21/11/2024 | 17:56 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Huyền thoại một "Thủ lĩnh người mông" Kỳ 2: Dưới những cánh rừng pơmu

Vũ Toàn


Ông Lê Văn Trung (giữa), ông Vừ Chống Dì (trái) và ông Vừ Rả Tênh dưới cánh rừng pơmu ở bản Huổi Giảng 3_Ảnh: Vũ Toàn

Sau 20 năm làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kỳ Sơn (1969 - 1989), ông Vừ Chông Pao đã 59 tuổi. Do có tín nhiệm cao, ông được Đảng bộ và nhân dân Kỳ Sơn bầu làm Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện thêm 1 nhiệm kỳ (1990 - 1995). Cuối năm 1995, nghĩ mình chắc chắn sẽ được nghỉ hưu nhưng Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An lại mời ông làm Phó Chủ tịch danh dự, đặc trách huyện biên giới Kỳ Sơn. 

Ông Pao lại lãnh nhận trách nhiệm mới ở tuổi 65 với cái tâm, cái tình vốn có. Ngay năm đầu tiên (năm 1996), ông Pao được lãnh đạo tỉnh Nghệ An giao trọng trách thực hiện dự án 327 (sau chuyển thành dự án định canh, định cư) ở xã Tây Sơn. Ông Pao bắt đầu một cuộc dấn thân mới mẻ ngay trên quê hương dòng họ Vừ của mình.

Dự án vì dân

Ông Lê Văn Trung (54 tuổi, Phó ban A của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An) cho hay, năm 1996 khi đang là cán bộ kế toán thương nghiệp Kỳ Sơn, ông được ông Pao trực tiếp mời về tham gia dự án này và trở thành cộng sự số một của ông Pao. Nhiệm vụ trong quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện giao cho ông Trung là “kiêm nhiệm công việc của dự án, trực tiếp làm kế toán thay đồng chí Quyển, chuyển công tác khác”. 

Câu đầu tiên ông Trung nói về quá trình thực hiện dự án chỉ có 4 từ: “vô cùng vất vả”. Câu thứ hai gói gọn trong 11 từ: “làm việc với ông Pao, tôi học được nhiều điều quý”.

Ngày 5-9-2022, ông Trung đưa chúng tôi ngược lên Tây Sơn tìm gặp một số dân bản làm nên những cánh rừng pơmu để biết thêm về sự dấn thân của “thủ lĩnh” Vừ Chông Pao trong lĩnh vực trồng rừng. 

Từ chân rừng ngược vòng quanh lên đỉnh rừng thuộc bản Huồi Giảng 3, ông Trung nhớ lại những “pha” cuốc bộ đến tê cả hai chân, cách đây 26 năm. “Hồi đó, bác Pao và tôi đi bộ “nhẵn” cả dốc, đèo khu vực từ bản Huồi Giảng 1 đến Huồi Giảng 2, Huồi Giảng 3 và bản Vàng Lứ. Thường mỗi đợt đi 2 ngày. Có đợt hai bác cháu đi liên tục 15 ngày để hướng dẫn dân bản cách đào hố, trồng và chăm sóc đúng theo “gu” của cây pơmu”, ông Trung nhớ lại.

Một hôm tại bản Vàng Lứ, sau khi cùng dân bản xẻ rừng lau lách, mở đường, đào hố, ông Trung lấy đùm cơm với muối trắng trong ba lô ra chuẩn bị bữa trưa. Thấy cơm khô, muối trắng cũng khô, ông sợ ông Pao không nuốt nổi. Biết ý, ông Pao chỉ tay xuống khe cạn trước mắt, nói: “có nước đang rỉ ra khe đó”. 

Dứt lời, ông ngắt chiếc lá để trong lòng hai bàn tay khum lại, hứng từng giọt nước đang tí tách chảy xuống khe để vừa ăn, vừa uống thay cho món canh thường ngày. Thấy ông Trung đói, mệt và có vẻ khó ăn, ông Pao bày cách: “chú nhai một quả ớt, khi nào tê hết lưỡi thì ăn được cả đùm cơm”. 

