Phát huy hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội tại tỉnh Cao Bằng
THU TRANGKhông để ai bị bỏ lại phía sau
Cao Bằng là tỉnh miền núi, vùng cao nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc, có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc dài trên 333 km. Toàn tỉnh có 10 đơn vị hành chính cấp huyện (trong đó có 7 huyện nghèo); dân số toàn tỉnh trên 53 vạn người với 8 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 95%.
Toàn tỉnh có 42.751 hộ nghèo, chiếm 33,23%/tổng số hộ; hộ cận nghèo có 17.145 hộ, chiếm 13,33%/tổng số hộ; là tỉnh có xuất phát điểm kinh tế thấp, các khu vực dân cư bị chia cắt bởi địa hình đồi núi hiểm trở, đời sống nhân dân các dân tộc trên địa bàn còn nhiều khó khăn (đặc biệt vùng dân tộc thiểu số ít người), tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh còn cao so với khu vực, do vậy việc thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Thời gian qua, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đã triển khai nhiều chính sách, đề án, giải pháp đồng bộ để hỗ trợ các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh việc đầu tư, củng cố, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khuyến khích thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, giải quyết việc làm tăng thu nhập cho người lao động thuộc các hộ nghèo, tỉnh còn tập trung thực hiện tốt các chính sách nhằm hỗ trợ các hộ nghèo và cận nghèo đẩy mạnh phát triển sản xuất, mở rộng sinh kế và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, như: giáo dục đào tạo nghề, y tế, nhà ở, nước sạch, trợ giúp pháp lý.
Đồng thời ban hành một số chính sách đặc thù nhằm khuyến khích các hộ nghèo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách giảm nghèo của Trung ương, các chính sách dân tộc, dự án hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số của Đảng, Chính phủ, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo đảm an sinh xã hội, từng bước giảm nghèo bền vững tại khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và toàn tỉnh.
Nhằm phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội, cấp ủy và chính quyền các cấp tỉnh Cao Bằng đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; đặc biệt là tập trung các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế, xã hội, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Sau hơn 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, ngày 4-10-2002, của Chính phủ, “Về tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác”, gần 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22-11-2014, của Ban Bí thư Trung ương Đảng, “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”, tỉnh Cao Bằng đã thực hiện tốt và triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06/KL-TW, ngày 10-6-2021, của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”; thực hiện tốt mục tiêu mà Đảng bộ, chính quyền tỉnh đặt ra; tập trung nguồn lực và huy động lực lượng toàn xã hội tham gia vào sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo; nâng cao chất lượng và hiệu quả vốn tín dụng chính sách, góp phần hạn chế hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; gắn tín dụng chính sách xã hội với các chương trình, đề án của tỉnh để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Trong những năm qua, cùng với nguồn vốn của Trung ương chuyển về, hằng năm tỉnh Cao Bằng luôn cân đối, bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.
Đồng thời, chỉ đạo Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh thực hiện các giải pháp huy động nguồn vốn nhàn rỗi trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy vai trò đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân với tinh thần tương thân, tương ái, tích cực tham gia gửi tiền tiết kiệm tại NHCSXH. Chỉ đạo chi nhánh NHCSXH tỉnh phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn Lao động và tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cùng cấp tổ chức chương trình “Tuần lễ gửi tiền tiết kiệm, chung tay vì người nghèo”, tuyên truyền các tổ chức, cá nhân trên địa bàn gửi tiền tiết kiệm tại NHCSXH để tăng cường nguồn lực cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội.
Lan tỏa sâu rộng, hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội
Đến ngày 30-6-2023, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội của tỉnh đạt 3.850,5 tỷ đồng, tăng 3.753,1 tỷ đồng, tăng hơn 38 lần so với thời điểm nhận bàn giao, bình quân mỗi năm tăng 187,6 tỷ đồng, trong đó: nguồn vốn cân đối từ Trung ương đạt 3.174,3 tỷ đồng, chiếm 82,44%/tổng nguồn vốn, tăng 3.076,9 tỷ đồng; nguồn vốn huy động của tổ chức, cá nhân đạt 387,1 tỷ đồng, chiếm 10,05%/tổng nguồn vốn, tăng 386,6 tỷ đồng; nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác đạt 289,1 tỷ đồng, chiếm 7,51%/tổng nguồn vốn, tăng 283,1 tỷ đồng so với trước thời điểm có Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư.
Trong 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có 443.800 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận và được vay vốn tín dụng chính sách với tổng số tiền trên 11.000 tỷ đồng. Đến ngày 30-6-2023, tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội đạt 3.835 tỷ đồng, tăng 3.737,6 tỷ đồng, gấp 38,37 lần so với dư nợ khi thành lập.
Vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ 421.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách có thêm nguồn lực tài chính để phát triển sản xuất kinh doanh; giải quyết việc làm cho trên 34.500 lao động; hỗ trợ trên 2.100 người lao động được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài; xây dựng trên 65.800 công trình vệ sinh và nước sạch; hỗ trợ trên 22.300 em học sinh sinh viên được tiếp bước vào các trường đại học, cao đẳng...; hỗ trợ trên 500 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến cho học sinh sinh viên; hỗ trợ xây dựng trên 9.700 căn nhà cho hộ nghèo và xây dựng trên 300 căn nhà cho hộ gia đình có thu nhập thấp.
Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Cụ thể: giai đoạn 2011 - 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 32,98% xuống còn 15,86% (tương ứng giảm 24.729 hộ nghèo); giai đoạn 2016 - 2020 giảm từ 42,53% xuống còn 22,06% (tương ứng giảm 23.894 hộ); năm 2021 có 5.043 hộ thoát nghèo với tỷ lệ giảm nghèo 4,03%; năm 2022 giảm 5.969 hộ nghèo với tỷ lệ giảm nghèo 4,29%; góp phần xây dựng 17/138 xã đạt chuẩn nông thôn mới, ngăn chặn tệ nạn “tín dụng đen” ở khu vực nông thôn, thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa ở nông thôn.
Hơn 20 năm qua cho thấy, sức sống, sự lan tỏa sâu rộng của tín dụng chính sách xã hội, tín dụng chính sách xã hội đã tác động tích cực và có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định an ninh-chính trị, xây dựng nông thôn tại tỉnh Cao Bằng.
Đây là căn cứ, minh chứng quan trọng để Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng tiếp tục xác định tín dụng chính sách xã hội là một trong những giải pháp thiết thực để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cao Bằng./.