21/11/2024 | 17:00 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Tỉnh Đắk Lắk: Nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội

Minh Nguyệt
Tỉnh Đắk Lắk: Nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội Lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Đắk Lắk kiểm tra việc sử dụng vốn vay theo diện hộ nghèo trên địa bàn xã Ea Trul (huyện Krông Bông)_Ảnh: TL
Nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội là nhiệm vụ được cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị tỉnh Đắk Lắk quan tâm hỗ trợ, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Đồng hành cùng người nghèo

Đắk Lắk là một tỉnh miền núi nằm ở Trung tâm của khu vực Tây Nguyên, có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng về an ninh, chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội. Đến cuối năm 2022, tỉnh Đắk Lắk có 54.698 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 10,94%), có 38.846 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 7,77%).

Trong những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Đắk Lắk triển khai thực hiện đã phát huy hiệu quả, là đòn bẩy kinh tế quan trọng giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo; các địa phương trong tỉnh có thêm nguồn lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hạn chế, ngăn ngừa tình trạng tín dụng đen, góp phần quan trọng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. 

Ngày mới đi vào hoạt động, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Lắk chỉ có 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao, với dư nợ 64 tỷ đồng, đến nay Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Lắk đang thực hiện 18 chương trình, với tổng dư nợ đạt 6.872 tỷ đồng với trên 166 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. 

Đặc biệt, từ khi triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22-11-2014, của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”, cả hệ thống chính trị tỉnh Đăk Lắk đã vào cuộc thực hiện tín dụng chính sách một cách sâu rộng; ngân sách địa phương đã bổ sung thêm nguồn vốn để cho vay, hỗ trợ thêm về cơ sở vật chất để Chi nhánh NHCSXH tỉnh triển khai đồng bộ các chương trình tín dụng ưu đãi đến với người dân. 

Vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội được nâng cao. Nhờ vậy, công tác tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tạo việc làm, khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, phục hồi kinh tế cho các đối tượng chính sách, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

NHCSXH tỉnh đã phối hợp với các hội, đoàn thể xây dựng được kênh dẫn vốn công khai, dân chủ, gần dân, có sự giám sát của chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể trong việc kiểm tra, giám sát, quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách. Cụ thể là: đã xây dựng được hệ thống điểm giao dịch cố định tại 100% các xã, phường, thị trấn để phục vụ nhu cầu giao dịch người dân. 

Đây được xem là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính và đặc thù riêng có của NHCSXH tỉnh, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số dễ dàng tiếp cận được các dịch vụ NHCSXH.

Vốn tín dụng đến tận tay người nghèo và các đối tượng chính sách khác, hạn chế các tiêu cực phát sinh, tiết giảm chi phí đi lại của người vay. Bên cạnh đó, với phương thức ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay cho các tổ chức chính trị - xã hội đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị - xã hội, tạo nên một kênh dẫn vốn, quản lý vốn tín dụng chính sách an toàn, hữu hiệu, tin cậy đối với nhân dân, đồng thời xây dựng được mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn đến 100% các xã, phường, thị trấn tổ dân phố trên địa bàn tỉnh hơn 4.070 tổ tiết kiệm và vay vốn; cùng tương trợ, giúp đỡ nhau, cùng giám sát nhau trong việc vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ ngân hàng. 

Hoạt động tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn được củng cố thường xuyên và mang lại hiệu quả, là “cánh tay nối dài” của NHCSXH đến các thôn, buôn, tổ dân phố nhằm đưa vốn tín dụng chính sách đến tận tay người nghèo một cách nhanh chóng, an toàn, hiệu quả hạn chế được nạn “tín dụng đen” trên địa bàn.

Đến nay, quy mô tín dụng của Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã đáp ứng cơ bản nhu cầu vay vốn người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Tổng nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách tỉnh, huyện, thành phố và của chủ đầu tư trên địa bàn là 420 tỷ đồng, tăng 398 tỷ đồng so với khi thành lập và tăng 300 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW. 

Chi nhánh NHCSXH tỉnh đang quản lý 18 chương trình tín dụng chính sách xã hội theo chỉ định của Chính phủ, tổng dư nợ đạt 6.872 tỷ đồng, với trên 166.000 khách hàng đang còn dư nợ. Có trên 71.000 khách hàng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng với tổng dư nợ đạt 2.294 tỷ đồng, chiếm 37%/tổng dư nợ của toàn chi nhánh.