Ông Trung làm theo thì đúng như lời ông Pao. Ông Trung gợi lại chi tiết này với cảm nhận “đây là một kinh nghiệm khác người của bác Pao, một kỷ niệm nhớ đời của tôi”.

... Theo ông Trung, trước khi triển khai dự án, dân bản đã được ban dự án tập huấn kỹ nhưng ông Pao vẫn theo sát người dân không kể nắng mưa, thậm chí cầm tay chỉ từng công việc. Ví như, khi lên núi trồng cây, người dân phải gùi theo ống nước để trồng cây nào tưới nước cho cây đó. Trồng từng khóm cây xong phải có mái che bằng lá cây tạp để giữ độ ẩm trong đất, cây mới bén rễ được.

... Chuyến đi nào ông Trung cũng bám sát ông Pao. Trước những đợt chi trả tiền công cho dân bản, ông Pao thường chống gậy đi kiểm tra mà ông quen nói là “đi xem rừng”. Cây nào chết, ông yêu cầu trồng lại mới được chi trả tiền công. Khóm nào làm cỏ chưa sạch, ông “gác” tiền công đến khi dọn sạch cỏ. 

Một lần, nhìn thấy gốc cây con đã được làm mái che, gốc cây đã sạch cỏ nhưng ngọn cây bị rũ xuống, ông nói chân thật mà nghe ấm áp, đùa vui: “ơ, phải thêm tiền cho cây này để hắn mọc thẳng lên chứ”. Sau lần đó, ông bàn với ông Trung chi thêm kinh phí nhằm tăng lượng phân bón cho đất và công chăm sóc của người dân để công việc trồng rừng hiệu quả hơn.

... Đây là thực tế giúp ông Trung rút ra bài học kinh nghiệm đắt giá suốt chặng đường làm Trưởng Ban quản lý các dự án ở Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên (thuộc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Nghệ An) và phó Ban A của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An hiện tại. 

Ông Trung nêu một nhận định: “làm dự án, nhất là dự án 327 hoặc dự án định canh, định cư thời đó, nếu chủ dự án không theo sát các bước triển khai thì sẽ thất bại sớm. Không theo cây thì cây không thể thành rừng, giống như con người không rèn luyện, không được quản lý khắt khe thì không thể trở thành cán bộ giỏi. Hình ảnh bác Pao chống gậy đi đếm từng gốc cây, khóm cây khắp 60ha, cây nào không đạt thì yêu cầu trồng lại, cây nào đạt mới chi trả tiền là bài học làm dự án cho dân. 

Liên tục trong 6 năm đầu như vậy, khiến hàng vạn cây pơmu giống lớn dần, tạo thành những cánh rừng pơmu hùng vĩ hôm nay. Thực tế này cho thấy, không bao giờ ông Pao làm thất thoát, lãng phí hoặc lấy tiền dự án bỏ vào túi mình”.

Sức lan tỏa của dự án

... Ông Vừ Rả Tênh - Bí thư Đảng ủy xã Tây Sơn - vòng 2 cánh tay sạm, chắc ôm thân cây pơmu sừng sững bên lối mòn chạy xuyên cánh rừng ở bản Huồi Giảng ngoài. Ông vui nói: “đây là tâm điểm vùng rừng của bố con tôi. Bố và sáu anh em chúng tôi được bác Pao cổ vũ trồng pơmu trước ngày đưa dự án về Tây Sơn. 

Theo thống kê công phu của Phòng Nông nghiệp huyện và Ban quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn, 6 anh em (Vừ Nhia Hùa, Vừ Xái Chù, Vừ Vả Lềnh, Vừ Rả Tênh, Vừ Giống Pừ, Vừ Bá Giờ) và bố là Vừ Pà Rê hiện có 30,27ha trong tổng số 60ha pơmu, samu của dự án bác Pao đấy”.

