21/11/2024 | 16:35 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Tỉnh Quảng Ninh: Sử dụng sáng tạo, hiệu quả nguồn vốn chính sách xã hội

Bình Liêu
Tỉnh Quảng Ninh: Sử dụng sáng tạo, hiệu quả nguồn vốn chính sách xã hội Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hạ Long giải ngân vốn vay đến người dân_Ảnh: TL
Với cách làm sáng tạo trong việc tổ chức triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, tín dụng chính sách xã hội đã và đang góp phần quan trọng trong việc thực hiện các chỉ tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội tại tỉnh Quảng Ninh.

Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22-11-2014, của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”, các cấp ủy, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các cấp, các ngành và chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức triển khai tích cực, nghiêm túc, hiệu quả đến tất cả xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.

Công tác thông tin tuyên truyền về hoạt động tín dụng chính sách luôn được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức như: đăng tải các tin, bài phóng sự về hoạt động tín dụng chính sách trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, huyện để các cấp, các ngành, nhân dân nắm bắt kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội. 

Bên cạnh đó, các đơn vị thường xuyên tuyên truyền trên đài phát thanh của các xã, phường, thị trấn, trong các cuộc họp, hội nghị hoặc tại các buổi phát tiền vay, các buổi sinh hoạt tổ, soạn tờ rơi gửi đến khách hàng, niêm yết tại điểm giao dịch xã. 

Nhờ vậy, người dân và các hộ vay vốn hiểu hơn về Ngân hàng Chính sách xã hội, có ý thức, trách nhiệm hơn đối với khoản vay của mình và thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ khi vay vốn; sử dụng vốn đúng mục đích, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững và nhiều mô hình làm ăn hiệu quả được nhân rộng.

Tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách tín dụng ưu đãi theo cơ chế đặc thù riêng bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh, theo mục tiêu định hướng phát triển, như: cho vay hỗ trợ phát triển hợp tác xã, khuyến khích người dân ra sinh sống lâu dài tại đảo Trần (huyện Cô Tô); hỗ trợ chấm dứt hoạt động của các cơ sở sản xuất vôi thủ công, cho vay đối với nhân dân trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo; cho vay khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững...

Đặc biệt, để góp phần nâng cao vai trò quản lý của nhà nước, khẳng định trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cấp xã đối với hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở, giúp việc triển khai tín dụng chính sách đạt hiệu quả, các địa phương đã bố trí chủ tịch ủy ban nhân dân xã tham gia ban đại diện hội đồng quản trị ngân hàng chính sách xã hội cấp huyện. 

Việc trực tiếp tham gia đã giúp chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã kịp thời nắm bắt được tình hình, kiến nghị khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện tại cơ sở để có hướng xử lý.

Sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị đã giúp cho hoạt động tín dụng chính sách tại tỉnh Quảng Ninh ngày càng phát huy được hiệu quả, chất lượng tín dụng ngày càng được củng cố và nâng cao, đối tượng thụ hưởng được mở rộng. 

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã lan tỏa đến 177 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, tạo điều kiện cho các đối tượng chính sách được tiếp cận kịp thời.

Từ hoạt động vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh với thủ tục đơn giản, mức vay và phương thức trả nợ phù hợp, lãi suất ưu đãi, thời gian dài…, người nghèo và các đối tượng chính sách đã dần thay đổi nhận thức theo hướng tích cực, sử dụng vốn có trách nhiệm, trả nợ đúng hạn, tạo được việc làm, tăng thu nhập, nhất là tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nguồn vốn được bảo toàn và phát huy hiệu quả.

Năm 2022 và 9 tháng năm 2023, toàn tỉnh đã có 44.972 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội với tổng dư nợ đạt 4.504,7 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt 4.672,5 tỷ đồng,

Tính đến ngày 31-7-2023, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội trên 1.020 tỷ đồng, chiếm 23% tổng số vốn, tăng 984 tỷ đồng và gấp 28 lần so với thời điểm trước Chỉ thị số 40 được ban hành, đứng thứ 7 toàn quốc về số vốn ủy thác.

Đặc biệt, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp đã làm tốt công tác tuyên truyền, phối hợp với chi nhánh và phòng giao dịch cấp huyện thực hiện các nội dung của hợp đồng ủy thác đã ký, thành lập, quản lý, duy trì hiệu quả hoạt động của 2.127 tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ nhận ủy thác 4.477,2 tỷ đồng, chiếm 99,39% tổng dư nợ.

Không chỉ tạo động lực cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách, nguồn vốn tín dụng chính sách đã và đang thực hiện hiệu quả các mục tiêu quan trọng của tỉnh Quảng Ninh. Bám sát chủ trương của tỉnh về chuẩn hóa vật liệu nổi trong nuôi trồng thủy sản, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội các địa phương tập trung ưu tiên giải ngân nguồn vốn tín dụng chính sách hỗ trợ cho các hộ dân vay chuyển đổi phao xốp sang phao nhựa HDPE trong nuôi trồng thủy sản một cách kịp thời, góp phần bảo vệ môi trường và nguồn lợi biển. 

Lũy kế đến nay, toàn tỉnh đã có 381 lao động được vay vốn tín dụng chính sách để chuyển đổi phao xốp sang phao nhựa HDPE trong nuôi trồng thủy sản. Trong đó, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vân Đồn đã giải ngân cho 320 lao động vay vốn với tổng số tiền 24,7 tỷ đồng để thực hiện chuyển đổi sang 231.378 quả phao nhựa; con số này ở Quảng Yên là 61 lao động vay tổng số tiền 2,9 tỷ đồng, đầu tư trên 4.930 quả phao nhựa HDPE...

Tính chung trong giai đoạn 2014 - 2023, nguồn vốn tín dụng chính sách Trung ương và địa phương tập trung đầu tư góp phần giúp trên 30.000 lượt hộ thoát nghèo, cận nghèo bền vững; tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm, tăng thu nhập cho trên 97.000 người lao động. 

Riêng từ đầu năm 2023 tới nay tạo việc làm mới cho gần 2.200 lao động; gần 2.900 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng 118.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn và 2.600 căn nhà cho hộ nghèo, gia đình chính sách; trên 430 cơ sở, người lao động được vay vốn chuyển đổi nghề; hơn 4.100 lượt người lao động tại vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo được tiếp cận với nguồn vốn ngân sách địa phương để phát triển sản xuất. 

Năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới ở cả ba cấp và về đích trước 3 năm chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Vì vậy, đời sống nhân dân trong tỉnh không ngừng được cải thiện, nâng cao, nhanh chóng rút ngắn khoảng cách chênh lệch vùng, miền trong tỉnh.

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2030, Quảng Ninh sẽ tiếp tục đa dạng hóa nguồn lực tín dụng chính sách xã hội, đồng thời lồng ghép các nguồn lực để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội; tập trung cho vay các chính sách tín dụng mới, ưu tiên đầu tư vốn cho các địa phương còn nhiều khó khăn, vùng dân tộc thiểu số miền núi, các xã, huyện về đích xây dựng nông thôn mới, nông thôn nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. 

Tỉnh Quảng Ninh phấn đấu tất cả người nghèo, các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp, nguồn vốn để thực hiện tín dụng chính sách tăng trưởng bình quân hằng năm khoảng 8 - 10%, trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác hằng năm tăng tối thiểu 100 tỷ đồng; dư nợ tín dụng chính sách tăng trưởng bình quân hằng năm khoảng 8 - 10%, đến năm 2030 dư nợ đạt khoảng 7.000 tỷ đồng./.

20 November 2023
20 November 2023
CÁC BÀI HỘI THẢO