Góp phần phát kinh tế - xã hội

 Bên cạnh việc tập trung thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng được giao, chi nhánh tỉnh đã tập trung củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, như: xây dựng và kiên trì tổ chức thực hiện phương án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng; thường xuyên phân tích, đánh giá chất lượng tín dụng của các đơn vị trong toàn chi nhánh; chủ động phối hợp với chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp quan tâm, đôn đốc thu hồi nợ và xử lý kịp thời nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, thực hiện trách nhiệm trả nợ, trả lãi đầy đủ, đúng hạn nhằm bảo toàn nguồn vốn, tạo nguồn vốn cho vay quay vòng nên chất lượng tín dụng tiếp tục được duy trì và nâng cao. 

Đến 30-6-2023, nợ quá hạn và nợ khoanh tại chi nhánh chiếm 0,15%/tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn là 0,04%.

Phương thức quản lý vốn tín dụng thông qua ủy thác 4 tổ chức chính trị - xã hội đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị chung tay giúp người nghèo. 

Đồng thời, hoạt động nhận ủy thác từ NHCSXH đã tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội tập hợp lực lượng, củng cố, nâng cao cả về số lượng, chất lượng, góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp trên 803 ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận với nguồn vốn, tạo công ăn việc làm cho nhiều ngàn lao động, giúp 87.500 lượt học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để mua máy tính, thiết bị học tập và trang trải các chi phí để đến trường; thu hút tạo việc làm cho 37.800 lao động, xây dựng được trên 139.000 công trình nước sạch và 136.000 công trình vệ sinh môi trường theo chuẩn quốc gia và xây được 19.000 căn nhà cho hộ nghèo không có nhà ở, 1.600 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài… 

Đặc biệt, từ năm 2022 đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống, khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, phục hồi kinh tế cho các đối tượng chính sách góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. 

Tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 4.410 lao động, hỗ trợ xây nhà ở xã hội cho 117 hộ gia đình, đã giúp cho 82 học sinh, sinh viên có điều kiện trang bị máy tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập; 48 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập được vay vốn mua sắm trang thiết bị giáo dục, y tế, sửa chữa cơ sở  do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và 405 hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được vay vốn hỗ trợ xây nhà để ở, tạo đất sản xuất và chuyển đổi nghề.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp hơn 264.000 hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh giai đoạn 2005 - 2010 giảm từ 27% xuống còn 10% (cuối năm 2010), giai đoạn 2011 - 2015 từ 20,82% (cuối năm 2010) xuống còn 6,01% (cuối năm 2015), giai đoạn 2016 - 2020 theo số liệu điều tra hộ nghèo tiếp cận đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 19,39% (năm 2015) 6,34% năm 2021 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020) và còn 10,94% (năm 2022) theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025.

Từ những kết quả đạt được có thể khẳng định tín dụng chính sách đã đạt hiệu quả tích cực, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân, của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. 

Hiệu quả tín dụng chính sách đã khẳng định phương thức quản lý và mô hình tổ chức, quản trị điều hành, tác nghiệp của NHCSXH là hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực tiễn, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của cả xã hội tham gia vào công cuộc giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội.

Tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đến nay đã thực sự đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Nguồn vốn tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện đã được đầu tư đến 100% số xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, trong đó tập trung ưu tiên cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Thông qua các chương trình tín dụng ưu đãi đã giúp nhiều hộ gia đình được thoát nghèo, hỗ trợ các hộ đồng bào dân tộc thiểu số có đất sản xuất và đất ở, các em học sinh, sinh viên có tiền đóng học phí để tiếp tục xây dựng hoài bão và ước mơ, nhiều nông dân đã được hỗ trợ đi xuất khẩu lao động, tìm kiếm việc làm; nhiều hộ gia đình có nước sạch để sinh hoạt và đặc biệt đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống, khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, phục hồi kinh tế cho các đối tượng chính sách góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn./.

3 November 2023
3 November 2023
CÁC BÀI HỘI THẢO