Huyền thoại một "Thủ lĩnh người mông"
Vũ ToànKỳ 1: Làm theo lời Bác dặn
Vũ Toàn
Năm 1963, khi đang làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Kỳ Sơn, ông Vừ Chông Pao được Chính phủ mời ra Hà Nội dự lễ kỷ niệm Quốc khánh 2-9. Đây là lần thứ hai ông vinh dự được gặp Bác Hồ (lần đầu vào năm 1954). Từ cuộc gặp này, ông Pao đã vượt lên những thời khắc vô cùng gian khó, kiên nhẫn dụ phỉ ra hàng. Đây là trang huyền thoại đầu tiên trong cuộc đời làm cách mạng khi ông mới 33 tuổi.
Ông Pao có vóc dáng vạm vỡ như một đô vật. Cao 1m80. Nặng hơn 85kg. Khuôn mặt chữ điền. Đôi mắt hiền khô nhưng sáng và sắc. Đặc biệt, cách nói của người Mông toát lên vẻ đẹp chân thật đến lạ lùng.
Ngày 4-3-2007, trong căn nhà cấp bốn đơn sơ tại bản Sơn Hà, xã Tà Cạ, ông Pao kể nhiều câu chuyện thú vị. Chúng tôi ngồi nghe như một cái máy ghi âm bằng mắt, bằng tai, bằng những dòng ghi chép “lia lịa”, nhiều khi phải viết tắt mới theo kịp từng chi tiết, hồn vía chuyện kể của ông.
Mẹo dụ phỉ
Ông Pao kể: “năm 1963, sau khi dự lễ kỷ niệm Quốc khánh 2-9 tại Thủ đô Hà Nội, ngày 3-9 đoàn đại biểu đồng bào các dân tộc thiểu số Nghệ An được gặp Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch”. Hôm ấy, sau khi nghe Bác Hồ hỏi: “các chú cho Bác biết tình hình đời sống của đồng bào các huyện miền núi có gì mới?”. Cả đoàn chưa có ai thưa chuyện thì ông Pao đứng dậy, xin nói:
- Thưa Bác, ở Kỳ Sơn bọn phỉ xưng vua “châu phà” (vua trời) nhiều lắm.
Bác hỏi:
- Nếu họ xưng như thế thì các chú làm thế nào?
- Thưa Bác, người Mông ở biên giới Kỳ Sơn nổi loạn làm phỉ. Cán bộ tuyên truyền mãi nhưng họ không nghe. Họ cứ bắn bộ đội và cán bộ địa phương, đốt phá làng bản rất dã man. Bây giờ, nếu bắt được phải bỏ tù rồi tử hình thôi.
Bác liền đưa tay về phía đoàn khách Nghệ An, ân cần nói:
- Suy nghĩ của các chú như thế là không được. Các chú nên xác định rõ kẻ thù là ai, bạn mình là ai. Bọn đế quốc muốn biến nước ta làm nô lệ nên lừa dân đi làm phỉ để làm bia đỡ đạn cho chúng. Kẻ thù chính là đế quốc. Bạn của ta là đồng bào các dân tộc Việt Nam. Các chú đừng biến bạn thành thù. Nếu biến bạn thành thù thì các chú đánh suốt đời cũng không bao giờ hết giặc.
Trên đường rời Thủ đô, tâm tưởng ông Pao cứ đinh ninh lời căn dặn của Bác. Về lại Kỳ Sơn, ông tổ chức hội nghị gồm cán bộ địa phương và già làng, trưởng bản trong 3 ngày liên tục. Ông Pao truyền lại từng lời của Bác cho mọi người nghe và hiểu. Ngày họp, đêm ông soạn bản tiếng Mông để gọi phỉ ra hàng. “Dân thì nghe nhưng phỉ chống lại. Tôi tính, trước hết phải vận động những gia đình cán bộ có người nhà đi làm phỉ. Khi thành công sẽ vận động tiếp”, ông Pao nhớ lại.
