21/11/2024 | 18:05 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Huyền thoại một "Thủ lĩnh người mông" Kỳ cuối: Người anh hùng

Vũ Toàn


Bản Mường Lống 2 ở xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An)_Ảnh: Vũ Toàn

Đi giúp dân cai nghiện

Ông Pao là người đầu tiên ở Kỳ Sơn xung phong đi giúp dân bản cai nghiện. Chúng tôi mở sổ tư liệu ghi chép tỉ mỉ trong ngày gặp ông (ngày 4-3-2007) ở bản Sơn Hà, xã Tà Cạ để viết kỳ tích này. Kế hoạch giúp dân cai nghiện của ông bắt đầu từ năm 2002. Bản nào “nóng” nhất, nhiều người nghiện nhất thì ông đến không kể vùng sâu, vùng xa. Đường giao thông ở “huyện nghèo nhất nước” lúc này đã cho phép “ông già” đi xe U-oát thay cho chú ngựa bạch cần mẫn hồi trước. Ông liệt kê tên xã từng đi cai, như Chiêu Lưu, Hữu Lập, Bảo Nam, Nậm Cắn, Mỹ Lí...

Ông Pao giúp dân cai nghiện bằng cách vận động đối tượng nghiện tự giác cai. Buổi lễ cai tại bản Khe Tang, xã Chiêu Lưu của người Khơ Mú và người Thái bắt đầu bằng những câu chuyện tai nghe, mắt thấy của ông. Ông nêu tên một người nghiện cụ thể và nói thẳng “anh A., anh B. là người tốt, chăm chỉ làm ăn nhưng vì nghe theo kẻ xấu xúi giục nên bị nghiện. Bây giờ phải sửa. Muốn sửa thì phải cai”.

Phương pháp cai nghiện của ông Pao là “không đẩy người nghiện bị góp ý, phê bình vào thế bí nhưng kiên trì giải thích cho họ hiểu thấu cái sai ở đâu để sửa sai ở đó”. Ông nói tiếp trong buổi lễ: “ma túy là do kẻ xấu tác động nhưng nếu cai sớm thì đỡ nhiều, cai muộn thì ngày càng nặng thêm”. Câu nói của ông Pao dễ hiểu, không sáo rỗng nhưng cũng có ý tứ để ngăn ngừa. Đối với người nghiện nặng, tàng trữ ma túy, ông nói: “ai vi phạm pháp luật thì công an họ “lấy” (bắt) đi đấy”. 

Buổi lễ cai cũng là buổi tập trung bàn đèn, kim tiêm để huỷ trước sự chứng kiến của người nghiện, người thân và những tổ chức từ thiện trực tiếp chăm sóc sau cai. Sau cai, ông Pao đích thân đi mua giống heo, đào từng cây chuối mang về cho đối tượng cai nghiện trồng. Hồi đó, ông đi xe đạp hơn 20 cây số về bản Khe Tang rồi ở đó cai xong một đợt 2 - 3 tháng mới về nhà.

Ngày 10-6-2007, tại bản Khe Tang, chúng tôi nhìn thấy cảnh tay bắt, mặt mừng giữa ông Pao với những người đã đoạn tuyệt ma túy. Ông Moong Văn Nam khoe: “chính nhờ ông Pao chữa cho tôi mà giờ đã thoát khỏi nghiện ngập”. Ông Hoa Phò Thải thấy chúng tôi đến liền ngừng tay thái cây chuối trước cầu thang nhà sàn, vui nói: “lúc đầu tôi không chịu cai nhưng có ông Pao giúp đỡ nay đã trở thành người “sạch” ma túy rồi. Khỏe cái người lắm”. 

Những người này trở thành cộng tác viên “ruột” được ông Pao tin tưởng giao việc tuyên truyền, giúp nhiều người khác cùng quyết tâm cai nghiện. Kết quả, 30/47 con nghiện ở Khe Tang được cai thành công. Hôm ở bản Khe Tang, chúng tôi nhắc lại con số thuyết phục này, ông Pao nói: “bản có 57 hộ nhưng 47 người nghiện. Thời điểm đó ở 20 xã, thị trấn của Kỳ Sơn có 3.000 con nghiện. Khe Tang là điểm “nóng” nhất nên phải làm trước mới được”.

