Chúng tôi đến sớm hơn lịch hẹn, PGS, TS Vũ Minh Khương đang làm việc. Trong lúc chờ đợi, tôi tản bộ và trò chuyện với một cán bộ Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, người sắp xếp cuộc làm việc. Khi tôi hỏi ý kiến nhận xét về ông Khương, nữ nhân viên lắc đầu ý nói không thuộc thẩm quyền phát ngôn. Nhưng tôi nói rõ là ý kiến cá nhân, cô trả lời không chút ngại ngùng. Cô cho rằng, PGS, TS Vũ Minh Khương không chỉ có vai trò kết nối với trường, mà ở tầm quốc gia, bởi ông có mối quan hệ rất tốt với Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore, đã có nhiều việc làm góp phần thúc đẩy, tăng cường, củng cố mối quan hệ toàn diện giữa Việt Nam và Singapore, nhất là về lĩnh vực giáo dục. Chuyện chưa lâu thì cũng đến giờ ông Khương tiễn khách ra về.
Bắt tay chào hỏi, chúng tôi chìa tấm ảnh lưu trên điện thoại và nhắc lại với ông rằng, ngày 12-12-2016, ông có tới Tạp chí Cộng sản làm diễn giả báo cáo thông tin chuyên đề: “Xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển: Kinh nghiệm quốc tế và Singapore - Những kiến nghị đối với Việt Nam”. Cuộc trò chuyện có lẽ vì thế mà cởi mở, chân thành, thẳng thắn, tâm huyết và đầy trách nhiệm.
PGS, TS Vũ Minh Khương trả lời phỏng vấn nhà báo Tri Thức (Tạp chí Cộng sản)
Thưa PGS, TS Vũ Minh Khương, những thành quả về kinh tế - xã hội mà nước ta đạt được trong gần 40 năm đổi mới rất đáng ghi nhận, trở thành điểm sáng của kinh tế thế giới, được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Theo ông, đâu là căn nguyên dẫn đến thành công đó?
Sự phát triển trong những năm qua ở Việt Nam, phải nói đã đem lại kỷ nguyên mới. Tôi tin rằng, dù Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từ trần, song các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ tiếp tục những di sản, những tâm huyết của Tổng Bí thư trong thời gian qua. Trong đó, có 4 điều rõ hơn cả: một là, tầm nhìn đến năm 2045 rất sáng rõ, đến giữa thế kỷ XXI, Việt Nam trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa; hai là, phải dựa vào dân, thực sự dựa vào dân chứ không thể dựa vào những gì hào nhoáng bên ngoài, như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”; ba là, thể chế, môi trường chính trị ổn định; bốn là, khả năng hội nhập của người Việt Nam, tinh thần hòa hiếu, làm bạn với tất cả các nước.
Theo tôi, có 3 động lực chiến lược của Việt Nam trong phát triển sẽ được triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới, đó là cải cách thể chế, nâng cấp hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực (nhất là thu hút nhân tài). Bên cạnh đó, Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Đảng Cộng sản Việt Nam đang có hướng đi tốt, chiến lược rất rõ ràng để đưa đất nước đi tới phồn vinh trong 2 thập niên tới.
PGS, TS Vũ Minh Khương sinh năm 1959, tại Hải Phòng. Năm 1983, ông tốt nghiệp đại học loại xuất sắc ngành Toán, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tháng 8-1986, ông làm kế toán trưởng rồi phó giám đốc Xí nghiệp hóa chất Sông Cấm - một công ty quốc doanh với hơn 450 công nhân sắp phá sản. Tháng 12-1988, ông được công nhân bầu làm giám đốc ở tuổi 29. Ông lãnh đạo xí nghiệp hoạt động hiệu quả, phát triển tốt. Năm 1992, ông giành học bổng chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Harvard.
Năm 1995, ông về nước và làm Trưởng ban Cố vấn kinh tế cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, Phó Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Đình Vũ… Năm 1999, ông trở lại Đại học Harvard làm nghiên cứu sinh. Năm 2005, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về chính sách và kinh tế đạt loại xuất sắc.
Ông là thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Thưa PGS, quan hệ giữa Việt Nam và Singapore có những bước phát triển rất toàn diện, mạnh mẽ; nhưng có thực trạng là không ít cán bộ Việt Nam sang Singapore học tập song về nước lại không áp dụng được nhiều. Theo ông, đâu là vướng mắc và để tháo gỡ cần giải pháp gì, đặc biệt là về mặt chiến lược?