Địa bàn ông Pao chọn làm thí điểm đầu tiên là rừng phỉ ở xã “cổng trời” Mường Lống. Đây là vùng rừng giáp biên giới Việt Nam - Lào nên phỉ Vàng Pao chọn nơi làm địa bàn hoạt động ráo riết. Người ông Pao nhắm tới đầu tiên là nữ Chủ tịch Hội phụ nữ xã Mường Lống, tên là Y Lầu (chị họ ông Pao). Gặp Y Lầu, ông Pao nói:
- Y Lầu à, chồng chị là Lỳ Vả Chinh làm phỉ khét tiếng. Nó đánh bộ đội ta “tích cực” lắm. Chị là vợ nó, lại là cán bộ xã, làm sao chị gọi chồng ra hàng cho bằng được mới xứng đáng là Chủ tịch Hội phụ nữ xã đấy. Ra hàng mà mang theo súng đạn thì càng tốt nhé.
Y Lầu bứt rứt:
- Dạo trước, ta thường gói cơm trong khăn, quấn trên đầu; giấu thịt gà vào bao tượng cột ngang bụng đem cho chồng ăn. Bây giờ phải đi vận động chồng về, thấy khó lắm.
- Chị lựa chọn lời nói cho Lỳ Vả Chinh biết, bộ đội ta có 600 quân, nếu không tự nguyện rút về thì sẽ bị bắn chết hết. Lỳ Vả Chinh bị bắn thì Y Lầu sẽ mất chồng đấy.
Lần thứ nhất, Y Lầu lặn lội vào rừng Huồi Đun tìm hang đá Phả Phìa để gặp chồng nhưng chồng bảo: “ta theo châu phà rồi. Châu phà là vua trời của người Mông. Ta không về đâu”.
Lần thứ hai, Y Lầu lại vào rừng. Lần này gặp chồng, Y Lầu đấu tranh: “con vua trời mà đốt cháy cả bản, bắn cả dân và bộ đội. Ta nghe Bác Hồ nói, nếu ai hạ súng ra đầu hàng thì được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước đấy”. Nghe vợ nói, Lỳ Vả Chinh vẫn một mực “không hạ súng đâu”.
Lần thứ ba, Y Lầu vừa vào đến hang Phả Phìa thì thấy Lỳ Vả Chinh đã gọi hàng chục tên phỉ ra hàng. “Số còn lại cũng lần lượt ra đầu thú khi bộ đội đánh mạnh vào hang Phả Phìa và động Phồng Phên. Đây là những căn cứ nổi tiếng của trùm phỉ ở Kỳ Sơn. Những căn cứ này bị tiêu hao lực lượng rồi bị bộ đội lần lượt đánh sập”, ông Pao vui nói khi nhớ lại những mưu mẹo đầu tiên đi dụ phỉ nhờ đinh ninh lời căn dặn của Bác Hồ.
Ông Vừ Chông Pao là đại biểu Quốc hội khóa VIII; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 2010). Ông đã 8 năm làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện (1961 - 1969); 20 năm Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện (1969 - 1989); 5 năm Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện (1990 - 1995) và 18 năm Phó chủ tịch danh dự Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An (1995 - 2013). |
Ông chủ tịch huyện đi ngựa, dụ phỉ
Sáu năm sau (năm 1969), ông Vừ Chông Pao được bầu làm
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kỳ Sơn. Ông kể một số chi tiết mà lần đầu chúng tôi được nghe: “có lúc ngồi trong xe ô tô chuẩn bị đi họp rồi còn có cán bộ huyện đưa văn bản, xin chữ ký. Mình bảo, ký thì ta ký còn làm sai là anh em chịu nhé”.
Ông bộc bạch: “mình là người ít học, không có bằng cấp, chỉ có cái tâm, cái tình nhưng suốt 20 năm làm chủ tịch huyện chưa để xảy ra một sai sót gì nhé”. Nói đoạn, ông mở tủ lấy cho chúng tôi xem chiếc áo đại cán đã cũ, đính rất nhiều danh hiệu được tặng cùng với Huy chương kháng chiến chống Pháp, Huân chương kháng chiến
chống Mỹ...”.
