10/05/2025 | 00:35 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Vững vàng những “điểm tựa” bản làng Bài 2: “Mình sống thật, dân sẽ sống tốt”


Vững vàng những “điểm tựa” bản làng Bài 2: “Mình sống thật, dân sẽ sống tốt”



Nghe tên già làng Moong Biên Phòng vừa quen vừa lạ, chúng tôi cứ hình dung người Khơ Mú có họ “Moong Biên” hay là ông có duyên gì với bộ đội biên phòng nên đặt tên như vậy. 

Ông Phòng bảo: “hồi nhỏ, tôi là Moong Văn Phòng. Năm 1980 khi làm Bí thư Đảng ủy xã Chiêu Lưu, tôi được bầu làm ủy viên ban chấp hành huyện uỷ. Hôm đầu tiên về huyện ủy họp, Bí thư Huyện uỷ Vi Chiến Thắng chuyện trò rồi vỗ vai tôi: “ông từng 9 năm đi bộ đội trên biên giới, nay thường xuyên đi công tác, gần gũi bà con vùng biên, cho nên thay từ “Văn” thành từ “Biên” cho nó ý nghĩa. Thế nên tôi là Moong Biên Phòng”. 

Ông Phòng kể, miệng cười hiền, ánh mắt sáng lên như gợi nhớ những kỷ niệm khiến buổi trưa trước ngôi nhà sàn lấm bụi dịu bớt đi nóng nực.

Năm 1979 rời quân ngũ, anh lính cựu binh Moong Văn Phòng về bản La Ngan và được bầu làm chủ nhiệm hợp tác xã kiêm trưởng thôn. Một năm sau, anh trở thành Bí thư Đảng uỷ xã Chiêu Lưu. 

Hết 1 nhiệm kỳ, năm 1985, anh làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Chiêu Lưu. Thời gian này, anh được cử đi học trường đảng ngoài Hà Nội. 

Sau đó, anh trở thành Trưởng phòng Nội vụ huyện Kỳ Sơn rồi chuyển làm Trưởng Ban Dân vận huyện ủy 2 nhiệm kỳ. Năm 2006, anh nghỉ hưu, trở về vởi bản làng La Ngan.Chúng tôi gợi lại một ấn tượng của anh Nguyễn Trọng Kỷ (nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo huyện ủy Kỳ Sơn), hồi ông Phòng được Ban Thường vụ huyện uỷ phân công chỉ đạo “chiến dịch” phá bỏ cây anh túc ở bản Kẹo Bắc, xã Na Ngoi. 

Anh Kỷ bảo, ông Moong Biên Phòng là người Khơ Mú nhưng đúc kết kinh nghiệm bằng cách thay đổi một vế câu thành ngữ rất dễ nhớ. Đó là “Lúa tốt nhờ phân. Dân tốt nhờ họp”. Nghe chuyện, ông Phòng đang cười vui, bỗng nói: “hồi đó, tôi suýt bị dân bản câu lưu đấy”.

Vụ “suýt bị câu lưu” được ông Phòng nhớ lại khá hồi hộp: “hồi đó, đi xoá cây anh túc khó nhọc vô cùng bởi trước đây huyện cho trồng để các cơ quan thu mua làm dược liệu nhưng nay bỗng dưng cấm, xóa bỏ. 

Bà con người dân tộc làm sao nhận thức kịp sự thay đổi đó khi cây anh túc là cây kinh tế nuôi sống dân bản dễ dàng hơn cả cây lúa trên rẫy”. 

Cái khó đầu tiên là vô bản họp dân mới biết dân không hiểu gì về chủ trương của trên về xóa bỏ cây anh túc. Phải họp đi, họp lại, đêm nào cũng họp thì dân mới dần dần nhận thức được. 

“Dân bản vùng sâu, vùng xa thiếu thông tin nên phương pháp của tôi là họp. Họp để bàn bạc giúp dân bản hiểu rồi đi đến thống nhất. Biện pháp của tôi là 70% số người dân đồng tình chủ trương, còn 30% chưa thuận lắm thì ra quân được rồi”, ông Phòng nhớ lại.
Nhưng cái khó tiếp theo là dân nhận thức rồi, nhưng khi ra đến vườn cây anh túc lại quay lại hỏi: “vì sao cấp trên đã cho trồng cây anh túc như một nghĩa vụ, giờ lại bắt phá?”. 

Cho nên ban đêm họp dân, được 70% số người đồng thuận thì ban ngày vận động họ đi nhổ bỏ cây anh túc ngay. Kẹo Bắc là bản trọng điểm của huyện, nhà nào cũng trồng khoảng 100m2 cây anh túc. 