Tôi cho rằng, thành công của một quốc gia hay của một con người đầu tiên là chiến lược. Tôi dạy về chiến lược nên rất tâm đắc điều này. Nhưng nhiều người hiểu chưa hết về chiến lược, không phân biệt rõ hiệu quả và hiệu lực. Trước hết, cần hiểu nội hàm của chiến lược. Thành công của Singapore có thể gói gọn trong một chữ S (Strategy - Chiến lược). Nếu ý thức được vấn đề chiến lược thì rất rõ đường hướng phát triển, tính hiệu lực, hiệu quả của chính sách.
Hiệu quả là cái lợi ích trước mắt trong khi hiệu lực là nền tảng đi đến tương lai. Nếu mình thiên lệch hiệu quả thì không có chiến lược. Ví như mua được miếng đất, lên được chức vụ này khác mà không nghĩ đến nền tảng, hệ sinh thái đó có vững hay không.
Trong chiến lược, định đề kiến tạo giá trị phải là hiệu quả nhân hiệu lực, chứ không phải chỉ là hiệu quả. Ở Việt Nam nhiều người thường chú ý đến hiệu quả, bệnh thành tích mà ít quan tâm đến hiệu lực dù hiệu lực là nền móng để đi đến tương lai. Không ít đơn vị, doanh nghiệp chạy chọt để có được dự án, hiệu quả có nhưng làm tổn thương toàn bộ tính liêm chính của hệ thống. Nhiều người sai phạm, bị đi tù...
Theo tôi, có 3 điểm mang tính nguyên lý, chiến lược đã đưa Việt Nam phát triển tốt, khẳng định vị thế, uy tín trên trường quốc tế. Thứ nhất, hội nhập quốc tế. Trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, Việt Nam lựa chọn đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế rất phù hợp, nhờ đó mà biến thù thành bạn, biến những hiềm khích thành sự chân thành... Đó là một dân tộc hòa hiếu. Hòa hiếu để kết bạn, để tạo ra và nâng cấp giá trị mới. Đây là điểm sáng, sự đặc sắc của Việt Nam.
Thứ hai, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chúng ta để thị trường vận hành, Nhà nước chỉ quản lý, điều tiết chặt chẽ, phù hợp. Phải nói đây là thành quả của đổi mới. Thứ ba, tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ.
Chúng ta đã tạo được “tam giác ngoại tiếp” rất vững vàng, làm nền tảng để Việt Nam đi từ nghèo đói từng bước đến khá giả, hội nhập sâu rộng với thế giới. Tuy nhiên, để Việt Nam cất cánh thành một dân tộc hùng cường thì cần củng cố chắc chắn “tam giác nội tiếp”.
PGS, TS có thể nói cụ thể, rõ ràng hơn về “tam giác nội tiếp” để Việt Nam cất cánh trong thời gian tới?
Theo tôi, những thành quả nước ta đạt được không chỉ là những kết quả rất đáng ghi nhận về kinh tế - xã hội, trở thành điểm sáng của kinh tế thế giới như đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, mà quan trọng hơn chính là chúng ta đã có một tâm thế tốt cho tương lai. Tâm thế đó giúp chúng ta sẵn sàng cho một kỷ nguyên cất cánh. Điều này tôi cảm nhận rõ nét khi tiếp xúc với các địa phương, các doanh nghiệp, những nhà đầu tư nước ngoài.
Để Việt Nam cất cánh thành một dân tộc hùng cường thì tam giác nội tiếp, theo tôi gồm 3 khía cạnh: một là, xây dựng bộ máy công quyền ưu tú, từ xây dựng chiến lược như thế nào, cấu trúc bộ máy tổng thể ra sao, tránh lãng phí, tốn kém thời gian, nguồn lực. Việc chống tham nhũng hiệu quả, không có vùng cấm là rất tốt, song cần tạo ra cơ chế để cán bộ vươn lên, hết lòng hiến dâng như trước đây sẵn sàng xung phong đi bộ đội, xông pha vào những nơi gian khó.
Xây dựng được bộ máy công quyền ưu tú sẽ tạo ra động lực, khát vọng lớn lao, tạo nên sức mạnh vô song, ý chí vô song. Hai là, hình thành mạng lưới kết cấu hạ tầng cao cấp, đáng sống, đó là hệ thống giao thông đi lại thuận tiện, nhất là giao thông công cộng.
