nhà nào cũng có một lò đốt rác thải… Vấn đề cốt lõi là làm sao giảm được hộ nghèo và nâng cấp hạ tầng của bản”.
Ông Tân ví ma tuý là “ma rừng”. Ông trăn trở vì tệ nạn này bởi hồi ở quê cũ Hữu Dương, cả xã không có một người nghiện, không ai biết ma tuý là gì. Từ hồi về vùng tái định cư đến nay, bản Bình Yên có 10 người nghiện.
Ông bảo, vùng này vừa giáp biên giới vừa dễ đi về thị trấn Dùng của huyện và xuôi thành phố Vinh nên ma tuý xuất hiện là khó tránh khỏi, nhưng 1 bản có 10 người nghiện là báo động đấy. Không dập tắt là nó loang như lửa cháy. Nếu không xoá sạch bóng ma tuý thì đừng nói chuyện xây dựng bản nông thôn mới”.
Ông Tân lại được cử đi tập huấn về việc xoá bỏ nạn ma tuý. Ông ấn tượng với ý nghĩ làm sao xây dựng một người dân trở thành một chiến sĩ công an để ai cũng có ý thức ngăn chặn ma tuý ngay trong ngôi nhà của mình. Như thế mới mong bảo vệ con cháu, dòng họ của mình và của dân bản.
Ông Tân tham mưu với cán bộ mặt trận và công an xã, kết hợp truyên truyền với triển khai đồng loạt các biện pháp phát hiện, xử lý.
Ông nói: “họp dân truyên truyền đã đành, đi làm keo cũng truyên truyền, đi đám cưới, đi mừng vía cũng tuyên truyền. Hễ cứ có 3 - 5 người là nói chuyện cho bà con thấm. Cá biệt, trong bản có người nghiện lâu năm thì mình đến tận nhà. Trước hết là thăm hỏi rồi giúp họ nhận biết tác hại của ma tuý như giúp con cháu mình. Nói và làm như thế nào để cho người nghiện biết rằng không bỏ ma tuý là có tội với vợ con, gia đình, làng bản. Muốn bỏ ma tuý thì phải có bản lĩnh. Bản lĩnh được thể hiện trong việc thường xuyên đi trồng keo. Trồng cho mình và trồng thuê cho người khác để có thêm thu nhập”.
Tuy nhiên, cùng với truyên truyền, ông Tân phối hợp cơ quan chức năng khoanh vùng, tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Người nào đi các huyện biên giới mua trâu, bò đều được chú ý.
Người Lào bên kia huyện Chăm Phon, tỉnh Bô Ly Khăm Xay dắt trâu bò đi đường tiểu ngạch sang bán trong khe Bùn (vùng biên giới giáp bản) không loại trừ họ mang theo ma tuý. Tất cả diễn biến này đều được báo cáo thường xuyên với Đồn Biên phòng Ngọc Lâm (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An).
Ngày 21-4, khi đang viết những dòng cuối loạt bài này, tôi gọi điện thoại cho ông Tân để cập nhật thông tin về kết quả ngăn ngừa người nghiện ở bản Bình Yên.
Ông Tân cho biết: “hiện 10 người nghiện đi làm keo đều đặn. 10 người này chưa đến mức phải đi cai nghiện tập trung. Do công tác quản lý và ngăn ngừa tội phạm vận chuyển, buôn bán ma tuý của các cơ quan chức năng nên người nghiện không thể tiếp xúc được nguồn thuốc. Ngoài tuyên truyền, vận động người nghiện từ bỏ ma tuý, tôi xem đây là biện pháp “cứng” để giúp họ rời xa “con ma rừng””.
“Ông Vi Đình Tân là thế hệ cán bộ chủ chốt đầu tiên của xã mới Thanh Sơn sau khi tái định cư về huyện. Khi từ quê cũ về khu tái định cư, 6 bản của xã mới phải sáp nhập vào xã Hạnh Lâm, 1 năm sau mới tách ra thành xã Thanh Sơn. Lúc đó, chính quyền xã gặp muôn vàn khó khăn, thử thách, nhất là việc chuyển đổi hình thức sản xuất của dân bản từ cuộc sống dựa vào rừng đến việc trồng lúa nước, trồng chè công nghiệp và cây keo làm nguyên liệu giấy.
Để giải quyết những khó khăn này, cán bộ xã phải ổn định được tư tưởng cho bà con dân bản, quy tụ được mối đoàn kết trong dân bản. Với cương vị bí thư đảng uỷ, sẵn có kinh nghiệm, uy tín vận động tái định cư năm 2009, ông Tân miệng nói, tay làm cho bà con noi theo.
Giờ xã tái định cư Thanh Sơn thay đổi hẳn nhờ bà con biết cách làm kinh tế, tiếp cận đời sống văn hoá, giữ gìn an ninh vùng biên. Đây là những yếu tố căn bản giúp bà con tái định cư gắn bó với quê hương mới. Khi người cán bộ có uy tín, sát với cuộc sống người dân thì người dân xem họ như một tấm gương soi”.
Ông TRỊNH VĂN NHÃ - Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An