Mới đây, ngày 14-9-2022, chúng tôi tìm gặp đại tá Nguyễn Văn Đề - nguyên Trưởng Công an huyện Kỳ Sơn, là người thường đi công tác cùng ông Pao ở những địa bàn “nóng” nhất - để biết thêm một kỳ tích khác của “thủ lĩnh” Vừ Chông Pao. Cuốn “Địa chí huyện Kỳ Sơn” cho biết, giai đoạn 1992 - 1994 huyện Kỳ Sơn nhận được nguồn đầu tư của Chính phủ và Chương trình kiểm soát ma túy của Liên hợp quốc (UNDCP) tài trợ nên đã xóa được 61,2ha (năm 1992) cây thuốc phiện, 384ha (năm 1993), 613ha (năm 1994). 

Có 1.213 hộ nông dân xóa cây thuốc phiện để trồng lúa nước, khoai sọ, bí xanh, gừng và ngô lai... Ông Đề nói: “đây là kết quả rất đáng được khích lệ nhưng việc tái trồng cây thuốc phiện rất âm ỉ, phức tạp. Chính ông Pao lại tiếp cận điểm “nóng” nhất để giúp dân bản xóa bỏ vấn nạn này”.

Ông Đề nhớ hôm ở bản Tiền Tiêu, xã Nậm Cắn, ông Pao đến vận động dân bản không tái trồng cây thuốc phiện. Có người thắc mắc: “ngày trước ta được trồng để bán, dược phẩm thu mua, giờ bỏ hẳn khó lắm”. 

Ông Pao giải thích: “trước đây ta trồng để nhập cho dược phẩm nhằm giúp họ làm thuốc chữa bệnh. Giờ y học phát triển đầy đủ rồi. Nếu ta trồng sẽ có người xấu xúi giục sử dụng ma túy hoặc lén lút đem bán thì nó sẽ gây nghiện từ một người đến nhiều người. Gia đình anh A. trong bản ta hút thuốc phiện rồi nằm lăn ra ngủ, không đi sản xuất được. Con cái khổ. Nhà cửa dột nát. Vợ chồng đánh nhau. Nhà anh B. không có người nghiện, chăm làm ăn, lo đủ cuộc sống, con cái được đi học, ai cũng nhìn thấy”.

Sau khi nêu một số dẫn chứng như vậy, ông Pao hỏi: “ai nhất trí xóa bỏ, không tái trồng cây thuốc phiện?”. Già làng, trưởng bản đưa tay lên đầu tiên rồi lần lượt tất cả dân bản ngồi nghe đều đưa tay lên đồng tình. Cuối buổi, bản “mổ” con bò để ăn mừng. Ông Pao bảo, theo tục lệ của người Mông, bữa liên hoan đó xem như “bản cam kết” của dân bản đối với chính quyền địa phương. Dân cam kết vì đã “thấu cái bụng” rồi. 

Kể chuyện này, Ông Đề nêu nhận xét: “ông Pao có cách nói chuyện riêng, như một biệt tài. Ông không trích dẫn chủ trương, nghị quyết mà lấy những dẫn chứng sát sườn cho nên dân dễ hiểu và làm theo ngay. Chúng tôi nói cả buổi không chắc thuyết phục dân bản như ông Pao chỉ nói trong một giờ”. Ông Đề lộ vẻ nuối tiếc: “tiếc, không có tác phẩm văn học nào viết về ông Pao, bởi ông Pao có dáng dấp như hình tượng Anh hùng Núp của dân tộc Ba Na”.

Đưa người Mông xuống núi

Biệt tài vận động của ông Pao được thể hiện từ năm 1987, hồi ông đang làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kỳ Sơn. Ông Mùa Nỏ Xừ - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kỳ Sơn (2010 - 2015) - là 1 trong 3 người Mông đầu tiên được ông Pao “đưa” xuống núi. 

Ông Xừ kể: “năm 1987, tôi công tác ở công an huyện. Nhà tôi ở bản Pù Quặc, xã Na Ngoi cách trung tâm huyện khoảng 30 cây số. Từ nhà đến cơ quan cứ đi như chui trong rừng núi chui ra vì hồi đó đường ô tô chưa đến xã Na Ngoi. Một lần đi công tác với Chủ tịch huyện là ông Pao được ông khuyên nên tôi chuyển nhà xuống bản Sơn Hà, xã Tà Cạ để công việc cơ quan và cuộc sống tốt hơn”. 