Thí dụ, trong vòng 10 năm tới, nếu Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng được hệ thống tàu điện ngầm sẽ có những bước tiến xa, đáng kinh ngạc. Ba là, xây dựng được nguồn nhân lực tinh tú, chất lượng cao, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài, hội nhập quốc tế. Qua đó, tạo ra tính cộng hưởng, kết nối chặt chẽ giữa nhà đầu tư trong nước - ngoài nước và người dân…
Nếu xây dựng được “tam giác nội tiếp” vững chắc, Việt Nam sẽ có những bước chuyển biến rất lớn lao. Đó thực sự như là “khoán 10” của thời đại mới, hướng tới những không gian phát triển mới. Tôi xin nhắc lại rằng, điều mấu chốt vẫn là xây dựng được đội ngũ cán bộ giỏi, bộ máy công quyền ưu tú.
Tôi rất tâm đắc với 2 loại tam giác ngoại tiếp và nội tiếp mà PGS, TS khái quát rất cô đọng. Đấy cũng có thể coi là ưu điểm nên phát huy, nhược điểm cần khắc phục để Việt Nam có thể cất cánh trong thời gian tới. Về hợp tác giữa Việt Nam và Singapore, PGS, TS có thể đưa ra một số nhận xét, cả thời gian qua cũng như điểm nhấn trong giai đoạn sắp tới?
Sau hơn 50 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 - 2024), nhất là hơn 10 năm nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược (2013 - 2024), quan hệ giữa Việt Nam và Singapore phát triển mạnh mẽ cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Người góp phần đặt những viên gạch đầu tiên và bồi đắp cho mối quan hệ này chính là cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu (1923 - 2015).
Trong tầm nhìn chiến lược của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, “Việt Nam là một đối tác rất đặc biệt trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)”. Ấn tượng về Việt Nam của cố Thủ tướng Singapore và các cộng sự không chỉ bởi Việt Nam là quốc gia bản lĩnh mà còn có sức mạnh trong bảo vệ chủ quyền độc lập.
Ông Lý Quang Diệu luôn nói Việt Nam có thể làm được những điều không quốc gia nào có thể làm được. Cố Thủ tướng Singapore cũng nhận thấy chất lượng nguồn lực Việt Nam rất tiềm tàng. Ông Lý Quang Diệu tin rằng, một đất nước có bản lĩnh dân tộc cao và tiềm năng con người như vậy sớm hay muộn cũng trở thành một quốc gia mạnh.
Một trong những biểu tượng hợp tác thành công nhất giữa Việt Nam và Singapore chính là Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) được khởi công xây dựng tại tỉnh Bình Dương năm 1995. Dự án VSIP Bình Dương nhận được rất nhiều sự quan tâm của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu. Ông đã nhiều lần đến thăm Bình Dương, ghi nhận sự phát triển vượt bậc tại đây.
Đến nay, khu công nghiệp này trở thành hình mẫu trên cả nước, với kết cấu hạ tầng hiện đại, thân thiện với môi trường, góp phần rất lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Hiện nay, Singapore rất chú ý đến đất nước Việt Nam gần 100 triệu dân, hết sức giàu tiềm năng phát triển.
Singapore luôn thấy được tiềm năng của Việt Nam là rất lớn, nổi bật ở các điểm sau: thứ nhất là sự ổn định về chính trị và sự nhất quán về đường lối đổi mới, phát triển; thứ hai là sự cần cù, năng động, sáng tạo của người dân; thứ ba là quan hệ giữa Việt Nam và Singapore rất gắn bó, hòa hợp.
Trong chiến lược trỗi dậy sau đại dịch COVID-19 của Singapore, một trong những chiến dịch lớn của họ là cộng hưởng mạnh mẽ với Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là một trọng điểm. Bởi vì, trong chiến lược của mình Singapore rất ý thức vấn đề tồn tại, nên chú trọng ưu tiên phát triển nguồn năng lượng. Họ nhận thấy Việt Nam có tiềm năng lớn để cung ứng nguồn năng lượng xanh, nhất là điện gió ngoài khơi có công suất lớn…
Vì thế, hợp tác về năng lượng được đặt ở ở vị trí ưu tiên hàng đầu. Mặt khác, cơ hội đầu tư của Singapore vào Việt Nam rất mạnh mẽ, không chỉ là sự mở rộng mà là nâng cấp, góp phần cải biến nền công nghiệp Việt Nam.
Suốt hơn 1 tiếng đồng hồ trao đổi say sưa, giàu hàm lượng tri thức, sự nhiệt huyết, tinh thần yêu nước thành tâm, sôi nổi luôn bộc trực ở PGS, TS Vũ Minh Khương. Ông cho rằng, “trong sâu thẳm trong trái tim mỗi người Việt Nam, theo tôi và từ tôi, tôi thấy trong trái tim mình với quê hương đất nước, luôn chứa đựng tinh thần dân tộc”.