... Câu chuyện của bố con ông Tênh lại đưa chúng tôi trở về những ngày đầu khai sinh những cánh rừng này. Ông Tênh kể: “năm 1994, một công ty lâm đặc sản lên khai thác những gỗ pơmu có đường kính gần 2m trên dãy núi Pu Lon. Nhiều cây mới 25 - 30 năm tuổi cũng bị khai thác trắng. Lúc đó, bố Rê (nguyên Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân xã Tây Sơn, nghỉ hưu năm 1988) tận mắt nhìn thấy, tiếc đứt ruột. Bố Rê sợ giống cây quý hiếm này sẽ biến mất, thế hệ con cháu sau này không bao giờ biết cây pơmu là gì. Nếu mất rừng, bản làng không thể chống chọi với bão lũ, xói lở... Nghĩ thế, bố Rê đưa anh em chúng tôi sang đỉnh Pu Lon tìm hạt giống về ươm và cây con về trồng. Mỗi ngày chỉ tìm được mươi quả (giống quả phi lao) và một ít cây con mảnh khảnh, cao tầm 15cm”. 

Khi 7 bố con trồng được 2ha thì cụ Rê tuyên truyền cho dân bản và kể chuyện này với ông Pao. Nghe xong, ông Pao cảm kích: “tấc đất là tấc vàng. Đất biên giới còn quý hơn cả vàng. Phải triển khai dự án 327 cho dân bản ngay”. Ông Pao còn khuyên cụ Rê: “ông nguyên là cán bộ chủ chốt của xã nên phải vận động, phải làm trước cho dân bản làm theo. Dân có trồng cây thì Tây Sơn mới có rừng pơmu thay thế rừng Pu Lon. Rừng này sẽ cho khí hậu tốt hơn, giúp dân có công ăn, việc làm để thoát nghèo, không di cư tự do nữa”.

Ông Vừ Chống Dì - nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tây Sơn (1994 - 1999), là bạn thân thiết với ông Trung từ những năm thực hiện dự án - nhắc lại ngày dân bản nghe lời ông Pao, vượt 3 giờ đèo dốc lên đỉnh Pu Lon săn tìm hạt giống và những cây pơmu con trong cỏ, lau về bán cho dự án. Mỗi năm, dự án trồng 3 - 4 đợt. Một héc-ta trồng 600 cây. “Bây giờ, ngoài 60ha của dự án, Tây Sơn còn có hơn 50ha rừng pơmu, samu do dân bản thực hiện các dự án bổ sung khác”, ông Dì cho hay.

Sau khi rời những cánh rừng pơmu, ông Trung dẫn chúng tôi về lại ngôi nhà của ông Vừ Nhia Hùa - nơi ông Pao thường tổ chức họp dân bản (có cuộc họp thâu đêm) để bàn cách thực hiện dự án phải an toàn, phải trở thành rừng. Tại đây, chúng tôi nhớ tới chuyện ông Vừ Vả Chống - cựu chiến binh, cán bộ xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn - đã đùm cơm, muối đi 35km, sang tận Tây Sơn tìm thầy, học cách trồng pơmu để xoá nghèo. Người thầy đó chính là cụ Vừ Pà Rê. Đó là năm 2003. 

Khi nghe ông Chống thổ lộ khát vọng trồng pơmu, cụ Rê nói: “con ạ, đất rừng là “vàng mười”, pơmu là “vàng xanh” của núi rừng ta đó. Rất nên trồng và hướng dẫn cho dân bản trồng theo thành nhiều rừng pơmu. Nếu con quyết chí thì ta cho giống cây về trồng thí điểm. Cây sống thì ta cho nhiều”. Hôm ấy, cụ Rê tặng ông Chống 200 bầu cây pơmu kèm theo kỹ thuật đào hố, cách chăm sóc và chữa bệnh cho cây, ông Chống mua thêm 300 bầu cây giống nữa. 

Hiện ông Chống là chủ rừng pơmu nổi tiếng ở xã Huồi Tụ với hơn 7ha trên dãy núi Au Tiên. Tiếp đó, 30 hộ gia dân bản ở Huồi Tụ học ông Chống trồng rừng và được ông Chống vừa tặng, vừa bán cây, truyền dạy kỹ thuật,... giống y như thầy Rê. Nói chuyện về trồng rừng pơmu thành công, ông Chống ví von: “việc trồng rừng pơmu chính là cái chìa khóa mở toang cánh cửa bí hiểm của sự nghèo khó, giúp ta hiểu được thế mạnh của rừng cây, để làm giàu”./.