Mới đây, ngày 31-8-2022 chúng tôi tìm gặp ông Lương Thái Xoan (70 tuổi, trú tại bản Cánh, xã Tà Cạ; làm bảo vệ tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn 24 năm nay) để nghe kể chuyện dắt ngựa cho ông Pao. Ông Xoan mở đầu dí dỏm: “bây giờ, tài xế có ô tô con phục vụ chủ tịch huyện chứ hồi năm 1984, ông Pao chỉ có ngựa thôi”.
Năm 1984, sau khi xuất ngũ ông Xoan được Công an huyện giới thiệu vào giúp việc cho chủ tịch huyện là ông Pao. Việc phụ của ông Xoan đơn giản là hàng ngày tắm, cắt cỏ, chăm cho con ngựa bạch ăn. Nhiệm vụ chính là dắt ngựa cho ông Pao đi công tác. Sở dĩ ông Pao phải dùng ngựa đi công tác là bởi dạo đó từ quốc lộ 7 vào các xã chưa có đường ô tô. Đường vô bản vùng sâu, vùng nhiễu phỉ chỉ là những lối mòn, dốc cao như ghếch lên trời. Bầu trời trên những lối mòn ấy không mưa thì cũng âm u, bùn lầy quanh năm.
Ông Xoan kể một chuyến công tác nhớ đời: “đầu năm 1984, ông Pao đi công tác ở bản Tảng Phăn, xã Na Ngoi. Tôi dắt ngựa đi cùng ông qua xã Tây Sơn, đi tiếp một ngày nữa mới đến Tảng Phăn. Từ Tảng Phăn đi tiếp vào bản Ca Giới. Đêm, ông Pao họp với bộ đội, công an huyện. Sáng ngày thứ ba, ông tiếp tục cưỡi ngựa đi vào khe, mở loa, gọi bằng tiếng Mông để dụ phỉ ra hàng.
Lời gọi của ông Pao chỉ có 2 câu: “yêu cầu các gia đình có người lầm lỡ theo phỉ thì không được đốt phá, bắn bộ đội. Dân bản cố gắng quay về để hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước”. Sáng hôm sau có 3 gia đình ra bản Ca Giới xin ra hàng. Ông Pao bảo, còn 4 gia đình nữa, ta sẽ gọi tiếp”.
Lần đó, ông Pao không đi theo lối cũ về Tây Sơn mà rẽ lối qua xã Nậm Càn, để vào “làng phỉ” vừa mới giác ngộ. Ông Pao dặn “bà con dân bản cố gắng làm ăn, thiếu đói có Nhà nước hỗ trợ, tuyệt đối không được nghe phỉ lừa gạt”. Bây giờ, “làng phỉ” xưa trở thành bản văn hoá. Chúng tôi tìm gặp ông Sồng Bá Lầu - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nậm Càn - để xác minh thông tin này.
Ông Lầu nói: “đó là bản Nậm Khiên, giáp biên giới Việt Nam - Lào. Năm 1984, bản này có nhiều người tiếp tế lương thực, thực phẩm cho bọn phỉ trên biên giới. Sau lần chủ tịch huyện vào vận động, giải thích dân bản lần lượt giác ngộ, xây dựng nên bản văn hóa Nậm Khiên hôm nay”.
Tiếp tục câu chuyện dắt ngựa, ông Xoan mô tả chi tiết gần gũi: “đoạn đường nào có thể cuốc bộ được thì ông Pao đi. Ông chỉ cưỡi ngựa khi chân đã thấm mệt. Có khi mệt nhưng còn gắng sức đi được thì ông Pao nắm lấy đuôi con ngựa để leo dốc cỡ 60 độ. Ông thương con ngựa lắm nên chỉ để đùm xôi, gói muối trên lưng ngựa. Còn nước, khát thì uống nước khe. Gặp khe nào uống nước khe đó. Có lần, tôi xin mua một đôi pin mới để phòng khi cắt cỏ ban đêm cho ngựa ăn nhưng ông Pao bảo “tiêu chuẩn nhà nước cấp chỉ có thế thôi”. Nói rồi, ông Pao mở đèn pin ông đang dùng, chuyển cho tôi đôi pin đã mềm”./.