Ông nhắc nhiều về câu chuyện Thánh Gióng với 3 thông điệp mà ông cha ta truyền lại rất hay. Đó là tin vào sự phi thường, dựa vào dân và huy động sức mạnh tổng lực. Ông cho rằng: “nếu quy hoạch thì không bao giờ có được Thánh Gióng, vì vậy phải tin vào sự phi thường. Ví như mình đưa bài toán khó ra, huy động người tài cả ở trong nước và trên thế giới cùng tìm lời giải hợp lý, hiệu quả”. Còn việc dựa vào dân và huy động sức mạnh tổng lực, PGS, TS Vũ Minh Khương kể rằng:
Khi còn làm ở Xí nghiệp hóa chất Sông Cấm, tôi không biết gì về hóa chất mà dựa vào công nhân, lắng nghe họ rồi ra quyết định. Tôi thấy muôn người như một… Hay như truyện Thánh Gióng, đó là việc kêu gọi người dân góp gạo, góp sắt, thép,… để làm nên ngựa Gióng, nuôi Thánh Gióng.
Nếu chúng ta kêu gọi người dân hiến kế, tôi tin chắc nhiều người Việt trong nước và trên thế giới sẽ sẵn sàng góp vốn, góp sức, góp ý tưởng, kế sách, giải pháp. Khi ấy, việc triển khai sẽ hết sức thuận lợi. Ví như làm tàu điện ngầm cần ý chí chiến lược cao, cần coi đó là trận quyết chiến chiến lược. Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh cần coi việc xây dựng hệ thống tàu điện ngầm như là “trận Điện Biên Phủ” để quyết tâm làm và làm được những điều phi thường.
Việt Nam ta có sức mạnh vô tận, đó là lòng người. Khi mọi người đồng lòng, cùng chí hướng thì sức mạnh đó cộng hưởng thành một thứ sức mạnh vô song, như đã thể hiện trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược. Sự gắn kết đó, đồng lòng đó cần được khơi lên, phát huy trong thời đại này, làm sao mỗi người Việt Nam đều tự hào, đều dồn sức cho phát triển đất nước.
Muốn đất nước vượt lên, tiến lên một bậc, một nấc thang mới cũng cần phải nâng cấp “kho báu lòng người” lên một nấc thang mới.
Thưa PGS, TS Vũ Minh Khương, đâu là những giải pháp mang tính đột phá trong thời gian tới để thúc đẩy đất nước cất cánh lên tầm cao mới?
Theo tôi, có hai vấn đề quan trọng. Thứ nhất, cần rà soát lại đồng bộ, toàn diện các chính sách, phân tích định đề giá trị chính sách là gì, tại sao phải có và thiết chế để thực hiện không có tham nhũng là gì, thiếu cái gì. Từ đó, xem các chính sách có đồng bộ với nhau hay không, giá trị thực sự đến đâu...
Đồng thời, cần phải so sánh, tham khảo kỹ 3 - 5 chính sách tương đồng hay nhất của thế giới. Chẳng hạn, lĩnh vực nhà cửa, quản lý đô thị, chuyển đổi số, đâu là kinh nghiệm thế giới hay nhất cần phải tham khảo. Việt Nam không nhất thiết phải học theo họ, nhưng cần đánh giá lại tổng thể chất lượng thể chế, thiết chế của mình, từ nội dung chính sách đến quá trình triển khai thực hiện.
Thêm vào đó, cần tham khảo và lấy ý kiến của người dân, cái gì được, cái gì chưa được, cái gì phù hợp để có được chính sách đúng đắn, hợp lòng dân.
Thứ hai, tất cả các ngành, địa phương đều cần có chiến lược, mục tiêu phát triển rõ ràng đến năm 2045. Nơi nào vượt mục tiêu trước thời hạn cần được “cắm cờ” biểu dương kịp thời, thay vì đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã cũ rồi. Cái hay của Singapore trong xây dựng chiến lược là cho người dân tham gia, góp ý.
Chiến lược đó đề ra mục tiêu, hướng đi chủ đạo, lĩnh vực trọng yếu, xác định năng suất, phát triển bền vững, chất lượng quản trị, chất lượng nguồn nhân lực, hạ tầng tiên tiến…
Xin trân trọng cảm ơn PGS, TS Vũ Minh Khương!