21/05/2024 | 01:51 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com











Pà Khốm là 1/10 bản người Mông trong tổng số 33 bản của xã Tri Lễ. Vùng bản cheo leo trên đỉnh núi Pà Khốm Huồi Ho giáp ranh cụm bản Phăn Thoong, huyện Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn, nước bạn Lào.

Hồi năm 1995, khi mới 27 tuổi, chàng trai Hờ từng thất vọng khi đứng nhìn những nền nhà bỏ hoang, những hộ gia đình bán nhà bán cửa, gồng gánh, địu con vượt rừng sâu núi thẳm di dân tự do sang Phăn Thoong bên kia biên giới. 

Trong 10 bản Mông thì 8 bản có người đi rải rác. Riêng 2 bản Huồi Mới 2 và Nậm Tột đi cả bản. Do sự việc phức tạp nên Hờ không đủ lý lẽ để kịp níu kéo dân bản của mình biết đường dừng lại bên này biên giới. 

Năm 2000, nạn di dịch cư ngày càng nhiều, phức tạp nên lãnh đạo địa phương và bộ đội biên phòng dành thời gian phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm ngăn ngừa người di dịch cư trái phép. 

Nhờ đó, Hờ tìm cách vận động người dân trong bản không tiếp tục rời đi và kêu gọi dân bản bên kia biên giới quay về. 

 Cách vận động của Hờ là giải thích cho dân bản hiểu được việc bán nhà, bán đất sẽ dẫn đến cuộc sống khó khăn khi sang bên kia biên giới không dễ tìm được việc làm. 

Cái khó khác là khi dân bản quay về, chính quyền địa phương xã, huyện rất vất vả trong việc bố trí tái định cư. Cùng với nhiều hệ luỵ khác, khó khăn sẽ chồng chất.

Đối với dân bản “đang rục rịch đi”, Hờ kiên trì lấy cuộc sống của chính gia đình mình thuyết phục kiểu “mưa dầm thấm lâu”. 

Đối với dân bản đã đi, Hờ thông qua người thân, người anh em họ hàng bên kia biên giới để “chuyển” thông tin sang. Phải 9 năm sau, năm 2009, người di dịch cư mới rậm rịch trở về Pà Khốm. 

Năm 2010, dân bản quay về nhiều nên huyện tiến hành xây dựng 2 khu tái định cư D1 và D2 ở bản Minh Châu (nay là 2 bản Na Niếng và Tam Hợp) để cưu mang bà con.

Giải thích lý do vì sao dân bản Pa Khốm lại rủ nhau di dịch cư, già Hờ mở tầm mắt nhìn bao quanh dãy núi Pà Khốm Huồi Ho đang chìm khuất dưới trời sương, nhớ lại: “là do Nhà nước cấm trồng cây anh túc. Dân bàn Pà Khốm có tập quán trồng cây anh túc từ lâu đời lắm rồi. Vì có vườn là có hoa. Có hoa là có quả. Có quả là có nhựa. Có nhựa là có thuốc. Có thuốc là có tiền. Mà thuốc phiện còn chữa được bệnh nữa. Tập quán ăn sâu, bám rễ này rất khó bỏ”.

Vẫn chưa thổ lộ hết ý nghĩ, già Hờ phân tích: “ngày xưa, người ta trồng cây anh túc thì có tiền nhưng không thể giàu lên được vì có thuốc, hút vào đâm nghiện. Người già trong bản ai cũng nghiện. Có gia đình nghiện cả hai vợ chồng. 

Bố mẹ nghiện không đi làm được thấy con ngồi chờ rồi cho con hút. Thế là con cũng nghiện luôn. Gia đình nghiện ma tuý nguy hiểm đến mức không có ai đi làm nên đói cái bụng. Bụng đói ắt sinh ra tệ nạn. Đúng là nghiện rượu gọi là ma men, nghiện thuốc phiện gọi là ma tuý. Những con ma ác độc khiến người nghiện khó lùi nổi”.

Khi cây anh túc bị cấm trồng, dân bản Pà Khốm tìm đường đi phát rừng, đốt cây làm rẫy. Người Mông sinh sống trên triền núi cao nên việc phát rẫy dễ dàng, ít bị phát hiện. 

Một tập tục khác của người Mông, sau khi làm rẫy họ trồng chỉ 2 mùa lúa mới là bỏ rẫy cũ đi phát rừng làm rẫy mới. Rừng cây biến thành rừng trọc rất nhanh. Sau một thời gian, việc phá rừng làm rẫy cũng bị cấm. “Người Mông không biết làm gì để sinh sống khi cả 2 nghề chính không còn nữa nên họ di dịch cư để tìm kế sinh nhai”, già Hờ nói như một khắc hoạ buồn.




Nhận biết nguyên nhân di dịch cư của người Mông là đi kiếm hạt gạo cho nên khi dân bản quay trở về quê cũ, già Hờ lấy ruộng bậc thang của nhà mình, làm mô hình khuyến khích dân bản làm theo. Bởi già Hờ nghĩ, cái lý của người Mông không gì bằng tai được nghe, mắt được thấy và được chỉ dẫn chu đáo.

Già Hờ kể: “sở dĩ ta không trồng cây anh túc, không đốt rừng làm rẫy nhưng vẫn bám trụ được cuộc sống ở bản Pà Khốm là do ta có ý thức xoay trở mọi việc để tìm ra hạt lúa, chăn nuôi trâu bò gà lợn và trồng cây măng đắng”. 