“Việc đưa dân đi nhổ cây anh túc cũng căng lắm. Căng bởi, khi người dân đưa bàn tay nhổ cây lên là họ kêu khóc, khóc nhiều nhất là người già vì họ tiếc khi nhìn thấy cây anh túc đang nở hoa. 

Vì tiếc nên họ nêu “điều kiện”, cấp trên chủ trưởng xoá bỏ cây thuốc phiện của người nào cất giấu, buôn bán, còn người nghiện như tôi thì không phải xoá bỏ chứ. 

Căng nữa là cây anh túc được trồng rải rác trong lũng núi, rừng sâu. Đoàn công tác đưa dân đi xoá bỏ cây anh túc rất dễ bị kẻ xấu nấp trong rừng dùng súng tự chế bắn tỉa. 

Có nơi, dân chặt cây rừng chặn đường không cho đoàn công tác đi. Những đêm đoàn cán bộ tổ chức họp dân thì biên phòng, công an có kế hoạch bảo vệ huống chi vô rừng. Đoàn công tác làm việc thâu ngày, thâu đêm. Trưa đâu ăn đó. Tối đâu ngủ đó”, ông Phòng kể.
Năm 1998, trưởng bản Kẹo Bắc là Và Chông Tủa, người Mông, một thành viên của đoàn công tác. Hôm trời mưa, anh Tủa đang đi thì ngã do trượt chân, đầu va vào tảng đá. 

Vụ tai nạn khiến anh Tủa tử vong. Biết chuyện, dân bản kéo đến ngăn đoàn công tác, vây bộ đội biên phòng, công an và vây chặt ông Phòng. Nhiều người nói: “tại ông Phòng làm trưởng đoàn”. 

Ông Phòng giải thích mãi vẫn không thoát được vòng vây. Ông nghĩ, muốn cứu đoàn công tác, phải tìm cách thuyết phục được những già làng. Ông tìm cách tiếp cận, nói với già làng cho ông về báo cáo công việc với huyện nhưng không ai cho ông rời bản Kẹo Bắc.

Phải đến khi ông trải lòng mình với người Mông bằng câu nói thật thà của người Khơ Mú: “bây giờ tôi không thể nào làm anh Tủa sống lại được. Đoàn công tác hiện còn 5 triệu đồng, xin lo liệu mai táng anh Tủa”. 

Mấy già làng nghe vậy đồng ý để ông Phòng ra huyện. Ông Phòng nhớ lại, hôm ấy mà bị câu lưu thì 3 - 4 ngày sau một số người trong dòng họ từ bên Lào sang thì càng phức tạp nữa.

Đợt đó, Kẹo Bắc xoá bỏ cây anh túc thành công. Người nghiện thuốc phiện cũng giảm rõ rệt. Cuối năm 1998, Ủy ban nhân dân huyện Kỳ Sơn tặng giấy khen cho ông.

Trong thời gian học lý luận chính trị ngoài Hà Nội, ông Phòng rất mê chuyên đề dân tộc học. Ông bảo, có học mới hiểu rõ mỗi dân tộc có một đặc thù riêng về phong tục, tập quán làm nên giá trị văn hoá của họ.

Chúng tôi nêu nhận xét của TS. Hoàng Xuân Lương - nguyên Bí thư huyện uỷ Kỳ Sơn, nguyên Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Nghệ An, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc - khi nhắc đến ông Phòng: “ông Phòng hiểu biết văn hoá các dân tộc. Ông ý thực được ý nghĩa quan trọng của đoàn kết bản làng, dòng họ các dân tộc. Ông Phòng làm công tác dân vận vì lợi ích của dân bản. Sẵn sàng san sẻ khó khăn với đồng bào, không riêng gì người Khơ Mú. 

Với mức lương khiêm tốn của Trưởng Ban Dân vận huyện ủy hồi đó nhưng khi đi công tác, gặp gia đình có người ốm đau là ông tặng cân đường, hộp sữa. Một cân đường, hộp sữa chỉ 10.000 đồng nhưng đối với dân bản to lắm. Uy tín của ông Moong Biên Phòng hình thành từ trong cuộc sống của ông”.

Nghe chuyện cũ, ông Phòng lại cười chân thật. Ông kể: “tôi hay đi công tác các xã, bản. Gặp già làng, tôi biếu cái đèn pin 5.000 đồng để họ dễ dàng đi lại đêm hôm, lỡ có công việc chi đột xuất. Gặp chị chi hội trưởng hội phụ nữ bản đau ốm, tôi tặng cân đường, hộp sữa để chị mau khoẻ, làm việc giúp bản”. 

Theo già Phòng, những khoản tiền “tặng” này được trích từ tiền lương của mình nhưng có khi là tiền của huyện, bởi “trước khi đi công tác, tôi thường đề xuất với Bí thư Huyện uỷ là cán bộ đi công tác cũng cần có tí quà tặng cho người có uy tín đang khó khăn hoặc đau ốm. Thế là bí thư không ngần ngại chi”.