Lời khuyên của ông Pao gồm 3 ý, ông Xừ thuộc như đếm ngón tay: “người Mông sống riêng lẻ trên núi cao, xa trung tâm xã, huyện và tách biệt với đồng bào các dân tộc khác nên rất cô độc. Bây giờ người Mông nên xuống núi, hòa nhập với cộng đồng dân cư để hiểu biết thêm về đời sống văn hóa xã hội. Xuống núi để con, cháu được học hành tiến bộ mới tham gia được các phong trào của Nhà nước, mới làm được cách mạng”.

Hai danh hiệu anh hùng

“Ngày 12-5-2010, trong dịp Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ nhất, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã trao cho huyện Kỳ Sơn 2 danh hiệu Anh hùng. Đó là danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân huyện Kỳ Sơn (huyện biên giới giáp Lào, từng là hậu phương lớn cho chiến trường Lào trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Kỳ Sơn là địa phương nổi tiếng đánh phỉ; chống trả nhiều trận oanh kích và bắn rơi 7 máy bay oanh tạc của Mỹ). Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thứ hai dành cho ông Vừ Chông Pao, lúc ông tròn 80 tuổi, Phó Chủ tịch danh dự Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An, đặc trách tại Kỳ Sơn...

Năm 18 tuổi, ông Pao thành lập đội du kích chống phỉ. Hơn 30 năm làm cán bộ chủ chốt huyện Kỳ Sơn. Về hưu nhưng vẫn làm Phó Chủ tịch danh dự Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An, đặc trách tại huyện Kỳ Sơn suốt 18 năm... Ngoài sự cảm phục của đồng bào các dân tộc ở Kỳ Sơn, lãnh đạo tỉnh Xiêng Khoảng và huyện Noọng Hét (Lào) cũng dành những tình cảm sâu sắc với ông Pao. Các đoàn công tác của họ mỗi khi sang Việt Nam làm việc đều ghé thăm, trò chuyện với ông Pao”. Ông Vi Hoè, Bí thư Huyện uỷ Kỳ Sơn

Những lời ông Pao khuyên ông Xừ, giống như ông Pao khuyên người tiếp theo là ông Mùa Nỏ Tu, khi ông Tu đang cư trú ở bản Vàng Lứ, xã Tây Sơn, làm cán bộ trực ủy ban huyện (sau này ông Tu làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kỳ Sơn nhiệm kỳ 1996 - 2005). Người Mông thứ ba cũng xuống núi trong đợt này chính là ông Vừ Chông Pao. 

Ông Xừ kể: “năm 1987, đường ô tô cũng chưa đến được xã Tây Sơn quê ông Pao, nên ông được Nhà nước cấp một con ngựa để đi từ nhà ở bản Huồi Giảng 1, xã Tây Sơn ra làm việc tại ủy ban huyện. Làm chủ tịch huyện mà đi ngựa hàng chục cây số thì bí bách vô cùng nên ông mới nghĩ chuyện dời nhà xuống núi. Ông Pao là người dẫn đầu để những người Mông chúng tôi lần lượt về xây dựng nên bản Sơn Hà này”. 

Đến nay, bản có 73 hộ gia đình người Mông, nhiều người là cán bộ huyện và các cơ quan lân cận. Tất cả đều ở chung với người Thái, người Kinh. Câu chuyện của ông Xừ giúp tôi hiểu thêm vì sao bản Sơn Hà có biệt danh là “bản cán bộ”.

Theo Phòng Dân tộc huyện, hiện Kỳ Sơn có 25.932 người Mông, trong đó 14.400 người Mông đã xuống núi. Ông Đề nêu một kỳ tích khác của “thủ lĩnh” Vừ Chông Pao: “ngoài 3 lý do đưa người Mông xuống bản Sơn Hà, còn một lý do nữa để ông Pao tiếp tục vận động người Mông xuống núi. Đó là, ngăn ngừa họ tổ chức di cư tự do vào tận tỉnh Đăk Nông, sang tận Lào”.

Hôm ở bản Sơn Hà, xã Tà Cạ, chúng tôi thăm lại ngôi nhà của ông Pao. Mới hay, ngôi nhà cấp bốn giản dị này được Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An xây tặng gia đình ông Pao khi ông đang làm chủ tịch huyện năm thứ 18 (năm 1987). 

Giữa bức vách chính là tấm di ảnh của ông (ông Pao qua đời năm 2015). Xung quanh là những tấm ảnh ông Pao chụp chung với một số lãnh đạo Đảng, Nhà nước mỗi lần ông ra Hà Nội họp Quốc hội. Nổi bật lên là danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân huyện Kỳ Sơn và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân mang tên Vừ Chông Pao./.