Nhưng để làm được ruộng bậc thang không dễ vì làm mạ lúa nước không dễ. Già Hờ nghĩ, nếu ra Lào Cai, lên huyện Sa Pa học thì vất vả lắm. Già Hờ tìm cách học hỏi người Thái. Hoá ra, làm ruộng bậc thang chỉ hơi khó một chút nhưng có nước là trồng được cây lúa trên sườn núi. 

Nhưng những vụ đầu cho năng suất không cao. Già Hờ tìm hiểu và xác định do lúc đó chưa có thuốc trừ sâu nên lúa bị sâu cắn phá. Già Hờ rút kinh nghiệm, bỏ tiền mua thuốc trừ sâu.

Dân bản quay về đang đói hạt gạo nên khi được già Hờ vận động, chỉ dẫn cách trồng lúa thì ai ai cũng phấn khởi làm theo. Trong số 99 hộ (660 nhân khẩu) của bản Pà Khốm, có nhiều gia đình làm ruộng bậc thang vòng quanh dốc núi. Dãy núi Pà Khốm Huồi Ho xuất hiện nhiều thửa ruộng lúa nước trên cao, xanh sắc.

  

 Già Hờ hào hứng với “danh hiệu người có uy tín” được dân bản và chính quyền địa phương tôn vinh. Già bảo, người có uy tín thì phải làm gương. Làm gương nghĩa là mình vừa có thu nhập, vừa giúp bà con dân bản cách chăn nuôi để có thu nhập như mình. 

Già Hờ cần tiền gây dựng đàn trâu, bò 30 con nhưng không vay ngân hàng. Muốn có tiền thì tự nhân giống để bán. Muốn bán con bò thì phải vỗ béo. Muốn vỗ béo thì phải nhốt con bò trong chuồng. Bán con bò to để mua 2 con bò nhỏ, gây dựng tiếp cho thành đàn. “Bò đẻ, trâu đẻ là tiền về nhiều lắm”, già Hờ phấn khích.

Ngoài kết quả chăn nuôi của mình, già Hờ còn nêu mô hình chăn nuôi gần 100 con bò của gia đình ông Lì Nỏ Pó. Cách làm hiệu quả của ông Pó là trồng cỏ voi trong mùa sương muối. Đây là phương pháp tạo nguồn thức ăn, vỗ béo đàn bò rất tốt. 

Già Hờ mô tả với bà con dân bản: “buổi chiều nắng lấp loá trên đàn bò gần 100 con của nhà ông Pó đẹp như bức tranh màu về một thảo nguyên vàng”.

Sau ruộng bậc thang và chăn nuôi, già Hờ nghĩ đến cách tuyên truyền cho dân bản trồng cây măng đắng và trồng cây đào theo Nghị quyết 23 của Đảng bộ xã Tri Lễ. Già Hờ giải thích cho dân bản, vì sao cây măng đắng và cây đào là mũi nhọn phát triển kinh tế của Pà Khốm và của xã Tri Lễ. 

Đơn giản, chỉ vì cây măng đắng bán búp còn cây đào bán hoa, bán quả. Hiện măng đắng được xem là đặc sản vùng cao mà nhà nào cũng có thể trồng được. Nhà ông Thò Nhia Thông thu hoạch 100 triệu đồng/năm từ măng đắng. 

Vườn măng đắng của ông Thông đang được người dưới xuôi lên trả 1 tỷ đồng nhưng ông chưa ngã giá. Còn cây đào vừa có quả thu hoạch sớm, bán trong tháng 4 và tháng 5, vừa có hoa bán dịp tết. Đào “mốc” của người Mông đẹp, đắt giá. Có vườn đào của một gia đình ở bản Huồi Mới bán 70 triệu đồng trong dịp tết 2023.


Vừa nghe câu chuyện "điểm tựa" của già Thò Chứ Hờ, trung tá biên phòng Nguyễn Bá Kiệm - cán bộ tăng cường làm Phó Bí thư Đảng uỷ xã Tri Lễ - cho hay: "từ Pà Khốm đi bộ 3 giờ là chạm đường biên giới Việt - Lào. 

Đây là địa bàn phức tạp, "nóng", cách uỷ ban nhân dân xã 38km, từng xảy ra nhiều vụ án đặc biệt lớn về ma tuý. Vì tính chất nhạy cảm của việc lợi dụng người Mông buôn bán ma tuý qua biên giới nên bản Pà Khốm có một tổ tự quản gồm 8 người do Uỷ ban nhân dân huyện Quế Phong thành lập. 

Tổ có nhiệm vụ cùng cấp uỷ, chính quyền địa phương, Đồn Biên phòng Tri Lễ bảo vệ an toàn đường biên, cột mốc và an ninh biên giới".

Già Hờ đọc được chức danh 8 thành viên của tổ tự quản: bí thư chi bộ bản, trưởng bản, công an viên, thôn đội trưởng, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, ban công tác Mặt trận và người uy tín. 

Nhắc đến chức danh "người uy tín", già Hờ cười dể lộ hàm răng trắng không còn nguyên vẹn. Già khoe, con trai của già là Thọ Bá Vàng, 33 tuổi, đi bộ đội giờ về làm thôn đội trưởng. " Hắn vừa đi nhận bằng khen của biên phòng tỉnh và giấy khen của huyện đấy". 

Nói đoạn, già Hờ kể: "hằng tháng tổ tự quản tuần tra khép kín từ cột mốc 379 đến 380, dài 2km. Anh em đi 4 giờ mới đến một cột mốc. Ta có tuổi rồi nhưng vẫn đi, mặc dù không "phăm phăm" được như hồi trẻ".


2 May 2024