Là người Khơ Mú, nhưng ông Phòng có năng khiếu “nói vo” trước diễn đàn. Ông bảo, “nói vo” được là nhờ đi thực tế kỹ, thực tế “ngồn ngộn” trong đó biết nhiều việc cần thiết phải làm không chỉ cho riêng đồng bào Khơ Mú, đồng bào Mông, Thái cũng cần được quan tâm như nhau. 

Nhưng khi góp ý cho hương ước thì không được bình quân, đại khái. Hương ước mỗi bản một khác. Mỗi năm một khác. Ví như, bản A có số người nghiện ma tuý ít thì hương ước khác bản B có số người nghiện và buôn bán lẻ ma tuý nhiều. 

Nơi nào tệ nạn giảm thì hương ước năm sau bỏ đi, hướng đến nội dung khác. “Hương ước bản làng cần phải cụ thể hoá và chuyển động liên tục để bản làng kịp thời ngăn ngừa tệ nạn, xây dựng nếp sống mới thiết thực hơn”.

Trong vận động dân bản, ông Phòng nói dí dỏm: “người Khơ Mú đang còn “nghèo” cái chữ lắm nên họ “nghèo” cả năng động trong cuộc sống. Vì vậy, mình không nói nhiều. Thay lời nói là việc mình làm cụ thể để dân bản làm theo”. 

Ví như, thấy dân bản chỉ quen ngồi trên bậc cửa hoặc khúc gỗ thay vì bàn ghế, ông Phòng về nhà đóng bàn ghế trước. Dân bản thấy nhà có bàn ghế tiếp khách, có nơi ngồi ăn cơm nên họ làm theo.

Tương tự, muốn vận động dân bản chăn nuôi để nâng cao thu nhập cho gia đình, ông Phòng có 10 con trâu, bò thì giao cho vài ba hộ gia đình nuôi. Nếu con nào đẻ 2 con thì cho họ 1 con để gây giống. 

Có đợt, ông Phòng gửi dân nuôi 6 con bò. Một năm sau bò đẻ lứa thứ nhất, ông Phòng tặng họ hết. Ông Phòng chỉ lấy lứa thứ hai. Đến nay, những gia đình được ông Phòng gửi trâu, bò nuôi đều đã có 2 - 3 con. “Cái gì thiết thực thì mình giúp dân. Dân biết mình sống thật, gương mẫu thì họ tin và sống rất tốt”, ông Phòng chia sẻ.

Trưa ngày 17-4, anh Lầu Bá Tểnh (người Mông) - Trưởng Ban Dân tộc huyện Kỳ Sơn và Lô Văn Cáng (người Thái) - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Chiêu Lưu dẫn chúng tôi vào bản La Ngan. Khi đến nhà, vợ ông Phòng chỉ tay ngược lên phía núi, cho biết ông Phòng đang ở trên C5 (tiếng Khơ Mú nghĩa là trên chòi, có trang trại, ao cá và chăn nuôi trâu, bò). 

Chúng tôi qua suối, ngược lên núi thấy ông Phòng đang phát dọn cây rừng ngả nghiêng dưới bầu trời oi nắng. Ông Phòng bảo, cơn lốc chiều qua quật gãy không biết bao nhiêu cây cối của La Ngan. 

Nói đoạn, ông lùa con trâu xuống suối cho uống nước rồi dắt lên C5. Ông say sưa nói chuyện rồi bảo: “về hưu, được dân bản và chính quyền địa phương tôn vinh là già làng, người có uy tín thì vui gì bằng”.

“Hồi ông Phòng làm Trưởng Ban Dân vận huyện uỷ, tôi đang công tác ở cơ quan quân sự huyện Kỳ Sơn. Nhiều dịp đi công tác ở các làng bản, tôi nghe người dân kể chuyện làm việc của ông Phòng. Theo dân bản, ông Phòng vận động, hoà giải rất giỏi bởi có tình, có lý, có luật. 

Ông Phòng hướng dẫn bà con tiết kiệm ngay cả từng chén rượu, hạt gạo, củ khoai. Khi vận động bà con góp cân gạo, con gà để tổ chức đại hội xã viên, ông Phòng công khai minh bạch. Mâu thuẫn giữa dân bản các dân tộc thì không ai xử lý thấu tình, đạt lý như ông Phòng. 

Sở dĩ, dân bản tin, phục ông Phòng là do ông rất chân thật, có kiến thức lại gần gũi bà con như chính cuộc sống của bản thân ông. Anh em cán bộ lớp sau như chúng tôi học được ở ông Phòng từ những điều như thế”.

ÔNG VI HÒE - Bí thư Huyện uỷ Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An


23 May 2024