21/11/2024 | 16:48 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Tỉnh Lai Châu phát huy vai trò, hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác

Sơn Nam
Tỉnh Lai Châu phát huy vai trò, hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội các hội, đoàn thể, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn luôn gần gũi, chia sẻ cùng bà con_Ảnh: TL
Là một tỉnh nghèo còn khó khăn, trong hơn 20 năm qua có thể khẳng định nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Lai Châu có thêm nguồn lực để mở rộng sản xuất, kinh doanh, thoát nghèo và phát triển kinh tế bền vững.

Tín dụng chính sách “điểm tựa” giảm nghèo bền vững

Lai Châu là tỉnh vùng cao biên giới, nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, có vị trí quan trọng về chính trị - kinh tế, an ninh quốc phòng với đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc dài 265,095km. Tổng diện tích tự nhiên là 9.068,78km2 với 8 đơn vị hành chính bao gồm 7 huyện và 1 thành phố với 106 xã, phường, trong đó có 54 xã đặc biệt khó khăn, 22 xã biên giới; dân tộc thiểu số chiếm 84% tổng dân số, trong đó có 3/20 dân tộc đặc biệt khó khăn đặc thù như Mảng, Cống, Si La; toàn tỉnh có 105.269 hộ, trong đó hộ nghèo 30.048 hộ, chiếm tỷ lệ 28,54%, hộ cận nghèo 11.530 hộ, chiếm tỷ lệ 10,95%.

Tỉnh Lai Châu luôn xác định là phải tận dụng mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, ngày 4-10-2002, của Chính phủ, “Về tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác”, tỉnh Lai Châu đã tập trung chỉ đạo huy động các nguồn lực tài chính, tạo lập nguồn vốn cơ bản đáp ứng nhu cầu vay của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; tổ chức triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội với chất lượng ngày càng được nâng cao; chỉ đạo triển khai mô hình quản lý tín dụng chính sách chặt chẽ với sự tham gia của cả hệ thống chính trị.

Với mô hình tổ chức, phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách đặc biệt hiệu quả cùng với đó là sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh Lai Châu trong hơn 20 năm qua, có thể khẳng định rằng, vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp tỉnh Lai Châu thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Tổng nguồn vốn chính sách của tỉnh đến 30-6-2023, đạt 3.470.792 triệu đồng, tăng 3.422.286 triệu đồng. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 3.465.479 triệu đồng, tăng 3.419.544 triệu đồng so với lúc mới thành lập, nợ quá hạn liên tục giảm hằng năm, từ 1,6% thời điểm nhận bàn giao đến nay xuống còn 0,07%, đặc biệt có 62/106 xã không có nợ quá hạn.

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã xây dựng mạng lưới hoạt động với sự hình thành của 1.412 tổ tiết kiệm và vay vốn trên 957/957 thôn, bản toàn tỉnh, với 106 điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn, qua đó giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận với dịch vụ tín dụng ưu đãi một cách thuận lợi.

Từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách đã có 289.704 lượt hộ nghèo, hộ chính sách khác được vay vốn với tổng số tiền 8.800.605 triệu đồng, 18 chương trình tín dụng được triển khai đáp ứng vốn cho mọi đối tượng chính sách. 

Từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách đã có 72.765 lượt hộ nghèo thoát khỏi ngưỡng nghèo, 29.977 người lao động được vay vốn để tạo việc làm mới, 736 lao động được vay vốn để đi lao động có thời hạn tại nước ngoài, 9.854 học sinh, sinh viên được vay vốn để đi học và mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến, xây mới được 75.033 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, 10.233 hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn để làm nhà; đầu tư phát triển chăn nuôi được 182.000 con trâu, bò, dê; 196.200 con lợn sinh sản và lợn thịt; đầu tư 400.000 triệu đồng chăn nuôi gia cầm; 80.600 triệu đồng chăn nuôi thuỷ sản; 500.000 triệu đồng trồng cây ăn quả và cải tạo vườn tạp; 300.000 triệu đồng mua máy móc và công cụ lao động đầu tư cho sản xuất kinh doanh.

Vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh giai đoạn 2004 đến nay, đóng góp trong tăng trưởng GRDP hằng năm bình quân trên 10%/năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân trên 6%/năm, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng được 39/106 xã đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần ổn định chính trị - xã hội, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tín dụng đen, tạo nguồn lực cho các địa phương khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, phát triển mô hình sản xuất tập trung, như chăn nuôi đại gia súc, trồng trọt, bảo vệ khoanh nuôi tái sinh rừng... 

Nhận thức của hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã có sự thay đổi tích cực, biết sử dụng nguồn vốn vay, tính toán hiệu quả trong sản xuất phát triển kinh tế hộ gia đình, giảm tính ỷ lại, trông chờ vào hỗ trợ của nhà nước, giúp hộ nghèo, hộ chính sách tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội.

Việc thực hiện cơ chế ủy thác cho vay thông qua các tổ chức chính trị - xã hội đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong việc quản lý và bảo toàn nguồn vốn tín dụng chính sách, là điều kiện để các tổ chức hội, đoàn thể tập hợp, đoàn kết các hội viên, hoạt động của tổ chức hội, đoàn thể thực chất và hiệu quả hơn, thu hút đoàn viên, hội viên vào sinh hoạt. 

Hội, đoàn thể có thêm kinh phí hoạt động, có điều kiện để thực hiện tốt hơn việc lồng ghép các chương trình công tác của hội, đoàn thể trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, dạy nghề cho hội viên, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay. Đồng thời, qua đó giúp nâng cao năng lực quản lý nhà nước, quản lý tài chính, tín dụng của đội ngũ cán bộ hội các cấp, góp phần thúc đẩy phong trào hoạt động của các tổ chức hội, đoàn thể ngày càng vững mạnh.

Tích cực thực hiện bảo đảm an sinh xã hội theo Nghị quyết của Đảng

Đặc biệt từ khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22-11-2014, của Ban Bí thư Trung ương Đảng, “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” và Kết luận số 06/KL-TW, ngày 10-6-2021, của Ban Bí thư Trung ương Đảng, “Về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội

Tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) triển khai thực hiện tốt kế hoạch, nhiệm vụ chính trị được giao, chuyển tải kịp thời, có hiệu quả vốn tín dụng ưu đãi đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. 

Với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh và sự vào cuộc tích cực của các ngành, các cấp chính quyền địa phương, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả quan trọng:

Một là, Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã thực sự đi vào cuộc sống, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp được nâng lên rõ rệt, làm chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động từ tỉnh đến cơ sở. Xác định nhiệm vụ chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một nội dung trong chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên của đơn vị, địa phương. 

Các cấp ủy đã tăng cường chỉ đạo triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội, xác định công tác tín dụng chính sách là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, coi nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội là một nguồn lực quan trọng giúp chính quyền cơ sở hoạch định, định hướng phát triển kinh tế cho địa phương. 

Nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã phát huy hiệu quả, góp phần tích cực vào việc thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tại địa phương, đặc biệt là các chỉ tiêu về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới: tỷ lệ giảm nghèo giai đoạn 2002 - 2005 giảm 8,17%; giai đoạn 2006 - 2010 giảm 7,73%; giai đoạn 2011 - 2015 giảm 5,6%; giai đoạn 2016 - 2020 giảm 4,51%. 

Đến thời điểm 30-6-2023 tỉnh đã có 39/106 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 36,8% tổng số xã toàn tỉnh.

Hai là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã nâng cao vai trò trách nhiệm trong việc thực hiện tín dụng chính sách, tập hợp đoàn kết lực lượng khối đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nâng cao hiệu quả giám sát của toàn dân đối với công tác tín dụng chính sách xã hội.

Ba là, điểm nổi bật trong việc tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội tại địa phương kể từ khi có Chỉ thị, đó là đã tập trung được nguồn lực tại chỗ của địa phương, nguồn vốn ủy thác để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác, cụ thể: tổng nguồn vốn ngân sách địa phương đã ủy thác để cho vay là 158.150 triệu đồng, tăng 143.150 triệu đồng kể từ sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW. 

Bên cạnh đó, tỉnh cũng hỗ trợ cơ sở vật chất, ưu tiên bố trí diện tích đất để NHCSXH các cấp xây dựng trụ sở làm việc kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ./.

15 November 2023
15 November 2023
CÁC BÀI HỘI THẢO